RFID: Công nghệ tương lai

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:09, 30/08/2016

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Để hội nhập và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, DN Việt Nam cần phải nắm bắt và vận dụng nhanh công nghệ tiên tiến trên thế giới. RFID - được đánh giá là công nghệ của tương lai, thay thế cho công nghệ mã vạch bởi tính năng vượt trội của nó.

(Vietnam Logistics Review) Để hội nhập và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, DN Việt Nam cần phải nắm bắt và vận dụng nhanh công nghệ tiên tiến trên thế giới. RFID - được đánh giá là công nghệ của tương lai, thay thế cho công nghệ mã vạch bởi tính năng vượt trội của nó.

RFID vượt trội so với công nghệ mã vạch

RFID (Radio Frequency Identification) công nghệ định danh bằng sóng radio, một sự kết hợp giữa công nghệ dựa trên sóng radio và con chip điện tử, là công nghệ tiên tiến để kiểm soát tài liệu, có nhiều ưu điểm vượt trội so với công nghệ mã vạch.

Công nghệ mã vạch, là công nghệ định danh trực diện (line-of-sight technology), để nhận dạng đối tượng, máy đọc cần phải tiếp xúc trực tiếp với đối tượng ở khoảng cách gần. Trong khi với RFID, có thể xác định đối tượng ở khoảng cách xa từ vài mét tới hàng trăm mét trong môi trường không gian 3 chiều (3D).

RFID bắt đầu nổi bật từ những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX. Ngay từ năm 1939, một công nghệ tương tự RFID là bộ tách sóng IFF đã được phát minh bởi người Anh và được quân đồng minh sử dụng trong thế chiến thứ II để nhận dạng máy bay ta và địch. Đến năm 1945, Leon Theremin phát minh ra một công cụ do thám cho chính phủ Liên Xô cũ bằng cách truyền các sóng vô tuyến phụ với tin tức audio. Công cụ này là một thiết bị chuyển đổi âm thanh thụ động chứ không phải là một thẻ nhận dạng và được coi là thiết bị đầu tiên sử dụng bộ xử lý công nghệ RFID. Năm 1948, Harry Stockman cho ra đời tập tài liệu "Communication by Means of Reflected Power" nghiên cứu về RFID. Vào năm 1973, sáng chế đầu tiên liên quan tới công nghệ RFID được đăng ký ở Mỹ và Mario Cardullo đã chính thức trở thành người đầu tiên hoàn thiện công nghệ RFID. RFID lần đầu xuất hiện trong các ứng dụng truy nhập và theo dõi những năm 1980 và nhanh chóng thu hút sự chú ý bởi khả năng theo dõi các đối tượng đang chuyển động.

Từ năm 1976 đến nay, hàng loạt các sáng chế về RFID đã được đăng ký ở nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Đức... Các công ty nổi tiếng như Micron Technologies, IBM và Symbol là những công ty dẫn đầu về các sáng chế trong công nghệ RFID. Ngoài ra còn có các công ty khác như HP, Intermec IP và 3M Innovative Properties… RFID được nghiên cứu, sử dụng phổ biến ở nhiều nước và được tiêu chuẩn hóa bằng các tiêu chuẩn quốc tế.

Nguyên tắc hoạt động

Hệ thống RFID gồm hai thành phần chính: thẻ RFID (RFID tag) và đầu đọc (reader). Thẻ RFID có gắn chip silicon và ăng ten radio dùng để gắn vào đối tượng quản lý như sản phẩm, hàng hóa, động vật hoặc ngay cả con người… Thẻ RFID có kích thước rất nhỏ, cỡ vài cm. Thẻ này chứa một bộ phát đáp (transponder) với một chip nhớ có mã sản phẩm điện tử duy nhất. Bộ nhớ của con chip có thể chứa từ 96 đến 512 bit dữ liệu. Đầu đọc reader cho phép giao tiếp với thẻ RFID qua sóng radio ở khoảng cách trung bình từ 0,5-30m, từ đó truyền dữ liệu về hệ thống máy tính trung tâm. Khi một thẻ RFID đi vào vùng điện từ trường, nó sẽ phát hiện tín hiệu kích hoạt của thẻ đọc. Bộ đọc giải mã dữ liệu được mã hóa từ mạch tích hợp (chip silicon) của thẻ và dữ liệu được đưa vào máy chủ. Phần mềm ứng dụng trên máy chủ sẽ xử lý dữ liệu và thường sử dụng ngôn ngữ đánh dấu vật lý - PML. Mục đích của hệ thống RFID là cho phép dữ liệu được truyền bởi một thiết bị di động - thẻ đến được một bộ đọc RFID và bộ đọc xử lý thông tin theo yêu cầu của ứng dụng cụ thể. Dữ liệu truyền từ thẻ có thể chứa thông tin nhận dạng thông tin định vị hoặc những chi tiết về sản phẩm được ghi nhận vào thẻ như: giá, màu, ngày mua, tình hình vận chuyển...

