Xây dựng trung tâm logistics tại Nghệ An tạo động lực kinh tế cho vùng Bắc Trung Bộ

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:25, 20/01/2017

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm logistics của khu vực Bắc Trung Bộ (BTB) vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Nghệ An ở tư cách có TP. Vinh được xác định “Phát triển TP. Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng BTB đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị” theo Quyết định số 2468/ QĐ-TTg ngày 29.12.2015 của Thủ tướng Chính phủ.

(Vietnam Logistics Review) Xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm logistics của khu vực Bắc Trung Bộ (BTB) vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Nghệ An ở tư cách có TP. Vinh được xác định “Phát triển TP. Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng BTB đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị” theo Quyết định số 2468/ QĐ-TTg ngày 29.12.2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Trung tâm logistics là nhu cầu bức thiết

Vùng Bắc Trung Bộ (BTB) bao gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với diện tích tự nhiên hơn 50 nghìn km2, dân số khoảng 10 triệu người, gần 6 triệu người trong độ tuổi lao động, được đánh giá là vùng có nền kinh tế giàu tiềm năng.

Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; có ý nghĩa chiến lược và lợi thế quan trọng trong việc mở rộng giao lưu kinh tế, đồng thời là điểm trung chuyển hàng hóa với các tỉnh Tây Nguyên, Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar và cửa ra của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối với đường hàng hải quốc tế và giao lưu hàng hóa với các quốc gia trên thế giới.

Trong những năm qua, khu vực BTB có bước tăng trưởng khá, tốc độ đạt tương đối cao khoảng 10%, đã thu hút được vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, các tỉnh BTB vẫn là những tỉnh nghèo, thực trạng thu hút đầu tư các tỉnh còn hạn chế, nhất là thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài. Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), Bà Victoria Kwakwa cũng đánh giá cao tiềm năng của vùng BTB. Bà cho rằng, sở dĩ BTB chưa tạo được đột phá trong thu hút đầu tư bởi Vùng chưa biết cách khai thác lợi thế của mình. Theo bà, để khai thác tốt lợi thế, cần đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương trong Vùng, nhằm tạo ra sự đồng thuận hướng tới xây dựng một khu vực có môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao cạnh tranh lành mạnh và xây dựng thương hiệu cho cả khu vực. WB sẽ tiếp tục có những hỗ trợ tích cực đối với BTB, để đưa nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư. Điều này có nghĩa là thành lập trung tâm logistics là nhu cầu bức thiết, phải kết nối logitics khu vực BTB và cả nước.

Hiện nay, ở khu vực BTB, mật độ cảng biển dày đặc nên nguồn vốn đầu tư dàn trải, quy mô đầu tư dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, thiếu cầu bến cho tàu trọng tải lớn, đặc biệt là các cầu bến cho tàu container vận hành trên tuyến biển xa. Vì vậy, các cảng BTB chỉ mới hoạt động ở mức độ gom hàng rồi đem đến các cảng Hải Phòng hoặc TP. Hồ Chí Minh để xuất.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, nguồn nhân lực trong ngành logistics VN hiện còn yếu và thiếu hụt về cả số lượng lẫn chất lượng. Thực tế, nguồn nhân lực logistics hiện nay có đến 80,26% số người tự tích lũy kiến thức về logistics. Nguồn cung nhân lực logistics trình độ đại học ở VN còn rất yếu, cả nước chỉ mới có một số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo chuyên ngành logistics nhưng số lượng hạn chế. Khu vực BTB chưa có trường đại học nào đào tạo chuyên ngành logistics. Mặt khác, theo nhiều công ty vận tải, chi phí cho hoạt động này ở BTB quá cao.

Nhiều chuyên gia kinh tế của các nước trong khu vực hành lang kinh tế Đông – Tây cũng cho rằng, hiện nay, có nhiều nhà cung cấp dịch vụ vận tải qua biên giới nhưng các thủ tục chưa rõ ràng, nhân viên hải quan lúng túng khi làm thủ tục, cơ chế pháp lý giữa các thành viên trên tuyến chưa đồng nhất. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng vận tải đa phương thức đang gặp những khó khăn, thách thức trong vận chuyển hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ; trong đó có việc thủ tục giám sát các lô hàng của cơ quan hải quan còn phức tạp, rườm rà; chi phí không chính thức gia tăng...

Gỡ khó để hình thành trung tâm logistics Nghệ An

Để kết nối 6 địa phương vùng kinh tế trọng điểm BTB, khai thác hiệu quả các tuyến hành lang kinh tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm cho các ngành và địa phương cần có chính sách đầu tư xây dựng các trung tâm logistics. Đặc biệt đối với việc xây dựng Trung tâm hạng II ở Vinh, Nghệ An.

