Canvas - Mô hình kinh doanh mới cho doanh nghiệp

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:19, 28/12/2016

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Mô hình kinh doanh Canvas không còn mới mẻ với các doanh nghiệp (DN) trên thế giới, bởi nó được rất nhiều DN áp dụng, không những các công ty, tập đoàn lớn mà các DN khởi nghiệp cũng áp dụng. Bởi mô hình kinh doanh này mang lại nhiều lợi ích, giúp DN tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và hiệu quả cao. Tuy vậy, mô hình này vẫn còn khá mới mẻ đối với DN VN.

(Vietnam Logistics Review) Mô hình kinh doanh Canvas không còn mới mẻ với các doanh nghiệp (DN) trên thế giới, bởi nó được rất nhiều DN áp dụng, không những các công ty, tập đoàn lớn mà các DN khởi nghiệp cũng áp dụng. Bởi mô hình kinh doanh này mang lại nhiều lợi ích, giúp DN tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và hiệu quả cao. Tuy vậy, mô hình này vẫn còn khá mới mẻ đối với DN VN.

Mô hình kinh doanh Canvas

Mô hình kinh doanh Canvas (Business Model Canvas) được hai tác giả là Alexander Osterwalder và Yves Pigneur phát triển và giới thiệu vào năm 2009, là loại mô hình kinh doanh vừa quan tâm đến doanh thu, chi phí, lợi nhuận của công ty, vừa chú trọng đến giá trị cung cấp cho khách hàng.

Canvas là một công cụ hữu hiệu giúp DN nhận biết được tình hình kinh doanh hiện tại của công ty, được sử dụng như một kế hoạch kinh doanh, đề xuất định hướng phát triển của DN. Từ đó, chỉ ra những hoạt động chính và các cách thức để đạt được những mục tiêu. Canvas còn là công cụ giúp khái quát hóa một cách đầy đủ các yếu tố bên trong của một DN, giúp xác định những hoạt động cần thiết được thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Ở một số quốc gia trên thế giới Canvas còn được xem là một công cụ giúp DN cung cấp thông tin cho đối tác và ngân hàng, làm cơ sở để đánh giá tình hình hoạt động, đánh giá tính khả thi từ các dự án của DN.

Các yếu tố cấu thành Canvas

Canvas bao gồm 9 thành tố: - Phân khúc khách hàng (CS): Là nhóm khách hàng của DN có thể là thị trường đại chúng, thị trường ngách hoặc thị trường hỗn hợp. Trên từng phân khúc thị trường khác nhau, công ty sẽ xác định nhu cầu của từng nhóm khách hàng, từ đó, xây dựng các giá trị cung cấp cho từng nhóm khách hàng riêng. Điều này sẽ giúp cho công ty thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng, tạo tiền đề cho sự phát triển của DN.

- Mối quan hệ với khách hàng (CR): Mỗi nhóm khách hàng thường có những đặc trưng riêng. Do đó, công ty cần xác định phương thức tương tác, quan hệ với khách hàng phù hợp với các đặc trưng này để thiết lập và duy trì mối quan hệ với khách hàng trong hiện tại và tương lai.

- Kênh truyền thông và phân phối (Channels): Là các kênh truyền thông và phân phối mà DN sử dụng để tiếp xúc với các phân khúc khách hàng đã xác định ở trên. Từ đó, mang đến cho khách hàng các giá trị mục tiêu mà khách hàng mong muốn. Kênh phân phối của DN có thể bao gồm các kênh phân phối trực tiếp và kênh phân phối gián tiếp.

- Giá trị mục tiêu (VP): Các giá trị mục tiêu có thể là thương hiệu sản phẩm, thiết kế, chất lượng, giá, tốc độ đáp ứng yêu cầu khách hàng, điều kiện giao hàng... Tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi DN, các DN có thể chọn cho mình giá trị mục tiêu cung cấp cho khách hàng phù hợp.

- Các nguồn lực chính (KS): Các nguồn lực có thể được sử dụng để tạo ra sản phẩm dịch vụ, thiết lập kênh truyền thông và phân phối, duy trì quan hệ khách hàng. Nguồn lực bao gồm nguồn lực hữu hình và nguồn lực vô hình, có thể là các nguồn lực vật lý, các nguồn lực tri thức, nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính.

