Dự báo tăng trưởng 2017 qua các tuyến thương mại chính của châu Á (*)
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:41, 29/01/2017
(Vietnam Logistics Review) Ông Mario Moreno - Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu kinh tế IHS Maritime & Trade đã phát biểu tại hội nghị TPM châu Á rằng, tất cả các tuyến thương mại chính của châu Á được dự đoán sẽ cho thấy tăng trưởng ở nhiều mức độ trong năm 2017.
Vận chuyển container giữa châu Á và Mỹ nhìn chung đang có xu hướng gia tăng nhưng lại không ổn định trong vài tháng qua. “Thương mại châu Á - Mỹ khựng lại sau đợt tăng trưởng đáng kể trong quý đầu tiên của năm 2016”, ông Mario Moreno cho biết. “Điều đầu tiên chúng ta nhận thấy là việc lưu lại quá nhiều hàng tồn kho. Trong nửa sau của năm 2015, hầu hết các doanh nghiệp (DN) tại Mỹ rất lạc quan về nền kinh tế Mỹ trong năm 2016. Họ có một cái nhìn rất tích cực về doanh số bán lẻ và tiêu dùng, nhưng tiếc là doanh số không đáp ứng mong đợi”. Theo ông Moreno, động lực chính lèo lái sự tăng trưởng này là thị trường nhà ở Mỹ.
“Thị trường nhà ở tiếp tục thúc đẩy lợi nhuận trong thương mại giữa châu Á - Mỹ”, ông nói. “Cả doanh số bán nhà và công trình nhà ở có sức ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu hàng hóa container từ châu Á”.
Theo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, đồ nội thất và sản phẩm trải giường là những mặt hàng đứng đầu danh sách hàng nhập khẩu container từ châu Á đến Mỹ. “Chỉ riêng hai mặt hàng này đã chiếm 13% tổng thương mại của châu Á - Mỹ”, Moreno cho biết. “Chúng tôi nhận thấy một sự tương quan tích cực giữa doanh số bán nhà và lượng hàng nhập khẩu nội thất (khối lượng lớn - TEU) ở Mỹ. Sức mạnh của sự tương quan này đo được ở mức 60% giữa năm 2007 và nửa đầu năm 2016”.
Thương mại châu Á và Mỹ kết thúc năm 2016 với mức tăng trưởng khoảng 4,4%, với Trung Quốc dẫn đầu mức tăng trong năm thứ bảy liên tiếp và đóng góp một nửa trong sự tăng trưởng chung. Ông Moreno cũng cho biết việc xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm đối với các mặt hàng giá trị thấp, thâm dụng lao động như giày dép, nhưng hàng hóa giá trị cao như đồ nội thất thì tăng.
Thương mại châu Á - châu Âu gặp khó khăn trong phần lớn năm 2015 nay đang có dấu hiệu phục hồi. Ông Moreno cho biết, từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2016, thương mại chỉ tăng 1,3%. “Nhu cầu từ các nền kinh tế khu vực châu Âu nhìn chung rất thấp. Kinh tế Nga đã bắt đầu ổn định và chúng tôi thấy một chút phục hồi trong nhu cầu hàng hóa container từ châu Á”.
Nhìn vào các loại hàng hóa liên quan, hóa chất đang dẫn đầu mức tăng trong thương mại Á - Âu trong nửa đầu năm 2016, trong khi dệt và may mặc đang dẫn đầu mức thua lỗ.
Trong năm 2017, Moreno hy vọng một sự tăng trưởng khoảng 3,4% trong tổng số 13,5 triệu TEU, sau khi tăng trưởng khoảng 1,6% trong năm 2016. Đây sẽ là một năm đỉnh cao mới cho thương mại Á - Âu.