Ông Lê Ngọc Hoa

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

»Trong 5 năm qua (2011 – 2015, Nghệ An đã triển khai xây dựng, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng 230km Quốc lộ, 300km đường tỉnh, 4.859km đường giao thông nông thôn… với tổng kinh phí lên đến 19.500 tỷ đồng (công trình do Sở làm chủ đầu tư 6.620 tỷ đồng). Nhiều dự án quan trọng được đưa vào sử dụng đã phát huy vai trò tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Điển hình là Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A (đoạn qua Nghệ An dài 73,8km), không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc mà còn kết nối nội vùng tam giác kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) – TP. Vinh - Vũng Áng (Hà Tĩnh) và tam giác kinh tế nội tỉnh Hoàng Mai, Đông Hồi - Khu kinh tế Đông Nam, Vinh, Cửa Lò - miền Tây Nghệ An. Tỉnh cũng đã triển khai và hoàn thành mở rộng, nâng cấp nhiều đoạn trên các tuyến như: Quốc lộ 7; Quốc lộ 46 (đoạn tránh TP. Vinh); Quốc lộ 48, Đại lộ Vinh - Cửa Lò,… qua đó, nối liền các địa bàn trong và ngoài tỉnh.

» “Mục tiêu tổng quát: Xây dựng TP. Vinh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An; trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về các lĩnh vực tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ, xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao”.

»Sân bay Vinh được nâng cấp thành sân bay quốc tế từ tháng 1.2015, không những nâng tầm, phát huy vai trò trung tâm của Nghệ An ở khu vực BTB mà còn thúc đẩy hợp tác giao lưu trên các lĩnh vực giữa các tỉnh của Lào, Thái Lan. Nhiều đường bay trong nước cũng được tăng thêm chuyến và lượng hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Vinh tăng nhanh, năm 2011 trên 530.000 lượt khách, năm 2012 gần 700.000 lượt và năm 2014 đạt 1,2 triệu lượt khách. Hàng hóa vận chuyển cũng tăng ấn tượng: Năm 2012 đạt 1.800 tấn, đến năm 2015 đạt 3.200 tấn.

Để phát triển ngành dịch vụ logistics, nguồn nhân lực rất quan trọng. Vì vậy, cần gia tăng quy mô đào tạo nguồn nhân lực từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn. Một mặt, các trường đào tạo ngành này cần tăng cường đội ngũ giảng viên tiếp cận với chuẩn quốc tế nhằm mở rộng quy mô đào tạo. Mặt khác, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên theo hướng phát triển chuyên sâu thông qua hoạt động đào tạo mới, đào tạo lại và đặc biệt là tích lũy kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực logistics. Về phía doanh nghiệp logistics, cần hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, các trung tâm logistics để thực hiện nhiệm vụ đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc trong các công đoạn khác nhau của logicstics.

Mặc khác, phải có chính sách đặc thù về đất cho xây dựng các trung tâm logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm nhằm thực hiện liên kết kinh tế hiệu quả giữa các ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong vùng, thông qua đó thúc đẩy sản xuất, lưu thông và xuất nhập khẩu hàng hóa. Có chính sách thu hút nhân lực logistics chất lượng cao và đẩy nhanh công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics cho Vùng kinh tế trọng điểm BTB trước hết là cho Trung tâm Logistics Nghệ An.

Chính quyền các địa phương trong vùng cần xác định ngành logistics là “chất keo” tổ chức, gắn kết cho nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ giúp các chuỗi cung ứng nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện năng lực canh tranh. Do đó, cần nâng cao nhận thức không chỉ cho các bộ phận quản lý Nhà nước mà còn cho một bộ phận các DN trong phương thức cung cấp hàng hóa, dịch vụ, để hoạt động logistics vùng KTTĐ BTB không còn là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm chứa đầy thách thức và rào cản đối với các DN.

Có chính sách huy động và quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách, viện trợ, vốn vay của các tổ chức trong và ngoài nước cùng các hình thức đầu tư phù hợp. Các trường đại học trong vùng, đặc biệt là Đại học Vinh tạo điều kiện tối đa để đẩy nhanh công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics cho Vùng kinh tế trọng điểm BTB thông qua việc nâng cao chất lượng giảng viên chuyên ngành logistics; liên kết với các trường đào tạo logistics tiên tiến trên thế giới; hoàn thiện các chương trình đào tạo logistics chuyên sâu cho các bậc học chính... nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DN trong vùng...