Ưu điểm

Thứ nhất, giảm các chi phí thông tin: hiện nay, thông tin DN thường được truyền tải nhờ sự kết hợp giữa hệ thống mã vạch và trao đổi dữ liệu điện tử EDI (Electronic Data Interchange) giữa các máy tính. Tuy nhiên, sự kết hợp có hạn chế là: các mã vạch thông thường được đầu đọc quét qua nó và phải được đọc liên tục; các mã vạch không thể thay đổi một khi đã được in ra và dễ bị dính bụi, dễ bị trầy xước. Ngược lại, các thẻ RFID không cần phải quét qua nó mà vẫn đọc được và còn có thể đọc được từ xa. Trên thẻ RFID có thể lưu một khối lượng lớn các thông tin, mà các thông tin đó có thể được thay đổi và cập nhật. Thường các thông tin đó sẽ được tự gắn vào đồ vật, do vậy nó luôn hiện hữu tại điểm sử dụng.

Thứ hai, tăng độ chính xác của thông tin: bằng cách cho phép thông tin được lưu lại một cách tức thời, bất cứ đâu thuận tiện nhất, bộ nhớ thẻ RFID có thể lưu trữ một khối lượng lớn thông tin.

Thứ ba, hỗ trợ cập nhật thông tin trạng thái của đối tượng quản lý: thẻ RFID có thể được kết hợp với các bộ cảm biến trên một con chip, để có thể thu thập các dữ liệu về các trạng thái mà các đối tượng quản lý đã trải qua, ví dụ như nhiệt độ của sản phẩm trong kho lạnh, vị trí của container hay hàng hóa trong quá trình vận chuyển...

Thứ tư, tiết kiệm thời gian kiểm tra đối tượng quản lý: với việc sử dụng RFID, các đối tượng có thể được kiểm kê tại cùng một thời điểm hoặc kiểm soát dễ dàng mà không cần phải phân nhóm vì các thông tin đã được lưu lại trong thẻ đọc, điều này tiết kiệm rất nhiều thời gian cho người sử dụng.

Hạn chế

Thẻ RFID có tính bảo mật chưa cao. Do thẻ RFID có giá rẻ, đa phần có kích thước lẫn giá cả khiêm tốn hơn nhiều so với thẻ nên hoàn toàn có thể bị giới hacker cũng như những kẻ trộm giỏi công nghệ thông tin lợi dụng. Các lỗ hổng của công nghệ RFID không chỉ đe dọa đến thông tin riêng tư người tiêu dùng mà còn có thể ảnh hưởng đến người bán, khi các hacker có thể dùng các đầu đọc thẻ RFID tác động thay đổi giá bán của sản phẩm tại các quầy bán hàng tự động.

Thứ hai, với nhiều DN, mức chi phí cần phải bỏ ra để có thể sử dụng bộ công nghệ RFID là khá cao. Giá của bộ đọc RFID là khoảng 1.000 USD và một thẻ RFID thì có giá là 1 USD/chiếc, chưa kể đến chi phí cho phần mềm cài đặt.

Thứ ba, vẫn chưa có chuẩn RFID thống nhất. Có nhiều loại thẻ RFID với nhiều chuẩn RFID ra đời thì tất yếu khách hàng sẽ phải nâng cấp phần mềm đọc thẻ của họ mỗi khi có một loại thẻ mới được đưa ra, như vậy gây khó khăn và tốn kém trong triển khai và làm cản trở quá trình phát triển cũng như ứng dụng RFID.