Dự án cảng Liên Chiểu cứu cánh cho cảng Tiên Sa
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:18, 29/10/2016
(Vietnam Logistics Review) Theo tính toán, trong vài năm tới, cảng Tiên Sa (thuộc Cảng Đà Nẵng) sẽ rơi vào tình trạng quá tải trong khai thác và nảy sinh một số bất cập về vận hành cũng như an toàn giao thông đô thị. Việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, đang được chính quyền thành phố gấp rút xúc tiến được coi là giải pháp “cứu cánh” cho cảng Tiên Sa.
Những bất cập nhãn tiền
Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng cho biết, để nâng cao năng lực khai thác, những năm qua, Cảng Đà Nẵng đã đầu tư lớn cho cảng Tiên Sa về hệ thống kho bãi, đê chắn sóng, thiết bị chuyên dùng hiện đại… Đặc biệt, cuối tháng 7.2016, Cảng Đà Nẵng đã khởi công dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này lên đến gần 1.000 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ tàu container và tàu trọng tải lớn đến 70.000 DWT, tàu khách tải trọng 100.000 GRT. Dự kiến đến năm 2018 dự án này sẽ hoàn thành. Năng lực khai thác hàng hóa thông qua cảng lúc đó sẽ được nâng lên khoảng 12 triệu tấn/năm.
Theo con số thống kê, từ năm 2011 đến nay, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Tiên Sa tăng bình quân từ 20 đến 22%/năm. Trong đó, hàng container đạt mức tăng trưởng 18-20%/năm. Riêng năm 2015, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt con số 6,7 triệu tấn. Theo đà tăng trưởng này, dự báo đến năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng sẽ đạt từ 12 đến 15 triệu tấn/năm, nguy cơ cảng Tiên Sa lâm vào tình trạng quá tải đang ở nhãn tiền.
(Ảnh: Trần Trình Lãm)
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Sia, do cảng Tiên Sa là cảng tổng hợp hàng hóa và du lịch, vì vậy việc các tàu du lịch vào neo đậu, du khách di chuyển dưới những giàn trục, cầu đỡ hàng sẽ ảnh hưởng đến việc bốc xếp và mất an toàn khu vực các cầu tàu. “Nếu nâng công suất lên trên 12 triệu tấn/năm sẽ xảy ra sự xung đột giữa khai thác du lịch và hàng hóa”, ông Sia khẳng định.
Còn ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng thì cho rằng, việc sản lượng hàng hóa cảng Tiên Sa đạt đến con số trên 12 triệu tấn/năm sẽ kéo theo “hệ lụy” là sự gia tăng các phương tiện vận chuyển hàng container qua thành phố; tuyến QL14B sẽ quá tải và dẫn đến tình trạng xung đột tại các điểm nút, gây mất an toàn giao thông.
Những bất cập trên đã khiến cho chính quyền Đà Nẵng và các đơn vị liên quan nghĩ ngay đến giải pháp “cứu cánh” cho cảng Tiên Sa bằng cách xây dựng cảng Liên Chiểu thành một cảng container hiện đại và là cảng cửa ngõ quốc tế trong tương lai gần. Vị trí cảng này nằm ở phía Tây vịnh Đà Nẵng, gần chân đèo Hải Vân, thuộc quận Liên Chiểu. Và từng bước chuyển công năng cảng Tiên Sa sang phục vụ du lịch.
Vai trò “cứu cánh” và hướng mở cho một trung tâm logistics
Trước đó, tại Quyết định số 1012/ QĐ-TTg ngày 03.7.2015, của Thủ tướng Chính phủ đã xác định chủ trương thành phố Đà Nẵng sẽ có Trung tâm Logistics hạng 1. Giai đoạn đến năm 2020 Trung tâm này có quy mô 30 ha; giai đoạn đến năm 2030 có quy mô 70 ha. Ông Nguyễn Hữu Sia cho biết, hiện nay thành phố đã quy hoạch 20 ha ở huyện Hòa Vang, giao cho Cảng Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó thành phố tạo sự kết nối giao thông thuận lợi giữa cảng Liên Chiểu - Trung tâm Logistics với đường sắt Bắc - Nam, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sân bay quốc tế Đà Nẵng, trục hành lang kinh tế Đông - Tây. Và nhất là việc phát triển các khu công nghiệp, đô thị phía Tây - Bắc Đà Nẵng.
(Ảnh: Trần Trình Lãm)
Tại buổi làm việc của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng với Công ty Tư vấn Cảng Nhật Bản (JPC) và Viện Phát triển Khu vực ven biển nước ngoài (OCDI) ngày 20.9 vừa rồi đã thống nhất chủ trương khởi động nghiên cứu khả thi dự án cảng Liên Chiểu mà trước đó, thông qua Chương trình hợp tác gữa Đà Nẵng và thành phố Yokohama (Nhật Bản), phía Nhật Bản cũng đã xúc tiến và được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đồng ý hỗ trợ thực hiện nghiên cứu tiền khả thi. JPC cho biết, việc nghiên cứu khả thi cho dự án này sẽ thực hiện trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ tháng 9.2016 và kết thúc vào tháng 2.2017.
Theo dự kiến của tư vấn trong nước thì dự án xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sử dụng vốn ODA. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 cho dự án vào khoảng 7.913 tỷ đồng. Trong đó, riêng vốn ODA 3.584 tỷ đồng, vốn đối ứng của thành phố 300 tỷ đồng. Được biết, mục tiêu hướng tới của cảng Liên Chiểu là đạt công suất hơn 46 triệu tấn/năm vào năm 2050 với tổng mức đầu tư lên đến 32.861 tỷ đồng. UBND TP. Đà Nẵng cũng đã đề nghị Bộ GTVT tạo điều kiện về chủ trương triển khai dự án vào năm 2020 và đưa vào sử dụng vào năm 2025. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố đang đề nghị phía đối tác Nhật Bản sớm hoàn thành đánh giá nghiên cứu khả thi của dự án để thành phố đệ trình Chính phủ. Đồng thời cũng đề nghị Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) xem xét cung cấp nguồn vốn ODA và giới thiệu một số nhà đầu tư tiềm năng, vận hành một số hạng mục công trình của dự án.