Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2016 & triển vọng 2017
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:05, 18/01/2017
(Vietnam Logistics Review)Năm 2016 là năm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Đây là năm nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,21%, XNK duy trì đà tăng trưởng, nhiều biện pháp được thực hiện nhằm thúc đẩy XK trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu và khu vực giảm.
Đóng góp vào sự tăng trưởng và ổn định nền kinh tế vĩ mô là hoạt động thương mại dịch vụ, trong đó nổi bật là hoạt động XNK hàng hóa, tăng trưởng cao hơn năm trước, và đã có xuất siêu.
Những kết quả của XNK năm 2016
Về XK hàng hóa XK hàng hóa của VN năm 2016 vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng, đưa thặng dư thương mại hàng hóa đạt 2,68 tỷ USD và kim ngạch XNK của VN đã cán mốc 300 tỷ USD vào ngày 15.11.2016, là một kết quả nổi trội. Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả nước năm 2016 ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015 (Bảng 1).
Mặt hàng XK chủ yếu đứng đầu là máy móc, thiết bị, phụ tùng. Năm 2016, trị giá XK đạt 34,505 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2015. Tiếp đó là điện thoại các loại và linh kiện trị giá XK đạt hơn 24,96 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,48 tỷ USD, tăng 18,48%; Giày dép đạt 12,92 tỷ USD, tăng 7,6%; Thủy sản đạt 7,02 tỷ USD, tăng 6,9%; Về lượng, cà phê XK đạt 1.794 nghìn tấn, tăng 33,7%; Hạt tiêu XK đạt 176 nghìn tấn, tăng 34,2%; Hạt điều, chè, cao su đều tăng từ 6,1-9% so với năm 2015. Bức tranh XK các nhóm hàng lớn nhất của VN trong năm 2016 chiếm gần 2/3 tổng KNXK của cả nước thể hiện ở biểu đồ 1.
Trị giá XK hàng hóa của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2016 ước đạt 125,9 tỷ USD, tăng 10,2 so với năm 2015 và chiếm đến 71,6% tổng KNXK hàng hóa của cả nước.
VN đã có quan hệ thương mại hàng hóa với 240 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có trên 29 thị trường XK, 19 thị trường NK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Tổng KNXK hàng hóa của các thị trường này thường chiếm tới 90% KNXK (và 88% KNXK của cả nước). Năm 2016, trao đổi thương mại hàng hóa của VN với hầu hết các châu lục vẫn duy trì mức tăng trưởng, riêng XK vào thị trường khu vực ASEAN giảm 4,7% và so với năm 2015, XK một số nhóm hàng như gạo giảm 25,7%, dầu thô giảm 24,1%, than đá giảm 26,1% về khối lượng. Mặt khác, do XK chưa tận dụng được các cơ hội mở cửa thị trường trong bối cảnh thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN; các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực; cơ sở hạ tầng logistics yếu kém dẫn đến chi phí logistics tăng cao cũng là những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng XK thấp.
Năm 2016 VN lại có tăng dư thương mại với gần 2,7 tỷ USD, so với KNXK là 1,52%, là một điểm sáng nhưng nhìn chung hoạt động XNK hàng hóa của chúng ta vẫn chưa khắc phục được những tồn tại cố hữu từ nhiều năm nay như hàng hóa XK vẫn là các mặt hàng truyền thống, chủ yếu gia công, vẫn nguyên liệu khoáng sản, xuất siêu chủ yếu từ các DN FDI, còn nhiều vấn đề nảy sinh từ chính hệ thống thương mại và hệ thống logistics kém phát triển, chi phí cầu đường lớn hơn nhiều chi phí xăng dầu, các trạm BOT thu phí lại có xu hướng mọc lên trên các tuyến giao thông huyết mạch của nền kinh tế, làm cho chi phí logistics tăng cao, sức cạnh tranh hàng hóa giảm, kéo theo đó là làm cho tăng trưởng XK thấp, thậm chí giảm sút mạnh như nhiều mặt hàng XK vốn có nhiều thế mạnh ở nước ta. Đây là những thách thức cho XK hàng hóa của VN trong những năm tới, nhất là trong năm 2017.