- Các hoạt động chính (KA): Là các hoạt động quan trọng nhất mà DN cần thực hiện để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh. Nói cách khác, đó chính là các hoạt động nhằm sử dụng các nguồn lực hiện có để tạo ra các giá trị mục tiêu, tạo ra giá trị cho sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

- Các đối tác chính (KP): Các đối tác chính là các nhà cung cấp các nguồn lực cần thiết và các đối tác giúp cho công việc kinh doanh của công ty được thực hiện tốt và có thể phát triển về lâu dài. Đối tác của công ty thường được chia thành 4 nhóm: đối tác chiến lược giữa các công ty không phải là đối thủ của nhau; đối tác giữa các công ty là đối thủ của nhau để cùng phát triển thị trường; đối tác thứ ba là cùng đầu tư để tạo ra công việc kinh doanh mới; đối tác cuối cùng là quan hệ mua bán nhằm đảm bảo các yếu tố đầu vào cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

- Cơ cấu chi phí (C): Là các loại chi phí cần thiết để duy trì và phát triển công việc kinh doanh, bao gồm các chi phí về các nguồn lực chính, các chi phí cần thiết cho các hoạt động chính và quan hệ với các đối tác chính. Tùy thuộc vào đặc điểm của DN, cấu trúc chi phí có thể chú trọng vào cơ cấu giá, cơ cấu chi phí tạo dựng giá trị cho người mua.

- Dòng doanh thu (R): Dòng doanh thu giữ vai trò quan trọng trong bất kì mô hình kinh doanh nào, vì đây là mục tiêu và cũng là lý do để DN tồn tại. Dòng doanh thu trong Canvas chính là dòng tiền vào của DN, có thể được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh doanh thu từ việc cung cấp các sản phẩm/ dịch vụ chính của DN, dòng tiền vào DN có thể bao gồm doanh thu từ việc cho thuê lại nhà xưởng, thiết bị, cho thuê quyền sử dụng các tài sản đã đăng kí bản quyền của DN.

Ưu và nhược điểm của Canvas

- Ưu điểm:

+ So sánh với các kế hoạch kinh doanh truyền thống thì Canvas đầy đủ và rõ ràng hơn. Tất cả mọi nội dung có liên quan đến mô hình kinh doanh đều được thể hiện trên một trang giấy, do đó người sử dụng dễ dàng có được cái nhìn đầy đủ và tổng quan về tình hình sản xuất kinh doanh của DN. Đồng thời, Canvas khá linh hoạt, dễ dàng chỉnh sửa và thay đổi các nội dung khi cần. Chính vì vậy, Canvas giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí mà hiệu quả công việc lại cao hơn.

+ Canvas trình bày khá rõ ràng nhiều thành phần khác nhau trong DN. Do đó, mô hình kinh doanh Canvas giúp DN hiểu rõ hơn về khách hàng, về các hoạt động chính của DN, về các đối tác cũng như là các nguồn doanh thu và chi phí chính của DN.

+ Khi thiết lập ý tưởng hoặc xây dựng kế hoạch kinh doanh, mô hình kinh doanh Canvas giúp lãnh đạo DN đưa ra được các vấn đề quan trọng đảm bảo cho thành công trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh của mình.

- Nhược điểm:

+ Canvas liệt kê khá đầy đủ các yếu tố bên trong DN nhưng lại không đề cập đến các yếu tố bên ngoài DN. Trong khi đó, các yếu tố thuộc môi trường bên ngoài thường có tác động to lớn đến sự tồn tại và phát triển của DN, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến cạnh tranh. Do đó, khi áp dụng Canvas, các DN cần lưu ý sử dụng thêm các mô hình phân tích các yếu tố bên ngoài DN.

+ Mô hình này chưa đề cập đến tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu chiến lược của một công ty, lấy giá trị cung cấp cho khách hàng làm trung tâm, tập trung vào doanh thu, cơ cấu chi phí và lợi nhuận. Do đó, mô hình này có hạn chế trong việc áp dụng cho các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức chính quyền.

+ Mô hình chưa đề cập đến yếu tố con người và sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm. Đây là một trong những yếu tố chính sáng tạo ra giá trị cho khách hàng. Hạn chế này có thể dẫn đến việc xác định chưa đầy đủ và chính xác các yếu tố tạo ra giá trị cho cho khách hàng.