Đô thị Việt Nam ngập lụt và logistics

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:13, 27/10/2016

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Làm sao hệ thống đô thị và từng đô thị phát triển đồng bộ, bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại và trong tương lai là phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội và gắn liền với bảo vệ môi trường? Tất nhiên phải “đúng cách” tư duy hiện đại trong kết nối logistics toàn cầu, có tầm nhìn dài hạn, hội nhập.

(Vietnam Logistics Review)Làm sao hệ thống đô thị và từng đô thị phát triển đồng bộ, bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại và trong tương lai là phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội và gắn liền với bảo vệ môi trường? Tất nhiên phải “đúng cách” tư duy hiện đại trong kết nối logistics toàn cầu, có tầm nhìn dài hạn, hội nhập.

Nhận diện đô thị Việt Nam

15 năm đầu thế kỷ 21, tỷ lệ đô thị hóa của nước ta là từ 24,2% (năm 2000) đã tăng lên đến hơn 32% (năm 2012). Dân số đô thị tương ứng là 18,7 triệu người tăng lên đến hơn 30 triệu người, bình quân mỗi năm tăng thêm 1 triệu người dân đô thị. Số đô thị cũng tăng nhanh, cuối năm 2011 có 731 đô thị nhưng đến cuối năm 2012 đã tăng thêm 34 đô thị mới, đưa tổng số đô thị lên 765 đô thị (2 loại đặc biệt, 13 loại 1, 10 loại 2, 53 loại 3, 62 loại 4, 625 loại 5), với nhịp độ tăng gần 3 đô thị mới mỗi tháng. Đô thị đóng góp khoảng 70% GDP quốc gia.

Năm 2015 cả nước có 870 đô thị với số dân 35 triệu (tỷ lệ đô thị hóa 38%), dự báo đến năm 2025 sẽ có 1.000 đô thị với số dân 52 triệu (tỷ lệ đô thị hóa 50%).

Hệ thống đô thị Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ, phân bố tương đối đồng đều trên cả nước. Đô thị đã góp phần quan trọng đưa nước ta thoát khỏi ngưỡng nghèo để trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Tuy có nhiều tiến bộ nhưng hiện trạng đô thị nước ta cũng bộc lộ nhiều yếu kém như: kiến trúc đô thị bị coi nhẹ, có nhà đẹp nhưng hiếm đường phố văn minh hiện đại, nhiều đô thị kém bản sắc; thiếu nhà ở và không gian công cộng; thị trường bất động sản yếu kém và rối loạn; tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường nước và không khí, ngập lụt cục bộ khi mưa to hoặc triều cường, nhất là tại các đô thị lớn; độ bao phủ các dịch vụ công cộng còn thấp tại các đô thị vừa và nhỏ; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng mức độ chênh lệch giàu nghèo tăng; tình hình trật tự trị an đang xấu đi.

Các mặt yếu kém kể trên đã tác động xấu đến chất lượng cuộc sống của người dân và môi trường kinh doanh trong đô thị, ảnh hưởng không tốt đến năng lực cạnh tranh quốc gia, làm suy giảm giá trị trong khâu cung ứng toàn cầu.

Phải nói rằng, chúng ta đang quá bất cập về quy hoạch và lúng túng về quản lý đô thị.

Câu chuyện “vụn” đường phố

Hà Nội đã từng chặt hạ, đánh chuyển hàng trăm cây xanh cổ thụ khi triển khai xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Gần đây thành phố lại triển khai trồng hàng loạt cây xanh ngay dưới gầm công trình này, khiến nhiều người thắc mắc... Theo đó, hiện tại phố Yên Lãng, Hoàng Cầu (quận Đống Đa – Hà Nội) đã có hàng trăm cây xanh được trồng mới, chiều cao của những cây này khoảng 7-8m, đường kính thân chừng 15-30cm. Người dân khu vực này cho biết, những cây trên mới được trồng từ đêm 28.9. Thấy chính quyền làm dân thắc mắc rằng những cây này khi trưởng thành sẽ ảnh hưởng đến công trình đường sắt. Đấy là chưa nói chuyện cây quang hợp tự nhiên ra sao?

Tất nhiên Hà Nội đang triển khai trồng thí điểm cây bàng lá nhỏ của Đài Loan trên phố Yên Lãng và Hoàng Cầu. Đặc tính của loại cây này là thân nhỏ, phát triển tán rộng, nếu có xảy ra gãy đổ cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường sắt trên cao. Chuyện này thì phải “hồi sau mới rõ”, tuy nhiên qua câu chuyện trồng cây dưới gầm công trình ở Hà Nội đặt ra câu chuyện phải đúng cách.

