Ứng dụng quản trị chuỗi cung ứng trong giáo dục đại học
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:14, 21/10/2016
(Vietnam Logistics Review)Tăng cường chất lượng đào tạo của các trường đại học đang trở thành yêu cầu cấp bách trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay.
Xem xét quá trình đào tạo đại học dưới góc độ một chuỗi cung ứng đang được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới tiến hành. Ở Việt Nam, đây là một hướng tiếp cận khá mới mẻ, nhưng rất đáng quan tâm, đặc biệt đối với giới quản lý các cơ sở đại học.
Chuỗi cung ứng trong giáo dục đại học
Nói một cách khái quát, chuỗi cung ứng là một hệ thống các tổ chức, con người, hoạt động, thông tin và các nguồn lực liên quan tới việc chuyển sản phẩm hay dịch vụ từ nhà cung cấp đến khách hàng. Khách hàng luôn là trung tâm của chuỗi, do mục tiêu cơ bản của việc tồn tại bất cứ chuỗi cung ứng nào cũng là thỏa mãn nhu cầu của khách hàng trong quá trình tạo ra lợi nhuận cho nó. Như vậy, quản trị chuỗi cung ứng (Supply Chain Management- SCM) là quản trị các hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa, dịch vụ từ các tầng khác nhau của chuỗi đến người tiêu dùng cuối cùng.
Việc mở rộng ứng dụng SCM trong lĩnh vực dịch vụ đã được đề cập đến từ hàng chục năm nay. Trong lĩnh vực giáo dục, hai tác giả O’Brien và Kenneth đã từng xem xét SCM như là một công cụ cho việc lập kế hoạch chiến lược của trường đại học, kể cả các trường phi lợi nhuận, từ năm 1996. Sau đó, nhiều nhà nghiên cứu khác, điển hình là Lau, Habib, Junthirapanich và Gopalakrishnan, đã tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này.
Không kể chức năng nghiên cứu, có thể hình dung chuỗi cung ứng trong trường đại học bắt đầu từ giai đoạn đầu vào là các sinh viên mới trúng tuyển, qua quá trình thực hiện hoạt động giảng dạy và học tập, cho đến giai đoạn đầu ra là sinh viên tốt nghiệp, cung ứng cho nhu cầu xã hội. Trong chuỗi cung ứng ấy, các bên tham gia bao gồm nhà cung cấp, đối tượng cung cấp dịch vụ, khách hàng, sản phẩm cuối cùng của chuỗi, đối tượng tiêu dùng sản phẩm.
Trong trường hợp này, nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào bao gồm các sinh viên (tự trang trải chi phí học), gia đình (cung cấp các nguồn tài trợ), các tổ chức chính phủ và tư nhân (cung cấp học bổng), nguồn cung cấp sinh viên (các trường phổ thông, trung cấp, cao đẳng và các trường đại học khác), các nhà cung cấp vật tư và trang thiết bị giảng dạy, các nhà cung cấp các dự án liên quan. Đối tượng cung cấp dịch vụ chính là trường đại học. Khách hàng trong chuỗi là sinh viên, gia đình, hoặc người quản lý các cơ quan và các dự án. Sản phẩm cuối cùng của chuỗi là những sinh viên tốt nghiệp với những năng lực, phẩm chất và thái độ đáp ứng được những yêu cầu của xã hội, đối tượng tiêu dùng sản phẩm.
Ứng dụng SCM để tăng cường chất lượng đào tạo
Theo hình dung chuỗi cung ứng trong trường đại học như trên, có thể thấy ngay vai trò trung tâm của sinh viên như là khách hàng và là “sản phẩm” cuối cùng của chuỗi. Để được xã hội chấp nhận, không có cách nào khác là nhà trường phải tăng cường chất lượng đào tạo. Theo UNESCO, hai chỉ số cốt lõi để đánh giá chất lượng giáo dục là sự phát triển nhận thức của người học và thúc đẩy những giá trị chung, sự phát triển sáng tạo và cảm xúc của người học. Nói một cách thực tế hơn, sinh viên tốt nghiệp phải có các năng lực, tố chất như xã hội mong muốn.
Có nhiều yếu tố tác động đến chất lượng đào tạo từ bên cung cấp dịch vụ, bao gồm từ cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ quản lý, năng lực các phòng, ban phục vụ và các khoa, viện chuyên môn, giảng viên… cho đến chương trình và giáo trìnhđào tạo. Cơ sở vật chất không chỉ bao gồm giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, các dịch vụ về công nghệ thông tin, mà còn cả các cơ sở phục vụ sức khỏe, thể thao và hoạt động xã hội của sinh viên. Giảng viên, dưới góc độ là một nhân tố của bên phục vụ, cần thể hiện năng lực chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu, có kiến thức, có kỹ năng truyền thụ, có thái độ nhiệt tình, công bằng, linh hoạt, khích lệ sinh viên. Chương trình và giáo trình giảng dạy cần được xây dựng một cách hợp lý, theo trình tự, có sự phối hợp, cập nhật và bảo đảm đạt được kết quả mong đợi.
Tuy nhiên, chất lượng quản trị chuỗi cung ứng nào cũng phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ quản lý, ở đây là đội ngũ quản lý các trường đại học. Họ có vai trò quyết định trong việc phát huy và điều phối các nguồn lực để nhắm đến mục tiêu cuối cùng là tăng cường chất lượng đào tạo. Các yếu tố căn bản nói trên chỉ phát huy tối đa tác dụng trong chuỗi cung ứng khi được phối hợp tốt trong một môi trường văn hóa phù hợp, kích thích động lực làm việc và cống hiến, cơ chế đánh giá và đề bạt công minh.Ngoài những “rào cản” về mặt chính sách, có một thực tế khá hiển nhiên là phần lớn những nhà quản lý đại học ở Việt Nam hiện nay xuất thân từ giới giảng viên và nghiên cứu viên chuyên môn, chỉ được bổ túc kiến thức và kỹ năng quản lý giáo dục qua một số khóa học không đồng bộ hay qua trải nghiệm thực tế. Các quyết định và chính sách của họ phần lớn chỉ nhắm vào việc phát triển hay thành tích bề nổi, ít tập trung vào các vấn đề thực chất trong chuỗi cung ứng giáo dục.