Cảng Đồng Nai quyết tâm thực hiện dịch vụ cảng biển nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm & chuyên nghiệp

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:12, 23/12/2016

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Cả nước hiện có 330 cầu bến nằm trên tổng chiều dài 39.951m, với 160 bến cảng. Theo nhận định chung, ở nước ta tuy số lượng cảng có nhiều, được phân bổ đều từ Bắc vào Nam nhưng hiệu quả sử dụng và khai thác còn rất thấp. Trong bức tranh chung đó, có một số ít cảng đang vận hành và khai thác hiệu quả, trong đó có thể kể đến Công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai (Cảng Đồng Nai) như một điểm sáng, luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao hàng năm. Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Tổng Giám đốc Cảng Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Vietnam Logistics Review (VLR).

(Vietnam Logistics Review)Cả nước hiện có 330 cầu bến nằm trên tổng chiều dài 39.951m, với 160 bến cảng. Theo nhận định chung, ở nước ta tuy số lượng cảng có nhiều, được phân bổ đều từ Bắc vào Nam nhưng hiệu quả sử dụng và khai thác còn rất thấp. Trong bức tranh chung đó, có một số ít cảng đang vận hành và khai thác hiệu quả, trong đó có thể kể đến Công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai (Cảng Đồng Nai) như một điểm sáng, luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao hàng năm. Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Tổng Giám đốc Cảng Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Vietnam Logistics Review (VLR).

VLR: Thưa ông, tính đến thời điểm này Cảng Đồng Nai đã có tuổi đời 27 năm hoạt động. Vậy hoạt động dịch vụ nào là chủ lực của Cảng Đồng Nai?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Đồng Nai là địa bàn có quá trình hội nhập, phát triển công nghiệp sớm và mạnh mẽ ở miền Đông Nam Bộ. Sự hình thành và phát triển của Cảng Đồng Nai đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trung chuyển hàng hóa đến các nhà máy tọa lạc trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh nhà.

Khởi đầu, Cảng Đồng Nai hoạt động chủ yếu khai thác hàng tổng hợp và cho thuê kho bãi, để đáp ứng nhu cầu hoạt động tại các KCN và các tỉnh lân cận. Kể từ cuối năm 2011 hoạt động khai thác container và chuỗi dịch vụ logistics được “khai sinh”, đầu tư mạnh và trở thành cánh tay nối dài trong nhóm cảng biển phía Nam khu vực TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để kịp thời nắm bắt cơ hội và tăng cường khả năng cạnh tranh, năm 2017, Cảng Đồng Nai tập trung đầu tư khai thác hạ tầng khu vực Gò Dầu tạo nguồn thu, tái đầu tư mở rộng hạ tầng phục vụ chuỗi dịch vụ kho vận tại khu vực Long Bình Tân để đón đầu lượng hàng hóa gia tăng trong những năm tới.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn

Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đồng Nai

VLR: Xin ông cho biết quy mô, kết cấu tổng thể của hệ thống Cảng Đồng Nai và khả năng Cảng này có thể đón tàu trọng tải lớn bao nhiêu?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Hệ thống Cảng Đồng Nai có 2 chi nhánh chính với tổng diện tích mặt bằng 727.000m2 tọa lạc tại phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa – một vị trí rất thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa đến các KCN như: Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Loteco, Amata, Hố Nai, Sông Mây, Nhơn Trạch, TP. Hồ Chí Minh và các KCN lân cận khác.

Cảng Long Bình Tân có diện tích 178.000 m2 gồm 03 cầu cảng với tổng chiều dài cầu trên 244m và khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 5.000DWT, hoạt động chủ yếu là khai thác container, hàng tổng hợp, dịch vụ kho, bãi. Cảng có diện tích bãi chứa container hàng/ rỗng là 112.000m2, riêng hệ thống kho được đầu tư trên diện tích 23.000m2 chuyên cho thuê/đóng rút hàng hóa.

Cảng Gò Dầu có diện tích 549.400m2 gồm 06 cầu cảng với tổng chiều dài cầu trên 782m và khả năng tiếp nhận tàu lớn nhất lên đến 30.000DWT, hoạt động chính là xếp dỡ hàng tổng hợp, dịch vụ kho, bãi. Diện tích kho 8.000m2 cũng đang được mở rộng và nâng cấp, dự kiến hoàn thiện và đưa vào hoạt động trong năm 2017, đáp ứng lượng hàng xếp dỡ thông qua Cảng ngày càng gia tăng.

Trong năm 2016, sản lượng thông qua dự kiến đạt 381.000 TEU đối với ngành khai thác container và 4.800.000 tấn đối với ngành hàng tổng hợp. Tổng doanh thu toàn Cảng ước đạt 416 tỷ đồng, vượt 18% so kế hoạch, vượt 24% so cùng kỳ.

VLR: Theo nhận định chung của giới chuyên gia, hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn nhiều trở ngại, chưa xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của địa phương này, theo ông đâu là nguyên nhân?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Tỉnh Đồng Nai được đánh giá là nơi “đắc địa”, có hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy khá thuận lợi cho ngành khai thác cảng và dịch vụ logistics, tuy nhiên đến nay Đồng Nai chỉ mới có khoảng 60 doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics, trong đó chủ yếu là DN làm dịch vụ khai thuê hải quan, vận chuyển nội địa, chưa phát triển hệ thống đại lý quốc tế. Ngoài ra, do chưa có chiến lược cho hệ thống dịch vụ logistics đồng bộ, còn phân tán nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết giữa các công ty có quy mô nhỏ và vừa, chưa có chi hội logistics để cùng quản lý chia sẻ các kênh thông tin về dịch vụ logistics trong tỉnh, nên các DN hiện chủ yếu “gia công” cho các DN logistics nước ngoài có quy mô lớn và sự cạnh tranh ngầm giữa các DN logistics với nhau vẫn đang tồn tại.

VLR: Vậy trong bối cảnh đó, Cảng Đồng Nai có những phương thức gì nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng của mình?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Cảng Đồng Nai thực hiện chiến lược liên kết hỗ trợ chính sách giá, thủ tục và phân khúc chuỗi dịch vụ; phân công trách nhiệm nguồn thu giữa các cảng, DN logistics, cảng nước sâu và hải quan để tạo chuỗi dịch vụ trọn gói, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh để thực hiện trọn vẹn cam kết đối với khách hàng và đối tác về thực hiện dịch vụ cảng biển nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm và chuyên nghiệp trong tương lai.

VLR: Ngoài những hoạt động dịch vụ khá ổn định mà ông vừa nêu, năm 2017 sắp tới Cảng Đồng Nai sẽ có những dự tính phát triển mới nào không?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Định hướng năm 2017, Cảng Đồng Nai sẽ tiếp tục xin mở rộng cảng khu vực Gò Dầu khoảng 50ha để xây dựng và khai thác lượng than chuyên dụng với năng lực tiếp nhận tàu từ 30.000 đến 40.000 tấn, đa dạng hóa chuỗi dịch vụ logistics, giảm thiểu chi phí, thời gian và mang đến nhiều thuận lợi cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tại Cảng Đồng Nai.

VLR:Cảm ơn ông. Chúc Cảng Đồng Nai tiếp tục ghi dấu những phát triển mới trong tương lai.