Logistics 2017 kết nối & hội nhập toàn diện

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:38, 13/02/2017

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây có sự chuyển động và hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới càng lúc càng nhanh. Đây là một hướng đi đúng đắn để Việt Nam có thể khơi thông các nguồn lực trong nước, kết hợp với những tác động tích cực từ việc giao thương với các quốc gia mang lại.

(Vietnam Logistics Review)Nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây có sự chuyển động và hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới càng lúc càng nhanh. Đây là một hướng đi đúng đắn để Việt Nam có thể khơi thông các nguồn lực trong nước, kết hợp với những tác động tích cực từ việc giao thương với các quốc gia mang lại.

Nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới đã được Việt Nam (VN) ký kết với các đối tác từ khắp các châu lục trên thế giới. Sự kết nối về thương mại và đầu tư giữa nền kinh tế VN và các nước đã mang lại những lợi ích rất to lớn cho VN. Các lợi ích này gồm các lợi ích thấy được và lợi ích vô hình. Từ những sự thay đổi nhìn chung là mang tính tích cực đã làm cho nền kinh tế VN có xu hướng hoạt động và vận hành hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh đó thì logistics với tư cách vừa là ngành có mức độ phát triển nhanh, vừa là ngành có tác động khá mạnh đến các ngành kinh tế khác thì cũng đã có những bước chuyển động quan trọng. Những sự chuyển động này có tác động tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế tại VN cũng như tác động đến sự vận hành của nền kinh tế. Trong quá trình này thì động lực từ các thỏa thuận giao thương giữa VN và các nước đã, ngược lại, có những tác động để lĩnh vực logistics trở nên là một trong những ngành có mức độ hội nhập khá mạnh với các nền kinh tế trên thế giới.

Có thể nói, từ năm 2010 đến nay, VN đã có sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Giá trị xuất nhập khẩu tăng đều qua các năm cho thấy VN ngày càng mở rộng và kết nối chặt chẽ với nền kinh tế thế giới. Giá trị xuất khẩu từ mức chỉ 71,6 tỷ USD vào năm 2010 đã tăng lên mức 173,94 tỷ USD vào năm 2016. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu cũng tăng đáng kể từ mức 84 tỷ USD năm 2010 lên mực 170,75 tỷ năm 2016. Sự gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đã có tác động rất tích cực đến các ngành và lĩnh vực hoạt động sản xuất của VN. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thế giới trong quá trình phát triển, các lĩnh vực sản xuất đã có sự mở rộng và chuyên môn hóa ngày càng cao. Quá trình này đã làm cho nền VN tích lũy ngày càng mạnh về vốn, công nghệ và tri thức, tạo nền tảng khá vững cho sự phát triển kinh tế. Sự gia tăng xuất nhập khẩu đã tạo ra một thị trường rất lớn cho tất cả các lĩnh vực hoạt động của VN, trong đó có lĩnh vực logistics. Ngành logistics có cơ hội phát triển ngày càng mạnh mẽ do nhu cầu được tạo ra từ quá trình mở cửa và hội nhập của VN. Giá trị gia tăng mà lĩnh vực logistics tạo ra có mối liên hệ chặt chẽ với quá trình gia tăng giá trị XNK của VN.

Trong khi đó, bản thân lĩnh vực logistics cũng có sự phát triển khá mạnh mẽ. Số liệu cho thấy nhu cầu đối với lĩnh vực logistics ngày càng gia tăng. Các nhu cầu về logistics được tạo ra từ sự gia tăng dân số và sản lượng hàng hóa lưu chuyển trong nền kinh tế. Sự phát triển ngày càng cao của nền kinh tế VN càng có tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực logistics VN không chỉ ở khía cạnh lượng mà còn ở khía cạnh chất. Bên cạnh đó, như đã phân tích ở trên, nhu cầu đối với lĩnh vực logistics còn phát sinh từ quá trình mở cửa, giao thương và kết nối của nền kinh tế VN đối với các nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong những năm qua, VN đã thực hiện và có nhiều chủ trương để kết nối với các nền kinh tế trong khu vực mà trọng tâm là kết nối về giao thông. Nhiều hệ thống kết nối với các nước trong khu vực như Lào và Campuchia đã làm cho tốc độ lưu chuyển hàng hóa ngày càng rộng mở. Mức độ di chuyển của người dân trong quá trình kết nối các quốc gia cũng tăng lên cộng hưởng với nhu cầu ngày càng tăng với đòi hỏi cao hơn của người dân làm cho sự phát triển của lĩnh vực logistics có cơ hội và tiềm năng phát triển rất mạnh. Số liệu dự báo cho thấy lượt hành khách được phục vụ cũng như lượng hàng hóa được vận chuyển sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2017 với lượt hành khách là khoảng 3.658 triệu lượt và hàng hóa vận chuyển là 1.338 triệu tấn. Có thể nói, con số này có mức tăng trưởng là khá thấp so với các năm trước và do đó, logistics VN cần phải thực hiện nhiều hướng phát triển mới, mà một trong các hướng phát triển mới là tiếp tục kết nối và hội nhập với các nền kinh tế và hệ thống hạ tầng trong khu vực.