Về NK hàng hóa Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào ngày 31.12.2015 và khoảng 90% dòng thuế quan giữa các thành viên sẽ giảm về 0% và 10%, số thuế còn lại sẽ về 0% trong năm 2018 cùng các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các DN VN, thông qua việc mở ra một thị trường rộng lớn để thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa. Mặt khác, cũng tạo ra cơ hội lớn cho hàng hóa của các nước có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lại rất được người tiêu dùng VN tin dùng sẽ tràn vào VN. Thực tế với các nước trong khu vực, VN luôn ở thể nhập siêu. Trong khu vực, VN nhập siêu lớn đối với Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore và Malaysia. Trung Quốc luôn đứng đầu các thị trường nhập siêu lớn nhất của VN với hầu hết các mặt hàng máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu. Chỉ tính đến hết ngày 15.12.2016, các mặt hàng máy móc, thiết bị phụ tùng vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sắt thép các loại… thị trường NK chủ yếu vẫn là Trung Quốc, trong đó riêng lượng NK sắt thép các loại đã chiếm gần 2/3 tổng lượng thép NK vào VN.
Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa năm 2016 của VN ước đạt 173,3 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2015. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 102,2 tỷ USD, tăng 5,1%, khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 50 tỷ USD. Xét theo mặt hàng: điện tử, máy tính và linh kiện năm 2016 ước NK 27,8 tỷ USD, tăng 20,1% so với năm 2015; điện thoại các loại và linh kiện tổng trị giá NK đạt 10,5 tỷ USD, giảm 0,3%; máy móc, thiết bị, phụ tùng trị giá NK đạt 28,1 tỷ USD, tăng 1,8%; hóa chất NK với kim ngạch 3,2 tỷ USD, tăng 1%; tân dược NK với kim ngạch 2,5 tỷ USD, tăng 8,9%; về khối lượng, giấy NK 1.989 nghìn tấn, tăng 15,5%; xăng dầu NK 11.471 nghìn tấn, tăng 14,2%; sắt thép NK 18.428 nghìn tấn, tăng 18,8% so với năm 2015 (Biểu đồ 2).
Tình hình sản xuất hàng XK của VN năm 2016 vẫn trong tình trạng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập từ nước ngoài do sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất. Hơn nữa các mặt hàng XK chủ yếu là gia công. Về thị trường, châu Á, trong đó Trung Quốc là thị trường NK lớn nhất của VN, với kim ngạch và mức tăng trưởng cao đối với nhiều loại vật tư kỹ thuật. Bức tranh cung cấp nguyên phụ liệu cho VN qua số liệu của 10 tháng của 3 năm liên tục gần đây cho thấy rõ điều này (Biểu đồ 4).
Các mặt hàng NK từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sắt thép, nhóm hàng nguyên, phụ kiện dệt may, da giày. Điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… So với năm 2015, năm 2016 tỷ trọng KNNK từ châu Á trong tổng KNXK của nước ta vẫn chiếm chủ yếu, đạt ở mức cao khoảng 80%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2016 ước đạt gần 2,68 tỷ USD, bằng 1,52% so với XK. Khu vực FDI xuất siêu 23,7 USD. Nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 21,0 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu trong năm 2016 vẫn là khu vực kinh tế trong nước. Điều này cho thấy khả năng cạnh tranh sản phẩm của khối DN trong nước còn rất hạn chế, các DN vẫn chưa tận dụng được các cơ hội mở rộng thị trường trong bối cảnh hình thành AEC và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, mặc dù năm 2016 là năm kỷ lục cả nước có 110.100 DN được thành lập mới với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng.
