Phát triển hạ tầng logistics thúc đẩy kinh tế Tây Bắc
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:31, 25/07/2016
(Vietnam Logistics Review)Tây Bắc có vị trí chiến lược là cửa ngõ giao thương với thị trường rộng lớn Trung Quốc và Đông Bắc Lào. Nơi đây giàu tài nguyên thiên nhiên và nhận được nhiều hỗ trợ từ phía Nhà nước và các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước. Vậy đâu là nguyên nhân và làm thế nào để đưa Tây Bắc phát triển trong bối cảnh hội nhập?
Những tồn tại
TS. Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, ngoài những chương trình đầu tư khác, chỉ riêng từ năm 2012 đến nay, hưởng ứng sự kêu gọi, vận động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và một số thành phố lớn đã cam kết hỗ trợ gần 1.700 tỷ đồng cho khu vực Tây Bắc. Nhiều chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, viễn thông...; nhiều mô hình hiệu quả về kinh tế hộ, kinh tế trang trại, mô hình giảm nghèo bền vững được triển khai, nhân rộng; các chương trình y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội đã góp phần làm vùng Tây Bắc phát triển toàn diện hơn, tạo thêm tiềm năng và những cơ hội mới cho hợp tác, đầu tư phát triển vùng.
Kinh tế của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 30,4 triệu đồng/ năm, tăng 2,1 triệu đồng so với năm 2014, thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 30,4 ngàn tỷ đồng (tăng 7,34% so với năm 2014); tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 83,1 ngàn tỷ đồng (tăng 4,3%), tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt hơn 93,9 ngàn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 119 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng, chưa theo kịp tốc độ phát triển rất nhanh của toàn quốc và quốc tế, chưa đủ sức nắm bắt cơ hội và đối phó với các thách thức trước các diễn biến ngày càng đa dạng của biến đổi khí hậu và hội nhập toàn cầu. Nguy cơ bị tụt hậu của vùng so với các vùng khác là rất cao. Trên thực tế, Tây Bắc vẫn còn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Hầu hết địa phương trong vùng chưa tự cân đối được ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh thấp. Đặc biệt, hệ thống doanh nghiệp của vùng Tây Bắc đa số là vừa và nhỏ, năng lực quản trị, tài chính, nhân lực, công nghệ, tiếp cận thị trường còn hạn chế.
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, sở dĩ Tây Bắc gặp khó khăn là do chính sách thu hút đầu tư chưa đúng hướng trong thời gian dài. Nhiều lĩnh vực khi có sự tham gia đầu tư của DN đã gây ra những hệ lụy đáng kể, không những không hỗ trợ được người dân phát triển kinh tế mà còn mang đến cho họ nhiều hậu quả.
Cụ thể, lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, lâm sản đã làm tài nguyên cạn kiệt, mất đi hàng chục nghìn hecta rừng, đường giao thông vốn đã xấu càng xấu hơn; ô nhiễm môi trường, nguồn nước sông bị cạn kiệt, tệ nạn xã hội tăng lên; nguồn thu từ đóng góp của doanh nghiệp không đủ bù đắp chi phí khắc phục. Trong khi đó, yếu tố căn bản để phát triển kinh tế chính là hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính rườm rà với những điều kiện khắt khe, mất thời gian và chi phí đã khiến các nhà đầu tư vào Tây Bắc không mấy thiết tha.
Đâu là giải pháp?
Dù đã có nhiều giải pháp nêu ra nhằm phát triển kinh tế vùng Tây Bắc thế nhưng sau 30 năm đổi mới các địa phương trong vùng vẫn nghèo. Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng kìm hãm sự phát triển của Tây Bắc chính là hạ tầng logistics và dịch vụ chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Có chăng cũng chỉ ở một số tỉnh có điều kiện thuận lợi như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng… còn các tỉnh còn lại hầu như rất hạn chế.
Thế mạnh của Tây Bắc chính là các sản phẩm khoáng sản, nông lâm nghiệp, du lịch, kinh tế cửa khẩu. Thế nhưng, do hạn chế về hệ thống đường giao thông, thiếu các kho bãi, khu trung chuyển, khu chế biến, sản xuất và các dịch vụ đi kèm nên sức cạnh tranh giao thương hai chiều, hoặc trong nội vùng rất hạn chế. Hiện Tây Bắc mới chỉ khai thác được một phần dịch vụ vận tải đường bộ, còn đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không dường như còn bỏ ngỏ. Nếu có cũng chủ yếu phục vụ vận chuyển khách du lịch là chính. Tổng khối lượng vận tải toàn vùng đạt trên 404 triệu lượt khách và 506 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,56%/năm đối với vận tải hành khách và 10,1%/năm đối với vận tải hàng hóa.
Hiện nay, hệ thống đường bộ khu vực trung du và miền núi phía Bắc có tổng chiều dài khoảng 67.863,1km. Tuy nhiên, mới có 325,3km đường cao tốc. Về đường sắt hiện nay vùng có 4 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 700km trong đó có 3 tuyến hoạt động bình thường. Về lĩnh vực hàng không của vùng còn hạn chế, với 3 cảng hàng không chỉ có khả năng tiếp nhận các loại máy bay cỡ nhỏ với tổng năng lực thiết kế khoảng 30.000 ngàn lượt khách/năm. Thế nhưng giai đoạn 2010–2015, toàn vùng mới hoàn thành khoảng 42 công trình, dự án đường bộ quan trọng, cấp bách; xây dựng, nâng cấp, sửa chữa được 1.916km đường bộ, 296km đường sắt, 115km đường thủy nội địa.
Theo các chuyên gia, để có thể thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại vùng Tây Bắc, cần có một chiến lược phát triển lâu dài, cùng các giải pháp đồng bộ, nhất là trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước, tổ chức quốc tế ngày càng gặp khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc xác định các nhóm sản phẩm mang tính lợi thế, hình thành các trung tâm sản xuất lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đầu tư hạ tầng điện, thủy lợi, các khu - cụm công nghiệp... cần tiếp tục ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông nhằm kết nối các tỉnh với nhau và với đồng bằng; kết nối Tây Bắc với các nước láng giềng thông qua hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng không. Đồng thời hình thành các trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ để tiếp nhận các sản phẩm nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Đặc biệt là hình thành hệ thống chuỗi giá trị cho các mặt hàng nông sản chính mang tầm quốc gia, vùng, địa phương. Kết nối doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp quốc tế với doanh nghiệp trong nước, và đặc biệt liên kết với các tổ chức hợp tác sản xuất của nông dân được hình thành theo cơ chế cộng đồng với các doanh nghiệp.