Hội nhập và kết nối là xu hướng tất yếu đối với tất cả các quốc gia, ngành và lĩnh vực hoạt động. Đây là con đường mà tất cả các nền kinh tế đều phải hướng tới để tận dụng được các lợi thế so sánh và đạt được lợi ích thương mại trong quá trình giao thương giữa các nước. Riêng với lĩnh vực logistics của nước ta thì kết nối và hội nhập là một phương thức để tận dụng được các hiệp định thương mại mà VN vừa kí kết như EVFTA, AEC, EAEU… Mặt khác, chính quá trình kết nối và hội nhập sẽ là động lực và phương cách để logistics VN lớn mạnh, để từ đó tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) logistics VN vốn còn nhỏ bé có thể phát triển lớn mạnh và gia tăng sức cạnh tranh. Sự gia tăng sức cạnh tranh của các DN logistics VN sẽ là tiền đề rất quan trọng dẫn đến sự thay đổi về chất để cung cấp cho thị trường những dịch vụ logistics ở cấp độ cao hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng tăng của thương mại và XNK. Để có thể kết nối và hội nhập thành công thì cũng giống như bất kì lĩnh vực nào, vai trò của Nhà nước trong việc định hướng chiến lược, thực hiện các chương trình đầu tư hiệu quả, tạo ra đòn bẩy cho quá trình phát triển là rất cần thiết. Nhà nước cần phải có nhiều chính sách thiết thực và có hiệu quả để tạo ra nhu cầu và môi trường cần thiết cho sự phát triển của lĩnh vực logistics. Các chính sách này cần được ban hành sớm trên cơ sở nghiên cứu để các chính sách có cơ sở khoa học để mang tính khả thi, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các DN logistics VN. Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ ngành trung ương cũng cần có những bước đi mạnh mẽ, phù hợp và thiết thực hơn nữa, tăng cường hợp tác và mở ra các cơ hội mới thông qua sự phát triển các chính sách quy hoạch và định hướng lớn trong sự phối hợp phát triển giữa các quốc gia để tạo ra nhiều không gian phát triển thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng các DN nói chung và DN logistics nói riêng.

Nói tóm lại, nền kinh tế VN vẫn đang trong xu hướng phát triển và hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Giá trị tạo ra trong quá trình giao thương, trao đổi thương mại và đầu tư ngày càng lớn. Nhiều không gian phát triển mới là kết quả của sự ký kết các hiệp định thương mại. Các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của VN cũng cần có sự phát triển mang tính kết nối và hội nhập toàn diện hơn để có thể tận dụng được các cơ hội được tạo ra. Riêng với lĩnh vực logistics thì các lợi ích này càng thể hiện rõ vì đây là lĩnh vực vừa có được các giá trị trực tiếp vừa có được các giá trị gia tăng gián tiếp thông qua sự phát triển của các ngành và lĩnh vực trong nền kinh tế. Năm 2017 là năm mà thế giới sẽ có nhiều biến động khó lường; tuy nhiên, kết nối và hội nhập vẫn là con đường chủ đạo để các quốc gia, các ngành kinh tế cần phải thực hiện để thành công hơn thông qua các lợi ích được tạo mới trong quá trình hợp tác. Với con đường này thì logistics VN sẽ tiếp tục có sự phát triển nhanh và ổn định, đóng góp tích cực và sự phát triển bền vững của nền kinh tế VN.