APEC Việt Nam 2017: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:51, 13/06/2017
(Vietnam Logistics Review)Năm APEC Việt Nam 2017 có chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, với ý nghĩa các nền kinh tế APEC sẽ cùng nhau thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thành các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020; chung tay xây dựng tầm nhìn liên kết khu vực trong giai đoạn phát triển mới. Đây là nền tảng quan trọng để cùng tạo dựng quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương, vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21.
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được thành lập vào ngày 6.11.1989, tại Thủ đô Canberra (Australia). Đến nay, APEC có 21 thành viên với sự góp mặt của nhiều nền kinh tế mạnh và năng động, trở thành khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất, tiềm lực lớn nhất và hợp tác sôi động nhất trên thế giới. Việt Nam đã chính thức được kết nạp vào APEC tại AELM lần thứ 6 được tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) vào tháng 11.1998. |
Việt Nam với APEC 2017
Việt Nam là nước chủ nhà luân phiên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017). Trong đó, Đà Nẵng được Chính phủ đồng ý chọn là nơi đăng cai “Tuần lễ cấp cao APEC 2017” dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 6 – 11.11.2017.
Trong khuôn khổ năm APEC 2017, từ cuối năm 2016 và trong năm 2017, nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng của APEC được tổ chức tại các thành phố trên khắp cả nước như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hạ Long, Nha Trang, Cần Thơ, Huế, Hội An. Đây là cơ hội quý báu để các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực hội nhập, góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền.
Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC (lần thứ nhất là APEC 14 vào năm 2006). Qua sự kiện này, Việt Nam đã góp phần nâng cao vị thế quốc tế, thể hiện việc tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời tạo điều kiện cho việc ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Toàn cảnh Hội nghị SOM 2 ngày 17.5.2017 tại Hà Nội
Sự kiện quan trọng nhất của APEC 2017 là “Hội nghị Lãnh đạo APEC” (AELM) – nơi người đứng đầu Chính phủ của 21 nền kinh tế thành viên APEC gặp nhau mỗi năm một lần tại kỳ họp thượng đỉnh.
Hợp tác khắc phục khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu
Kể từ khi thành lập đến nay, APEC đã trải qua 24 kỳ hội nghị với nhiều thay đổi và tiến bộ quan trọng cả về tính chất, nội dung cũng như cơ chế hoạt động. Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008 bắt nguồn từ Mỹ - “Trung tâm tài chính” thế giới, tất cả các nước đều tích cực đưa ra những biện pháp để khắc phục khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, các hội nghị AELM đều đặt ra việc khắc phục và vượt qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục ủng hộ vòng đàm phán Đô-ha của tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chống chủ nghĩa bảo hộ và hướng tới việc đạt được mục tiêu Bogor và một Khu vực Thương mại tự do toàn APEC; tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế kỹ thuật và an ninh con người; tiếp tục bàn thảo về các vấn đề thiết yếu như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, ứng phó với tình trạng khẩn cấp (phòng chống thiên tai); trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhất là ở góc độ các tập đoàn xuyên quốc gia cũng như việc trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chúng tôi vững tin rằng, APEC cần một “động lực mới” cho sự phát triển kinh tế và hội nhập. Điều này là rất quan trọng vì “tương lai chung” của chúng ta về hòa bình, ổn định, phát triển, hội nhập và thịnh vượng. |
Bên cạnh đó, APEC tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế, thương mại hàng đầu của khu vực, thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, nhất là liên kết “thế hệ mới” nhằm bảo đảm tính minh bạch cao trong các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực; tăng cường kết nối trong khuôn khổ APEC với tầm nhìn dài hạn, nhất là kết nối về kết cấu hạ tầng... Ngoài ra còn đưa ra sáng kiến hợp tác APEC về các vấn đề liên quan đến đại dương và quản lý bền vững hệ sinh thái biển. Đồng thời xây dựng năng lực thực hiện danh mục hàng hóa môi trường APEC (EGS) và hình thành cơ chế đối tác công tư về EGS.
“Vì tương lai chúng ta”
Theo các nhà phân tích, việc Việt Nam lần thứ hai đăng cai Hội nghị AELM vào năm 2017 sẽ góp phần nâng cao vị thế quốc tế, thể hiện việc tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời tạo điều kiện cho việc ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam cùng các thành viên Cộng đồng ASEAN vun đắp tình hữu nghị, hợp tác và gắn kết với các đối tác, các doanh nghiệp, bè bạn khu vực.
Nhằm chuẩn bị cho năm APEC 2017, tại cuộc gặp mặt với các cơ quan đại diện các nền kinh tế thành viên APEC được tổ chức vào đầu tháng 12.2016, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017 đã nêu bật tầm quan trọng của Diễn đàn APEC đối với Việt Nam, cũng như mong muốn của Việt Nam tham gia đóng góp vào việc xây dựng một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng với việc đăng cai Năm APEC 2017.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam - Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017 tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 28.02.2017.
Theo đó, các hoạt động trong khuôn khổ năm APEC 2017 sẽ có ý nghĩa thiết thực tranh thủ nguồn lực quốc tế, phục vụ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, tạo thêm nhiều cơ hội cho các vùng, miền, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nước ta phát triển, giao lưu, quảng bá về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, nhiều tiềm năng, đang trên đường hội nhập toàn diện với tâm thế mới.
Mục tiêu tham gia của Việt Nam trong thời gian tới là tận dụng hội nghị AELM, thông qua các cuộc tiếp xúc thúc đẩy quan hệ song phương với các thành viên APEC, nhất là với các nước lớn. Tiếp xúc và kêu gọi các doanh nghiệp hàng đầu thế giới quan tâm đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực; tận dụng cơ hội các hội nghị AELM và các hội nghị Bộ trưởng để thông tin về tình hình phát triển, chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra còn tận dụng cơ hội và khai thác tốt tiến trình hợp tác của APEC để phục vụ lợi ích của Việt Nam trong quá trình cải cách kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. “Chúng tôi vững tin rằng, APEC cần một “động lực mới” cho sự phát triển kinh tế và hội nhập. Điều này là rất quan trọng vì “tương lai chung” của chúng ta về hòa bình, ổn định, phát triển, hội nhập và thịnh vượng”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu.