Hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải: Cơ hội trở thành trung tâm khu vực
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:36, 13/03/2017
(Vietnam Logistics Review)Sự kiện nổi bật nhất đầu năm 2017 của ngành logistics Việt Nam phải kể đến chuyến thử nghiệm thành công việc tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới tại Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) Bà Rịa – Vũng Tàu. Tàu Margrethe Maersk có tải trọng 194.000 DWT với sức tải lên đến 18.000 TEU đã cập cảng CMIT vừa qua đã đánh dấu bước phát triển mới của ngành hàng hải logistics Việt Nam.
Những nỗ lực…
Nhiều năm qua, Chính phủ đã đẩy mạnh quy hoạch cảng biển nhóm 5, là nhóm được xem là hoạt động hiệu quả và mạnh mẽ nhất cả nước. Trong đó, mục tiêu cụ thể định hướng phát triển nhóm 5 sẽ trở thành cảng cửa ngõ quốc tế, cảng đầu mối khu vực hiện đại nhằm đáp ứng xu thế phát triển của vận tải biển Việt Nam (VN) và thế giới, thu hút một phần lượng hàng hóa trung chuyển trong khu vực. Riêng với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, tận dụng tối đa vị trí địa lý thuận lợi và phát huy tối đa lợi thế để phát triển trở thành cụm cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực.
Ông Nguyễn Văn Trình - Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT phát biểu tại sự kiện |
Theo đó, với sự nỗ lực của ngành nói chung, Cảng CMIT nói riêng đã từng bước thực hiện mục tiêu của Chính phủ đề ra, ở giai đoạn hiện tại việc tiếp nhận tàu tải trọng lớn trên 18.000 TEU được xem là bước tiến dài vượt xa mục tiêu ban đầu, mở ra cơ hội cho mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển trong khu vực. Ông Nguyễn Văn Công – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết “Khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải có công suất thiết kế là 7 triệu TEU/năm. Tuy nhiên năm 2012, chỉ mới đạt khoảng 4 - 5% công suất thiết kế. Đến năm 2016 đã đạt gần 3.5 triệu TEU lượng hàng hóa thông qua. Hệ thống luồng lạch được cải tạo đồng bộ và liên tiếp đón những chuyến tàu có tải trọng ngày càng lớn hơn vào khu vực cảng nói trên làm hàng. Riêng cảng CMIT, năm 2016, lượng hàng xuất nhập khẩu đạt 1 triệu 979 nghìn TEU (tăng 48%), trong đó, lượng hàng hóa trung chuyển nội địa đạt 1.3 triệu TEU, lượng hàng trung chuyển quốc tế đạt 160 nghìn TEU; Số lượng tàu cũng tăng đáng kể lên đến 75%... Sự kiện đón tàu mẹ siêu trọng tải là điểm sáng quan trọng trong ngành Hàng hải VN. Riêng cảng CMIT, trở thành một trong 19 cảng lớn nhất thế giới có khả năng tiếp nhận tàu, siêu tàu với sức chở trên 18.000 TEU…”
… Giá trị niềm tin
Phát biểu tại lễ tiếp nhận thử nghiệm tàu Margrethe Maersk, bà Nguyễn Thị Hà Giang – Tổng Giám đốc Maersk Line VN vui mừng chia sẻ “Mặc dù là chuyến tàu thử nghiệm, nhưng CMIT cùng với toàn ngành đã nỗ lực và thành công trong việc đưa tàu Margrethe Maersk cập cảng an toàn. Năm 1923, khi tàu Maersk đầu tiên cập cảng tại VN chúng tôi đã tin tưởng sự phát triển không ngừng của kinh tế đất nước thông qua những chuyến hàng ngày một dày đặc và trọng tải ngày càng lớn… Cho đến hiện tại, việc thử nghiệm tiếp nhận thành công tàu Margrethe Maersk là một minh chứng không chỉ riêng về mặt phát triển kinh tế, mà còn là sự tích cực trong phát triển cơ cấu hạ tầng kỹ thuật… Chúng tôi tin tưởng Chính phủ, và hoan nghênh Bộ GTVT, Cảng vụ Vũng Tàu, và CMIT đã nâng cấp những kết cấu kỹ thuật cần thiết cho việc tiếp nhận tàu mẹ của hãng Maersk Line lần này…”
Bà Nguyễn Thị Hà Giang - Tổng Giám đốc Maersk Line Việt Nam |
Bà Giang cho biết thêm hiện nay, thương mại của VN và Bắc Âu đã tăng 35%, nếu Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn về mặt chính sách tạo thuận lợi thương mại, cũng như cải thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng và kỹ thuật… thì chúng tôi sẽ kêu gọi đưa tàu siêu trọng cập cảng VN thường xuyên, tạo thành tuyến vận tải lớn thứ hai nối tuyến Á-Âu trong tương lai.
