Tăng trưởng và rủi ro tín dụng
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:05, 26/08/2017
(Vietnam Logistics Review) Gần đây, nhiều ngân hàng (NH) đồng loạt giảm nhiều mức lãi suất (LS) cho vay. Điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro tín dụng trong bối cảnh ngành NH đang phải ráo riết tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Ngày 6.7, lần đầu tiên sau 3 năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm lãi suất 0,25%/năm các mức LS điều hành gồm LS tái cấp vốn, LS tái chiết khấu, LS cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng thương mại (NHTM). Theo đó, giảm 0,5%/năm LS cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Từ ngày 10.7, LS trên bắt đầu có hiệu lực. Điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro tín dụng trong bối cảnh ngành NH đang phải ráo riết tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Thúc đẩy tăng trưởng?
Việc giảm LS tái cấp vốn cùng LS tái chiết khấu của NHNN được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho thị trường và mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Với diễn biến trên, khả năng LS cho vay giảm được từ 0,25% - 0,5%/năm. Trước mắt, đã có nhiều NHTM giảm LS. Ngày 10.7, VPBank công bố các chương trình giảm LS cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo đó, LS cho vay ngắn hạn đối với các DNVVN đã được VPBank điều chỉnh giảm thêm mức từ 0,5% - 1%/ năm, tùy lĩnh vực ngành nghề của DN, thời gian quan hệ tín dụng với VPBank, mức độ đa dạng các sản phẩm NH mà DN sử dụng cũng như chất lượng thanh toán nợ. Ngoài việc giảm LS cho vay, VPBank cũng giới thiệu tới các DNVVN những sản phẩm cho vay tín chấp khác biệt, giúp các DNVVN có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn từ NH mà không cần có tài sản thế chấp (rào cản lớn khiến cho nhiều DN không thể tiếp cận tín dụng từ NH trong những năm qua).
Agribank cũng hạ LS cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm LS cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên theo TT39/2016/ TT-NHNN có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Cùng đó, VietinBank cũng đã điều chỉnh giảm LS cho vay ngắn hạn bằng VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với nhu cầu vốn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ gồm: nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, kinh doanh hàng xuất khẩu, DNVVN và DN ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, VietinBank cũng tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ DN khởi nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh, dự án khả thi, hiệu quả; DN áp dụng các sáng kiến mới vào nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh; DN có tình hình tài chính tốt, lành mạnh, sản xuất kinh doanh hiệu quả, ưu tiên những DN, cá nhân sử dụng toàn diện các sản phẩm dịch vụ của VietinBank…
Việc hạ LS của các NHTM sẽ giúp chi phí vay tiền của DN và cá nhân rẻ hơn. Vì vậy, sẽ thúc đẩy nhu cầu vay tiền và nhu cầu tiêu dùng. Theo NHNN, động thái này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi, nền kinh tế VN đang hoạt động với công suất thấp hơn mức tiềm năng. Theo đó, VN là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, nhưng tăng trưởng vẫn thấp hơn mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ là 6,7%. Câu hỏi đặt ra là việc hạ LS liệu có gây tác động đến lạm phát? NHNN giảm 0,25%/năm LS điều hành (đây là LS sử dụng trên liên NH), nhưng hiện nay, vì thanh khoản dồi dào, các NHTM không cho vay lẫn nhau nhiều, nên ít gây tác động.
Ngoài ra, lạm phát của VN liên tục giảm và duy trì mức thấp kể từ cuối tháng 10.2016. Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, lạm phát chỉ tăng 4,15% so với cùng kỳ năm trước và dự báo lạm phát năm 2017 sẽ dao động ở mức 4%. Tỷ giá cũng diễn biến thuận lợi. Cụ thể, tính đến ngày 30.6, tỷ giá trung tâm tăng 1,23% so với đầu năm. Tháng 7.2017, tỷ giá trung tâm không có biến động so với tháng trước, điều quan trọng trên hết là dự trữ ngoại hối của VN đạt mức kỷ lục 42 tỷ USD và thanh khoản hệ thống NH đang rất tích cực.
Trong đợt giảm LS này, NHNN không điều chỉnh trần LS huy động tiền gửi ngắn hạn, nhằm hạn chế tác động đến hoạt động huy động tiền gửi của các tổ chức tín dụng. Trong bối cảnh quy định cắt giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung-dài hạn từ 50% xuống 40% sẽ có hiệu lực từ năm 2018, các NHTM sẽ không dám “phiêu lưu” mà cắt giảm mức LS huy động hiện tại. Bên cạnh đó, các NH đang phải cạnh tranh với hai thị trường hút vốn nhiều nhất là thị trường bất động sản và chứng khoán, đồng thời cũng nỗ lực cho vay để kiếm lời và bù đắp những chi phí, trong đó có dự phòng rủi ro cho nợ xấu.
Số liệu thống kê, hiện tại có đến gần 70% DNVVN vẫn khó tiếp cận vốn vay NH. Như vậy, việc các NH đồng loạt giảm LS, được xem là giải pháp tối ưu để kích thích nhu cầu vay vốn sản xuất của DN lẫn nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro tiềm ẩn diễn ra đến cuối năm như biến động bất lợi về tỷ giá, lạm phát, quy mô nợ xấu...