“Các nền kinh tế châu Âu sẽ tiếp tục tăng trưởng khiêm tốn, nhưng đồng Euro có thể sẽ giảm giá trị trong năm 2017, là động lực cho các lĩnh vực sản xuất tại khu vực này”, ông Moreno nói. “Đồng Rúp Nga suy yếu tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất tại Nga, đồng nghĩa với nhu cầu nguyên liệu thô cao, vì vậy chúng tôi hy vọng Nga sẽ đóng góp một lần nữa vào tăng trưởng thương mại Á - Âu trong năm 2017”. Nhìn xa hơn, Moreno ước tính giao thương hàng hóa container giữa châu Á và châu Âu sẽ tăng khoảng 4%/năm trong 5 năm tới, một cải tiến đáng kể so với chỉ 1%/ năm trong vòng 5 năm vừa qua.
Đối với thương mại châu Á - Nam Mỹ, IHS ước tính một mức giảm khoảng 2,6% cho năm 2016 nhưng sẽ có một sự phục hồi nhẹ trong năm nay. “Trong năm 2017, thương mại sẽ ổn định và sẽ tăng khiêm tốn khoảng 0,7%”. Moreno cho biết, nguồn gốc của sự suy yếu này là Brazil, chiếm khoảng 30% tổng thương mại châu Á - Nam Mỹ.
Trong năm 2017, ông Moreno dự đoán tăng trưởng khoảng 6,2%, lên tới tổng số 15,9 triệu TEU. Điều này dựa trên việc cải thiện điều kiện kinh tế ở Mỹ, như GDP tăng từ 1,7% trong năm 2016 lên 2,4% vào năm 2017 và tăng trưởng trong tiêu dùng. Trong đó, chi tiêu cho các mặt hàng có tính lâu bền (như đồ nội thất) dự kiến sẽ tăng lên 6,4% vào năm 2017 sau mức 5,3% vào năm 2016. “Xa hơn nữa, thương mại châu Á - Mỹ được dự báo sẽ tăng tốc trong 5 năm tới”, ông nói. “Chúng ta đang nhìn vào mức tăng khoảng 5-5,5% mỗi năm trong vòng 5 năm nữa, nhưng không phải là dấu hiệu của giai đoạn tiền khủng hoảng”. |
Venezuela đang ở trong tình trạng còn tệ hơn so với Brazil, với ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế quốc gia này có tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất thế giới ở mức -8,0%. “Chúng tôi không mong đợi nhiều từ Venezuela trong năm nay và cả năm tới”, Moreno cho biết. “Tuy nhiên, quốc gia mà chúng tôi dự đoán sẽ thúc đẩy thương mại châu Á - Nam Mỹ là Peru. Đặc trưng của nền kinh tế này là nền tảng phát triển mạnh mẽ, cùng với giá cả và tỷ giá hối đoái ổn định. Tăng trưởng nhập khẩu của Peru sẽ được hỗ trợ bởi mức tăng vừa phải của đồng Sol Peru và giá dầu thuận lợi”.
Cuối cùng, thương mại châu Á - châu Phi dự kiến tăng trưởng khoảng 4,3% trong năm 2017, sau khi giảm 1,8% trong năm 2016. Hai nhân tố chính, theo IHS, là Algeria và Mozambique. “Mozambique là nhân tố thú vị, vì nhu cầu hàng hóa container từ châu Á của nước này tăng với tốc độ đáng kể trong 10 năm qua”, Moreno cho biết. “Hiệu suất kinh tế Mozambique được dự kiến sẽ nổi bật hơn hẳn các nền kinh tế khác trong khu vực trong thời gian dài. Quốc gia này sở hữu dòng đầu tư trực tiếp mạnh mẽ từ nước ngoài và có một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng khu vực công tiến độ nhanh, mà theo quan điểm của chúng tôi là sẽ thúc đẩy nhu cầu hàng hóa container từ châu Á”.
Nhã Hân lược dịch theo Asia Cargo News (*) Tựa bài do Vietnam Logistics Review đặt lại