Trong 5 năm gần đây, thương mại giữa VN và Bắc Âu tăng 35%, cùng với việc xác định được tính khả thi của sự kiện lần này, Maersk Line tin tưởng VN nói chung và CMIT nói riêng sẽ đón được nhiều tàu siêu trọng tải hơn trong tương lai.
Cơ hội trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực
Như vậy, ngoài việc thử nghiệm tính khả thi của việc tiếp nhận tàu siêu trọng tải. Sự thành công đem đến cho ngành Hàng hải không chỉ là bước tiến dài trong giai đoạn phát triển, mà còn mở ra cơ hội trở thành một trung tâm trung chuyển trong khu vực. Ông Robert Hambleton – Tổng Giám đốc CMIT cho biết “Sự xuất hiện của tàu Margrethe Maersk là một cột mốc quan trọng cho CMIT và cho ngành hàng hải VN, vì nó chứng tỏ rằng cảng này cũng có thể phục vụ như là một trung tâm trung chuyển của khu vực đối với hàng hóa Đông Nam Á, đặc biệt dành cho các tuyến thương mại VN - Bắc Âu…”.
Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Công trả lời phỏng vấn báo chí tại cảng CMIT
Tuy nhiên, để làm được điều đó VN cần quyết liệt hơn nữa trong công cuộc đổi mới toàn diện đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn. Đồng thời nâng cấp, xây dựng đồng bộ
kết cấu hạ tầng giao thông thủy, bộ nhằm phát huy tối đa vị thế quan trọng trong vai trò cửa ngõ khu vực Đông Nam Á. Tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công lưu ý Cục Hàng hải Việt Nam trình Bộ GTVT phương án nạo vét luồng Vũng Tàu – Thị Vải sâu từ -14 mét như hiện nay xuống -15.5 mét.
Riêng CMIT với kết cấu là cảng nước sâu duy nhất ở VN có khả năng xếp dỡ cho siêu tàu vận tải. Là cảng liên doanh giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Cảng Sài Gòn và Tập đoàn APM Terminals – Tập đoàn khai thác cảng container hàng đầu thế giới của Đan Mạch. Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, CMIT đã trở thành cảng container đẳng cấp quốc tế, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Đến năm 2015, sản lượng khai thác của cảng CMIT tăng 7 lần, số lượng tàu trên 80.000 tấn cập cảng CMIT làm hàng tăng 5 lần, doanh thu tăng trên 3 lần, so với năm 2011. Năm 2016, sản lượng khai thác của CMIT tăng gần 70% so với năm 2015, doanh thu tăng 33% so với năm 2015.
Hiện nay, Maersk Line là hãng vận tải container lớn nhất thế giới, nổi tiếng với các dịch vụ đáng tin cậy. Là hãng tàu vận tải biển hàng hóa trên khắp thế giới. Có 324 văn phòng đại diện tại 115 quốc gia, 7.600 thuyền viên và 22.400 nhân viên trên đất liền và 605 tàu container. Maersk Line là một phần của Tập đoàn Maersk, có trụ sở tại Copenhagen, Đan Mạch. Margrethe Maersk là một trong những tàu Triple E. Maersk Line và tàu lớn nhất trong đội tàu Maersk Line. Có khả năng chở 18.000 TEU (container 20 foot), tải trọng 194.000 DWT. |
Với hệ thống cơ sở vật chất vận hành và khai thác cảng hiện đại, CMIT có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho các hãng tàu và khách hàng với thời gian nhanh nhất, thông qua các tuyến vận chuyển quốc tế trực tiếp từ VN đến các thị trường lớn như châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Mới đây, CMIT vừa nhận được chứng nhận giải thưởng top 4 nhà khai thác cảng châu Á năm 2016 do Lloyd’s List tổ chức tại Singapore.
Với khả năng hiện tại, kết hợp với việc Chính phủ hỗ trợ về cơ chế chính sách, luồng lạch, cơ sở hạ tầng cho các hãng tàu, sẽ hứa hẹn một tương lai không xa cho “trung tâm trung chuyển” trong khu vực.