Logistics và rào cản tư duy luật pháp?
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 07:27, 24/09/2016
(Vietnam Logistics Review)Câu chuyện Thông tư 20 của Bộ Công thương cho thấy quyết tâm của Chính phủ vẫn tiếp tục gặp “rào cản”... Xem ra để logistics phát triển còn phải có quyết tâm chính trị trên thực tế, chứ không chỉ trên các diễn đàn và văn bản.
Thông tư 20 và câu chuyện nhận định
Trong thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 20/2011/TT-BCT (Thông tư 20) của Bộ Công Thương, Bộ này đã tổ chức họp để xin ý kiến các Bộ, Ngành liên quan, các DN sản xuất, nhập khẩu, phân phối ôtô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Bộ cũng đã tập hợp, nghiên cứu nghiêm túc ý kiến của người dân và DN về vấn đề này do các cơ quan báo chí truyền tải. Trên cơ sở đó, ngày 18.8.2016, Bộ đã có báo cáo chính thức về Thông tư 20 trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong văn bản trên, Bộ Công Thương nhận định: Thông tư 20 tuy không trái luật, nhưng chưa phải là giải pháp toàn diện nhất và tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông. Và “Thông tư này được ban hành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và qua 5 năm thực hiện, đã chứng minh được tác dụng của mình, triệt tiêu hoàn toàn tình trạng vô trách nhiệm với người tiêu dùng và với xã hội của một số nhà nhập khẩu, phân phối ôtô”…
Thông tư 20 có đơn thuần là thủ tục hành chính?
“Ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20” là một trong các kiến nghị trong báo cáo chính thức gửi Thủ tướng về Thông tư 20. Bộ Công Thương lý giải Thông tư này không phải là điều kiện kinh doanh, mà chỉ là thủ tục hành chính, vì thế không cần thiết phải gỡ bỏ, hoặc chỉ gỡ bỏ khi ban hành một thông tư mới có tác dụng tương đương. Tuy nhiên, cái cách mà Bộ Công Thương lý giải lại mang khá nhiều dấu hiệu của sự ngụy biện, dựa trên sự chưa rõ ràng của các quy định pháp luật.
Câu trả lời của Bộ Công Thương trên thực tế đồng nghĩa với việc đưa cuộc tranh luận xung quanh Thông tư 20 quay trở về xuất phát điểm, đó là thông tư này thực chất là một điều kiện kinh doanh hay chỉ là một thủ tục hành chính. Trong khi một số đơn vị như VCCI hay Bộ Tư pháp, cũng như khá nhiều chuyên gia kinh tế và các DN nhập khẩu ôtô quy mô nhỏ đều dựa vào những biểu hiện và tác động trên thực tế trong lĩnh vực nhập khẩu ôtô để chứng minh rằng Thông tư 20 là một điều kiện kinh doanh và cần phải bãi bỏ từ ngày 1.7 theo quy định; thì Bộ Công Thương lại đưa ra cách tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác. Đó là dựa vào sự định nghĩa về điều kiện kinh doanh trong các văn bản pháp luật để xác định xem Thông tư 20 có phải là một điều kiện kinh doanh hay không?
Về lý thuyết, lập luận của Bộ Công Thương có vẻ khá hợp lý, khi đúng là Thông tư 20 không can thiệp vào việc bỏ vốn đầu tư để thành lập DN như hầu hết các điều kiện kinh doanh khác thường làm. Thông tư 20 cũng không can thiệp vào việc ngăn cản các DN nhập khẩu ôtô đàm phán và thương lượng để có được giấy chứng nhận ủy quyền từ các thương hiệu sản xuất ôtô. Nhưng đối chiếu với thực tế, lập luận có vẻ rất hợp lý trên của Bộ Công Thương là không chính xác.
Cách lý giải về Thông tư 20 của Bộ Công Thương được một số nhà kinh tế giải thích là một sự “lách luật”, diễn giải sai luật một cách “tinh vi” dựa trên một đặc thù mà chỉ ngành sản xuất và nhập khẩu ôtô mới có. Kể cả việc đem ngành nghề nhập khẩu hoa quả ra để làm dẫn chứng cho Thông tư 20 chỉ là thủ tục hành chính của Bộ Công Thương không chuẩn xác và cũng là một sự ngụy biện khác.
Rào cản của hành chính
Một năm qua, Luật DN và Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1.7.2015, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN giảm xuống còn 2,9 ngày đối với đăng ký thành lập mới, 2,7 ngày đối với đăng ký thay đổi, nhờ đó giảm hơn nửa triệu ngày chờ đợi cho DN. Những cải cách mạnh mẽ của 2 Luật đã được các tổ chức
quốc tế như WB ghi nhận trên các chỉ tiêu Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư. Mới đây, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 cũng ghi nhận đăng ký thành lập DN có bước tiến lớn nhất và có điểm số cao nhất trong vòng 11 năm điều tra PCI.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn không ít vấn đề và vướng mắc phát sinh trong thi hành 2 Luật này. Một là, vướng mắc do có sự khác nhau, không tương thích, không phù hợp giữa quy định của Luật Đầu tư, Nghị định 118/2015/NĐ-CP và các luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư.
Thứ hai, vướng mắc trong tập hợp, rà soát và cải cách các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư. Trong đó, việc soạn thảo các nghị định có liên quan về điều kiện đầu tư kinh doanh thay thế các thông tư, quyết định của các bộ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016 còn chậm; chưa ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 15/16 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (hiện chỉ có Nghị định về điều kiện kinh doanh sản phẩm amiăng trắng thuộc nhóm Serpentine), từ đó, có nguy cơ tạo “khoảng trống pháp lý”.
Thứ ba, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện thủ tục, nghiệp vụ chấp thuận chủ trương, đăng ký dự án đầu tư và đăng ký DN. Nguyên nhân rất “buồn cười” là Luật có hiệu lực 1 năm rồi “khoảng trống pháp lý” còn đó, vẫn phải chờ các văn bản dưới luật. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần cải cách, đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, giải phóng sức sản xuất, ủng hộ và bảo vệ quyền kinh doanh. Không để có thêm các giấy phép con, các điều kiện gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.