Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam: Khởi đầu phát triển nguồn nhân lực
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 11:03, 05/05/2017
(Vietnam Logistics Review)Trong kế hoạch hành động của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA). Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và đưa ra kế hoạch hành động: phải đào tạo nguồn nhân lực mới với một chương trình đào tạo thiết thực, hiệu quả. Theo đó Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) – thuộc VLA đã có những kế hoạch cho chiến lược phát triển con người nhằm phục vụ cho nhu cầu về ngành nghề và theo định hướng của Chính phủ.
Sự chuyển dịch về cơ cấu phát triển
Trong kế hoạch hành động của VLA năm 2017, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực nhận được sự quan tâm đặc biệt trong hoạt động nâng cao năng lực canh tranh hiện nay. Cuối tháng 3 vừa qua, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) thuộc VLA đã tổ chức khóa tập huấn cho học viên đến từ các công ty trong Hiệp hội VLA. Đây cũng là khóa huấn luyện đầu tiên của năm 2017, đánh dấu sự khởi động của hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics, theo kế hoạch hành động của VLA.
Bà Võ Thị Phương Lan – Ủy viên BCH Hiệp hội VLA, Trưởng ban Đào tạo và Kết nối Hội viên, phát biểu khai giảng lớp học |
Trong khóa học này, giáo trình học cũng như giảng viên đã hướng dẫn cụ thể từng phần về quản lý kho, những vướng mắc, vấn đề thường gặp phải của DN trong hoạt động contract logistics như: quản lý dịch vụ vận tải, dịch vụ kho hàng bao gồm quản lý đơn hàng, đóng gói, phân phối, thủ tục hải quan... Có thể nói, VLI là nơi có những khóa đào tạo với giáo trình bám sát thực tế mà các học viên có thể tiếp thu nhanh nhất và hiệu quả nhất cho hoạt động của mình. Chị Trần Thanh Hòa – học viên đến từ công ty Inter Logistics chia sẻ “... tôi được biết thêm nhiều từ ngữ chuyên ngành và các kinh nghiệm xử lý tình huống mà có lẽ phải một thời gian dài công tác mới có được, ở đây tôi đã học được nhiều thứ... Đây là khóa học thật sự hữu ích.”
Bà Võ Thị Phương Lan – Ủy viên BCH Hiệp hội VLA, Trưởng ban Đào tạo và Kết nối Hội viên chia sẻ: “Nhiệm vụ của ban đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics trước tiên là phải đưa nhiều khóa học thiết thực cho hội viên, thông qua những kiến thức nâng cao của từng chuyên ngành cụ thể, ví dụ như: freight forwarder, cross border... Để khởi động cho chương trình đào tạo lần này, chúng tôi đã mời các anh chị đã học các lớp logistics master, hoặc các anh chị đang trực tiếp điều hành tại các doanh nghiệp logistics để truyền đạt lại cho học viên một cách cụ thể và thiết thực nhất...” |
Ngoài ra, được sự quan tâm của Hiệp hội VLA, VLI đã và đang xây dựng thêm nhiều khóa học cụ thể hơn nữa cho từng nghiệp vụ chuyên sâu của ngành logistics. Kế hoạch được Bà Võ Thị Phương Lan – Ủy viên BCH Hiệp hội VLA, Trưởng ban Đào tạo và Kết nối Hội viên khẳng định “...trong năm nay, chúng tôi đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhiều hơn những năm trước, từ nhu cầu thực tế của ngành mà nguồn nhân lực cần bổ sung các kiến thức chuyên sâu, do đó theo kế hoạch chúng tôi sẽ tổ chức 10 khóa đào tạo nghiệp vụ trong năm nay, trong đó có 2 khóa tổ chức ở Đà Nẵng, 3 khóa tổ chức ở Hà Nội, còn lại được tổ chức ở TP.HCM. Các khóa học sẽ trải đều mỗi tháng một lớp, có thể nhiều hơn nữa nếu xét thấy nhu cầu cần thiết hơn...”
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của VLI
Hiện nay đối với ngành logistics Việt Nam, tuy còn “non trẻ” nhưng để theo kịp xu hướng và sự vận động của kinh tế quốc tế, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nói riêng và quốc gia nói chung thì nguồn nhân lực chuyên nghiệp được đánh giá là “chìa khóa” của toàn bộ hoạt động. Cùng với sự “vào cuộc” của các trường đại học mở các chuyên ngành đào tạo cơ bản, thì VLI lại là nơi có những khóa huấn luyện chuyên sâu và sát với thực tế ngành logistics nhất hiện nay của Việt Nam.
GV. Nguyễn Hồng Khanh đang giải thích ý nghĩa kho được hiểu như thế nào
Với chức năng và nhiệm vụ mang ý nghĩa đồng hành cùng doanh nghiệp dịch vụ logistics, VLI đã nghiên cứu hoặc tham gia nghiên cứu, thẩm định các chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực logistics theo sự phân công của Hiệp hội hay các yêu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp, và nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ, trang thiết bị, công nghệ thông tin, quy trình chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá, thống kê trong lĩnh vực logistics của các địa phương và cả nước để có những giải pháp và sản phẩm dịch vụ chất lượng theo kịp xu hướng của thế giới. Bà Võ Thị Phương Lan, một lần nữa khẳng định: Với mong muốn các chương trình của khóa học, không chỉ phục vụ cho VLI mà còn mở rộng hơn nữa cho nhiều đối tượng quan tâm tới ngành nghề này.
Để có những chương trình đào tạo tốt nhất, VLI đã kết hợp với Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải quốc tế (FIATA), Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cùng với các tổ chức đối tác khác như: TFC (The Fresh Connection) - Sở hữu những kinh nghiệm quý báu về chuỗi giá trị với năng lực xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng chặt chẽ, liên kết tốt giữa các thành phần liên quan; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Bà Rịa Vũng Tàu... Với sự vận động không ngừng, VLI đã nhận được các đánh giá tích cực cũng như uy tín từ các DN trong ngành, với mục đích đồng hành cùng doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam ngày một phát triển.