Nền kinh tế tuần hoàn cho một thế giới kinh doanh bền vững
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:14, 20/04/2019
Chương trình OAF hướng tới mục tiêu thúc đẩy và tận dụng sự sáng tạo của các bạn trẻ trong việc giải quyết các vấn đề bền vững của các công ty cũng như của xã hội.
Phiên bản thứ sáu của OAF xuất hiện vào thời điểm thích hợp tại TP. HCM và đã được kết thúc thành công. Đánh giá về những lợi ích Orange ASEAN Factory 2019 mang lại, ông Gabor Fluit, Giám đốc Tập đoàn kinh doanh châu Á của De Heus khẳng định: “Thế hệ trẻ ngày nay với những ý tưởng sáng tạo và vượt trội sẽ truyền cảm hứng cho các công ty hiện đang theo đuổi kinh doanh bền vững và giảm những tác động xấu đến cộng đồng và môi trường”.
Giám đốc quốc gia Philips tại Việt Nam, Hugo Luik nói: "Để có một thế giới bền vững, chúng ta thấy sự chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn là một điều kiện biên cần thiết. Một nền kinh tế tuần hoàn nhằm mục đích tách rời tăng trưởng kinh tế từ việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái bằng cách sử dụng các tài nguyên đó hiệu quả hơn. Trong nền kinh tế tuần hoàn, việc sử dụng vật liệu hiệu quả hơn cho phép tạo ra nhiều giá trị hơn, cả bằng cách tiết kiệm chi phí và bằng cách phát triển thị trường mới hoặc phát triển các thị trường hiện có".
Tại Lễ bế mạc, những thành viên chương trình OAF đã lần lượt trình bày kết quả và giải pháp sáng tạo của họ.
Unilever đặt đề bài cho các thí sinh Orange ASEAN Factory 2019 dưới bối cảnh hướng tới sự tránh lãng phí bao bì, làm sao chuyển đổi khối rác thải bao bì khổng lồ phổ biến nhất của nền kinh tế tuyến tính. Doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng này chia sẻ đang hướng tới mục tiêu tái chế và tái sử dụng toàn bộ bao bì sản phẩm vào năm 2025, khó khăn nhất là làm sao cải thiện hệ thống thu gom và phân loại rác.
Ở một nhóm khác, công ty Philips có một chiến lược kinh tế quốc tế tuần hoàn, hướng tới các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc tái chế sau khi sử dụng lần đầu. Tại Việt Nam công ty Philips cung cấp các thiết bị y tế cho bệnh viện và phòng khám. Khi sửa chữa tân trang lại các thiết bị này, các bộ phận của thiết bị đã qua sử dụng có thể được tái sử dụng để tiết kiệm chi phí cho khách hàng và giảm tác động đến môi trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam pháp luật hiện hành và ý kiến khách hàng không ủng hộ việc tái sử dụng.
Đại diện nhóm trình bày về giải pháp dành cho bài toán của Philips - Trịnh Phạm Hải Linh chia sẻ: "Trước đây Malaysia cũng là một trong những quốc gia cấm nhập khẩu thiết bị y tế đã qua sử dụng, quá trình phải mất đến 4 năm để xóa bỏ các rào cản về mặt pháp lý luật định, hy vọng với những kế hoạch cụ thể thì Việt Nam cũng có thể được như vậy".