Tương lai của ngành logistics: Drone & những nhà kho trên không trung (Phần 1)
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:16, 11/10/2017
(Vietnam Logistics Review) Những phát kiến và thử nghiệm gây xôn xao gần đây của Amazon về việc đưa những chiếc máy bay không người lái (drone) đi giao hàng từ hệ thống nhà kho nằm trên không trung, có thể góp phần thay đổi hoàn toàn nhận thức và cách thức giao hàng truyền thống. Đó là những thông tin và xu hướng rất quan trọng đối với những người quản lý và kinh doanh logistics ở Việt Nam - ít ra cũng biết mình đang ở đâu trên mặt bằng chung của thế giới.
Drone: bước tiến tiên phong trong vận chuyển hàng hóa
Sử dụng máy bay không người lái (drone) để giao hàng là một ý tưởng không còn quá mới. Cuối năm ngoái, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới 7-Eleven đã chia sẻ số liệu về hoạt động thử nghiệm giao hàng bằng drone, do hãng Flirtey sản xuất cho 77 khách hàng tại Reno, Nevada. Tất cả chuyến bay đó được thực hiện từ một cửa hàng tới hàng chục khách hàng được lựa chọn trước, sống trong phạm vi 1 dặm (khoảng 1,6km) quanh cửa hàng. Trước đó, vào tháng 9, chiếc drone mang tên Project Wing của Google đã hoàn tất chuyến bay chở hàng thử nghiệm đầu tiên tại Mỹ, khi vận chuyển món burrito đến cho các sinh viên tại trường Công nghệ Virginia.
Tuy nhiên, Amazon mới tạo ra sự quan tâm lớn khi thực hiện thành công chuyến giao hàng đầu tiên bằng phương thức này, có lẽ nhờ vào chiến lược đầu tư và nghiên cứu bài bản, cùng với sự thể hiện quyết tâm rất cao của những nhà lãnh đạo của công ty bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới này.
Khoảng 4 năm trước, trên một số lần phát sóng của show truyền hình 60 Minutes, CEO Jeff Bezos của Amazon đã tiết lộ công ty sẽ sớm đưa drone vào vận chuyển các kiện hàng và sản phẩm trong giới hạn đến 2,3kg để đưa đến tận cửa nhà người đặt mua chỉ trong 30 phút là nhiều nhất. Ông thậm chí còn cho công chúng xem thiết kế drone 8 động cơ được trang trí logo Amazon 2 màu đen - vàng rất ấn tượng và hứa hẹn.
Ông cũng tự tin vẽ ra viễn cảnh một ngày nào đó, những chiếc Prime Air sẽ trở nên bình thường như những chiếc xe tải chở thư trên đường.
Đến nay, sau nhiều bước cải tiến về công nghệ và cả những lần đệ trình giấy phép lên Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cuối cùng kế hoạch mang tên Amazon Prime Air đã được hiện thực hóa qua những bước đi chập chững đầu tiên. Với nguồn đầu tư hàng triệu đô-la, thế hệ drone mới nhất do chính công ty phát triển đã được ra mắt. Theo thông số kỹ thuật do Amazon cung cấp, mẫu máy bay giao hàng mới này kết hợp nhiều yếu tố khí động học của một máy bay trực thăng lẫn máy bay phản lực, có khả năng bay được 15 dặm (khoảng 24km) và đạt cao độ tối đa 0,1 km, món hàng được cất bên trong “bụng” của chiếc máy bay thay vì treo lơ lửng như những thế hệ trước.
Tháng 12.2016, công ty đã tổ chức thử nghiệm cung cấp đơn hàng đầu tiên theo phương thức này. Richard B., một người sống ở Cambridgeshire, Anh Quốc, đặt hàng một chiếc Amazon TV Fire (bộ thiết bị đầu đĩa kỹ thuật số và chơi game do Amazon phát triển) và gói thức ăn cho chó. Đơn hàng có trọng lượng 2,1kg. Drone phải bay khoảng vài dặm, giao hàng trong khoảng thời gian là 13 phút. Kiểm soát điều khiển máy bay không người lái từ cất cánh hạ cánh đã được thực hiện trong chế độ tự động. Con người chỉ thực hiện vai trò của người giám sát. Đưa hàng hóa vào drone trước khi cất cánh cũng được thực hiện trong chế độ tự động.