Triển vọng XNK hàng hóa năm 2017
Năm 2017, kinh tế thế giới theo nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn năm 2016 (IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của thế giới năm 2017 ở mức 3,4%, WB: 2,8%). Tăng trưởng thương mại thế giới dự báo tăng 1,8 – 3,1%. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra ở khắp các châu lục, là cơ hội cho các nước đang phát triển tiếp thu công nghiệp tiên tiến nhưng đồng thời cũng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các khu vực và các nền kinh tế. Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát sẽ tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Tiến trình hội nhập quốc tế của VN trong năm 2017 sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn, sâu rộng và toàn diện cũng làm tăng thêm các động lực phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, sự kiện Brexit, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, xu hướng tăng giá của đồng đô la Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến XK của VN. Hơn nữa, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế VN còn thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là cơ sở hạ tầng logistics vốn đã thiếu kết nối, cộng với nhiều trạm BOT thu phí mọc lên khắp nơi, làm cho chi phí logisitcs tăng cao, sức cạnh tranh của hàng hóa XK của nước ta vốn đã thấp lại càng thấp hơn. Điều này sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động XNK hàng hóa của VN trong năm 2017 - năm thứ 2 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã xác định mục tiêu cụ thể về XNK hàng hóa cho năm 2017:
» KNXK hàng hóa dự kiến đạt khoảng 183,5 tỷ USD, tăng 6-7% so với năm 2016, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 132 tỷ USD, chiếm 71,9% tổng KNXK.
» KNNK hàng hóa dự kiến khoảng 190 tỷ USD, tăng 9-10% so với năm 2016, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 109 tỷ USD, chiếm 57,3% tổng KNNK.
» Nhập siêu năm 2017 dự kiến khoảng 6,5 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu 3,5% so với giá trị XK hàng hóa.
Để thực hiện được mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên, Báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường XNK gắn với xây dựng thương hiệu hàng VN, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu… Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa XK vào sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, chế biến sâu, có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN VN trong hoạt động XK vào thị trường ASEAN và các thị trường khác trên thế giới. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ, hoạt động của các DN dịch vụ, đặc biệt đối với một số ngành có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh…”.
Ngoài ra, nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên cho hoạt động XK năm 2017 và những năm tiếp theo, cần phải có các giải pháp có tính đột phá từ nhận thức chính sách đến hành động cụ thể nhằm thúc đẩy lưu thông và XNK của VN vốn có quy mô và hiệu quả còn thấp so với nhiều nước trong khu vực khi mà các FTA đã và đang đi vào thực hiện.
Trước hết, chúng tôi cho rằng phải coi triển khai các giải pháp logistics như là giải pháp có tính đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong các ngành, các DN và địa phương, đặc biệt là đối với các lĩnh vực sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa, dịch vụ, từ đó cần phải có các giải pháp kết nối các ngành, các địa phương và DN bằng “các trung tâm logistics”, theo hướng thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, lưu thông và XNK hàng hóa; sớm triển khai đầu tư, xây dựng sàn giao dịch thông tin logistics cấp quốc gia và cấp vùng nhằm tối ưu hóa quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa, dịch vụ, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn…; khẩn trương việc quy hoạch và xây dựng hệ thống logistics bao gồm thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng logistics, DN logistics và các DN sử dụng dịch vụ.
Trước tiên phải đầu tư, xây dựng các Trung tâm logistics trên các tuyến quốc lộ quan trọng như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc… các cửa ngõ vào các thành phố lớn… để thực hiện sự kết nối các phương tiện vận tải trong vận chuyển, tiêu thụ và XK hàng hóa của VN; Đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng logistics hiện đại như là giải pháp điều kiện, tiền đề để VN thực hiện có hiệu quả các FTA; cần có chiến lược và quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics để có biện pháp hạn chế tối đa việc xây dựng các trạm BOT thu phí trên các quốc lộ hiện có của VN, trừ các tuyến giao thông được đầu tư, xây dựng mới hoàn toàn để người dân và DN lựa chọn.
Đã đến lúc cần có một kênh truyền hình quốc gia riêng về logistics trên cơ sở các chương trình hiện có thuộc về lĩnh vực phân phối và lưu thông hàng hóa nhằm chuyển tải các vấn đề thương mại và vận tải trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là vấn đề tối ưu hóa các dòng vận động hàng hóa, thông tin và tiền tệ, xây dựng hệ thống logistics, kết nối các ngành, các DN, giải bài toán đầu vào và đầu ra cho các DN, chuyển tải kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển dịch vụ logistics, hiệu quả kinh doanh… góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế VN trong điều kiện hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.