Rủi ro
Thông thường việc thi hành chính sách hạ LS (hoặc tăng LS) tầm vĩ mô về chính sách tiền tệ, thì NHNN cần thiết phải báo cáo trong phân tích dự báo kinh tế vĩ mô (macroeconomic projections). Tại báo cáo này, NHNN phải phân tích thanh khoản (liquidity analysis), rồi phân tích tiền tệ (monetary analysis) để trong ấy là “gói”phân tích kinh tế (economic analysis),… Sau khi chuẩn bị kỹ rồi mới cân nhắc tung ra biện pháp kích thích kinh tế bằng thủ thuật tài chính này, nhằm tránh gây sốc cho thị trường, cũng như tránh gây ra tâm lý lo ngại đơn vị tiền tệ sẽ mất giá, do nới lỏng tiền tệ. Nếu thiếu thông tin, thị trường sẽ không thể biết được sự ổn định hay tuột dốc của nền kinh tế sau các quyết định “bơm – hút” tiền. Do vậy, ngay từ ngày 10.7, thị trường chứng khoán (TTCK) các mã số NH đều bị giảm, kéo theo chỉ số VN index bị giảm mạnh. Nhưng sau khi có những thông tin minh bạch từ phía NHNN, thì TTCK đã trở lại khởi sắc.
Khi nhu cầu vốn tăng cao sẽ tạo áp lực lên nguồn cung vốn. Nếu lúc đó, NH không chuẩn bị đủ nguồn lực, sẽ buộc phải đẩy LS lên. Và, khi đó chắc chắn sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát. Thậm chí với việc giảm LS như hiện nay, mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Chính phủ trong năm nay vẫn khó có thể đạt được, bởi thị trường thương mại thế giới vẫn trong tình trạng suy giảm, chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Việc các NH đồng loạt giảm LS được xem là giải pháp tối ưu để kích thích nhu cầu vay vốn sản xuất của DN lẫn nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro tiềm ẩn diễn ra đến cuối năm như biến động bất lợi về tỷ giá, lạm phát, quy mô nợ xấu... |
NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 18% trong năm nay. Trong khi đó, hệ thống NHTM có khoảng 345 tỷ đồng nợ xấu chưa được giải quyết, tính đến ngày 31.12.2016. Các NH cần thận trọng hơn với tăng trưởng tín dụng nhanh và đối tượng cho vay để tránh bong bóng trên thị trường bất động sản, chứng khoán. Điều này đã xảy ra trong quá khứ. Thực tế hiện nay, các NHTM cho vay dựa rất nhiều vào tài sản thế chấp, dựa vào tài sản đảm bảo là bất động sản, họ không quan tâm nhiều và nhìn vào nguồn trả nợ thứ nhất, thứ hai, thứ ba... của người vay.
Việc quan trọng khác là cần phân loại rõ ràng về tín dụng bất động sản. Hiện nay, các NHTM đang xếp cho vay mua nhà vào tín dụng tiêu dùng, khiến con số thống kê tín dụng bất động sản chỉ chiếm 8% - 10% tổng dư nợ. Nếu tính cả tín dụng cho vay mua bất động sản, thì con số này cao hơn nhiều và phản ánh đúng thực chất. Do vậy, cần cẩn trọng với tín dụng bất động sản, không nên nhìn vào con số quá thấp, dễ gây chủ quan trong điều hành, kiểm soát rủi ro tín dụng.
Báo cáo của NHNN cho thấy, cơ quan này muốn nắn chỉnh dòng vốn đi vào đúng các lĩnh vực ưu tiên, cần phải khuyến khích phát triển. Nghĩa là NHNN đang hướng tín dụng tăng trưởng về chất chứ không phải về lượng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM cho biết, dư nợ cho vay bất động sản hiện nay tại TP. HCM ở mức 172.000 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng dư nợ. Xét về tỷ trọng, dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay giảm so với cuối năm 2016 (cuối năm 2016 là 12% tổng dư nợ), nhưng con số tuyệt đối tăng hơn 10.000 tỷ đồng do quy mô cho vay tăng lên. Đó là chưa tính khoản cho vay mua bất động sản trong tín dụng tiêu dùng của cá nhân. Hiện dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP. HCM khoảng 220.000 tỷ đồng, trong đó liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 30%. Tính tổng cộng có khoảng 238.000 tỷ đồng được cho vay để mua nhà đất.
VN đã thực hiện nhiều cải tổ hệ thống NH từ năm 2012, sau một đợt cho vay tràn lan cộng với mức kiểm soát yếu, dẫn đến nợ xấu tăng cao. Có thể thấy, vấn đề LS luôn cần những liều thuốc mạnh để có được sự điều chỉnh đúng đắn và hợp lý nhưng không trái với các quy luật kinh tế, hoặc thiếu kiểm soát chặt chẽ. Chính vì thế, thiết nghĩ, nền kinh tế không nên quá kỳ vọng vào việc giảm LS, mà nên có những biện pháp mạnh tay để chống đỡ với những khó khăn.