Trận mưa lịch sử cuối tháng 9 vừa qua tại TP.HCM là lời cảnh báo về cách chống ngập từ xưa đến giờ không hiệu quả và cần thay đổi tư duy. Nguyên nhân làm cho người dân phải “bơi” bất đắc dĩ không mới, như việc người dân xả rác lấn chiếm kênh rạch thì cũ rích. Nếu nói biến đổi khí hậu làm cho mưa ngày càng lớn thì các khu vực khác vì sao không ngập, trong khi mưa nhỏ nhiều nơi vẫn ngập. Thành phố vịn vào cớ mưa quá to nên bất lực là không đúng, là sự “đánh tráo” nguyên nhân.

Có một điểm quan trọng nằm ngoài tầm của cơ quan chống ngập đó là mật độ xây dựng, bê tông hóa quá cao. Khi mưa xuống nước chỉ chảy trên bề mặt, không thẩm thấu, tốc độ chảy rất nhanh dồn xuống chỗ thấp thì ngập là chắc chắn.

Cách đây 20 năm ông Lê Sỹ Thục một nhà nghiên cứu về đa dạng sinh học đã từng đau xót khi thấy Hà Nội bắt đầu “bê tông” hóa và lấp dần hệ thống các dòng chảy và rất nhiều hồ trong thành phố. Sự bất lực về quản lý buộc phải “bê tông”, tuy nhiên hệ lụy là nước chỉ chảy tràn trên mặt phố. Câu chuyện quy hoạch đô thị của chúng ta đã “sai cách”.

Ai cũng nhận ra bộ mặt đô thị Việt Nam, nhất là Hà Nội và TP.HCM đã và đang phải trả giá (ngập lụt, ùn tắc, ô nhiễm…) phần lớn là do sai lầm về quy hoạch, bất lực về quản lý. Tức là không “đúng cách”. Nguyên nhân của nguyên dân là tầm nhìn ngắn hạn, “tư duy chụp giật” thời thị trường, “tư duy xen giắm” của nhà nông.

Ngập lụt và logistics

Không ai có thể “khái toán” về thiệt hại kinh tế khi đô thị như TP.HCM bị ngập lụt. Trở lại với cơn mưa lớn trút dồn dập xuống TP.HCM cuối tháng 9 đã khiến 11 chuyến bay tới Tân Sơn Nhất của 3 hãng hàng không trong nước và 2 chuyến quốc tế phải chuyển hướng hạ cánh. Hơn 20 chuyến bay trong nước và quốc tế phải bay lòng vòng chưa thể hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Một số máy bay phải quay lại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Liên Khương (Đà Lạt). Ai tính được thiệt hại?

Năm 2009 chúng ta có Luật Quy hoạch đô thị (Luật số 30/2009/ QH12) và 20 tháng 7 năm 2015 có Luật Quy hoạch đô thị số 01/VBHN-VPQH (văn bản hợp nhất). Đây được coi là hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác quản lý quy hoạch đô thị; là công cụ quản lý giúp cho sự phát triển của hệ thống đô thị và từng đô thị bảo đảm đồng bộ, bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại. Mục tiêu hướng tới của Việt Nam trong tương lai là phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội và gắn liền với bảo vệ môi trường.

Để đô thị phát triển theo hướng bền vững cần có sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng: Lấy con người làm trung tâm của sự phát triển; cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và môi trường tự nhiên; cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và xã hội; phát triển hài hòa giữa con người với công nghệ - kỹ thuật; đảm bảo phát triển đa văn hóa và đời sống đạo đức, tinh thần của các nhóm người khác biệt nhau; đảm bảo an ninh, hòa bình, trật tự và ổn định xã hội; đảm bảo sự tham gia dân chủ của người dân trong tiến trình phát triển đô thị; công bằng xã hội trong đời sống kinh tế; đảm bảo hài hòa giữa các thế hệ Phát triển không gian hợp lý; phát triển cân đối đô thị - nông thôn.

Làm sao hệ thống đô thị và từng đô thị phát triển đồng bộ, bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại và trong tương lai là phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội và gắn liền với bảo vệ môi trường? Tất nhiên phải “đúng cách”, tư duy hiện đại trong kết nối logistics toàn cầu, có tầm nhìn dài hạn, hội nhập.