Nhằm bảo vệ drone giao hàng của mình được an toàn, cho cả chiếc drone và hàng hóa mà khách hàng đặt, Amazon đã đệ trình sáng chế công nghệ giúp drone giao hàng đối mặt với một số mối nguy hiểm trong tự nhiên. Để phát hiện các mối đe dọa, drone sẽ được trang bị các cảm biến có thể sử dụng tất cả các loại tín hiệu như tần số radio, sóng siêu âm và cả cảm biến quang học lẫn âm thanh... Sau khi phát hiện mối đe dọa, chẳng hạn bị ai đó cố tình ném đá hoặc một thứ gì đó vào nó, drone sẽ có những phản ứng phù hợp. Trong trường hợp bất khả kháng một drone bị bắn hạ, nó sẽ phát tín hiệu trước khi mất tích để những drone khác tránh khu vực đó ra và giúp nhân viên Amazon biết địa điểm cần tới để “cứu hộ”.
Theo những thông tin từ Amazon, bên cạnh vương quốc Anh, công ty còn có những phòng thí nghiệm Prime Air ở Mỹ, Úc, Israel. Các quốc gia này sẽ là những điểm đến tiếp theo cho những thử nghiệm hệ thống giao hàng bằng drone. Vẫn còn một số công đoạn khác nữa để Amazon Prime Air được hoàn toàn chấp thuận bởi FAA tại Mỹ, nhưng dù sao đi nữa, đây chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nó được đưa vào sử dụng rộng rãi như những loại hình vận chuyển hàng hóa phổ biến khác.
Xây “tổ” cho drone và những nhà kho trên không trung
Để chuẩn bị phát triển kế hoạch giao hàng bằng drone, Amazon đã đăng ký phát minh về nơi trú ngụ cho các drone này. Theo đó, đây là một trung tâm (tổ) cho phép drone ra vào lấy hàng rồi chuyển tới địa chỉ đã định sẵn. Các tổ này sẽ được bố trí, xây dựng ở nhiều nơi sao cho việc giao nhận hàng thuận tiện nhất và tiết kiệm chi phí. Trước đó, Amazon từng có ý tưởng là các drone sẽ xuất phát từ các xe tải chở hàng của công ty, nhưng sau đó đổi hướng vì sợ ùn tắc giao thông ảnh hưởng đến thời gian giao hàng.
Tuy nhiên, một ý tưởng đột phá của Amazone, cũng đã được nhận bằng sáng chế tại Mỹ, là kết hợp xây dựng các “tổ” cho drone vừa trình bày ở trên với hệ thống nhà kho nằm trên không trung. Theo Telegraph, kế hoạch tương lai của Amazon có tên gọi “trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên không”. Khi người dùng đặt hàng, những chiếc drone có sẵn trên nhà kho sẽ bay xuống mặt đất giao hàng, sau đó trở về trạm để nạp nhiên liệu và giao đơn hàng mới. Nhà kho của Amazon sẽ tọa lạc ở độ cao 45.000 feet (khoảng 13,7km) ở các khu vực thành thị, trên độ cao của máy bay thương mại, và có thể di chuyển xuống độ cao 600m để giao hàng nhanh hơn. Ở độ cao này, nhà kho sẽ cung cấp thực phẩm hoặc thậm chí các bữa ăn được chuẩn bị sẵn, đồng thời có thể làm phương tiện quảng cáo. Những chiếc drone và nhà kho sẽ được kết nối đến các máy chủ trên mặt đất bằng vệ tinh hoặc kết nối không dây khác.
Xem ra, một số điều chỉ có trong phim viễn tưởng trước đây có thể trở thành hiện thực trong hoạt động logistics ở một tương lai không xa.
(Phần 2: Đi lên từ cải tiến)