Phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập (Phần 1)

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 16:28, 23/11/2017

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư, dịch vụ logistics tại Việt Nam (VN) đang có những bước phát triển vượt bậc và tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ngành logistics đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như số lượng không đủ, trình độ chuyên môn thấp… Phát triển nguồn nhân lực ngành logistics VN đang là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

(Vietnam Logistics Review) Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư, dịch vụ logistics tại Việt Nam (VN) đang có những bước phát triển vượt bậc và tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ngành logistics đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như số lượng không đủ, trình độ chuyên môn thấp… Phát triển nguồn nhân lực ngành logistics VN đang là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thực trạng nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam

VN với lợi thế nằm trên trục giao lưu hàng hải quốc tế, do vậy VN có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm logistics của khu vực, thế giới. Tuy nhiên, vấn đề VN đang phải đối mặt đó chính là nguồn nhân lực logistics thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp không cao và đi kèm với đó là các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành này vẫn chưa được chú trọng phát triển. (Hình 1)

Về số lượng: Chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, trường Đại học Kinh tế quốc dân, đa số các DN logistics VN có quy mô nhỏ, số lượng nhân viên ít năng lực hạn chế. Trong khi đó, tiềm năng và nhu cầu đối với thị trường logistics rất lớn, số lượng các DN logistics với quy mô siêu nhỏ mới chỉ đáp ứng được một phần rất khiêm tốn của thị trường.

Theo Cục Hàng hải VN, năm 2014, VN có khoảng 1.200 DN đang hoạt động trong lĩnh vực logistics trong tổng số 300.000 DN cung ứng dịch vụ liên quan tới logistics, trong đó, cũng chỉ có khoảng 6.000 nhân viên chuyên nghiệp trong tổng số gần 1 triệu người hoạt động trong lĩnh vực này. Đa phần các DN đều thuộc nhóm DN vừa và nhỏ, trừ các DN quốc doanh và cổ phần có quy mô tương đối lớn (từ 100 - 300 nhân viên), số còn lại trung bình từ dưới 50 nhân viên, năng lực cạnh tranh và hoạt động còn nhiều hạn chế.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện nguồn nhân lực logistics mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của ngành. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 30% mỗi năm, nhân sự ngành logistics vẫn là bài toán đau đầu của các DN trong ngành.

Ngày 14.02.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics VN đến năm 2025, nhấn mạnh “Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cung cấp dịch vụ logistics. Phát triển các DN cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế”, và nhóm nhiệm vụ chính cần thực hiện là “Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực”.

Về chất lượng: Đang rất cần nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu

Khi đề cập đến nhu cầu đào tạo các khóa ngắn hạn cho nhân viên logistics, các công ty rất chú trọng đến các mảng như chuỗi cung ứng (38,3%), vận tải quốc tế (36,7%), quản lý hệ thống thông tin (35%).

Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, hiện nay tại VN, có đến 53,3% DN được khảo sát là thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ 16,7% các DN hài lòng về trình độ chuyên môn của nhân viên, có tới 30% DN phải đào tạo lại nhân viên sau tuyển dụng.

Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và phát triển của trường Đại học Kinh tế quốc dân, hiện nay có tới 80,26% nhân lực trong các DN logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày; 23,6% lao động tham gia các khóa đào tạo trong nước; 6,9% thuê các chuyên gia nước ngoài đào tạo và tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài là 3,9%. Có đến 80,26% nhân lực ngành logistics được đào tạo chuyên môn không chính thống thông qua việc trực tiếp thực hiện công việc hàng ngày.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực logistics thay vì được đào tạo từ các trường đại học, các học Viện chuyên về logistics, đa phần lại được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau. Nhiều cán bộ quản lý được đào tạo và tái đào tạo và chủ yếu tích lũy kiến thức từ kinh nghiệm kinh doanh từ các chuyên ngành đào tạo khác chuyển sang, do vậy thiếu bài bản và chất lượng, hiệu quả công việc gặp nhiều ảnh hưởng. Đội ngũ nhân viên nghiệp vụ thực hiện trực tiếp các công việc liên quan tới logistics, phần lớn tốt nghiệp đại học với các chuyên ngành ngoài logistics.

Lực lượng lao động trực tiếp như bốc vác, xếp dỡ, lái xe, kiểm đếm hàng kho bãi thì đa số có trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp, thiếu chứng chỉ nghề logistics.

Số lao động ở các lĩnh vực liên quan tới logistics tại VN trong những năm qua đều có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể lĩnh vực vận tải, kho bãi, năm 2010 tổng số lao động là 1.416.700 người, thì đến năm 2016 là 1.684.500 người, điều này thể hiện tiềm năng tăng trưởng của các ngành dịch vụ của VN nói chung và của ngành logistics VN nói riêng. Với tiềm năng tăng trưởng lớn nhưng nguồn lực lao động trong ngành logistics VN còn rất nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng, bên cạnh đó ngành cũng chưa nhận được sự quan tâm mạnh mẽ và có chỉ đạo quyết liệt từ các cấp và các ngành liên quan.

Nguyên nhân

Một trong những nguyên nhân dẫn tới nguồn nhân lực logistics VN vừa thiếu lại vừa yếu là do một thời gian dài chúng ta không quan tâm đến đào tạo đội ngũ lao động có tính đặc thù này, thiếu đi chính sách phát triển nguồn nhân lực logistics, thậm chí không có chức danh cho đội ngũ lao động này, số liệu báo cáo thống kê cũng không có dẫn đến rất nhiều số liệu khác nhau về nguồn nhân lực logistics.

Hiện đã có một số hiệp hội và các nhóm DN, tổ chức đào tạo ngắn hạn theo phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài hay mời các giảng viên tự do nhưng số lượng hạn chế. Mặt khác, nội dung chương trình học này có một số khác biệt giữa châu Âu và VN về giám sát hải quan, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối, cấp độ quản lý an ninh theo ISPS Code. Về giao nhận hàng không, IATA thông VN Airlines đã tổ chức một số lớp học nghiệp vụ và tổ chức thi cấp bằng IATA có giá trị quốc tế.

Dự án phát triển nguồn nhân lực ngành logistics và hàng không quốc tế (International Logistics Aviation Services - ILAS) được triển khai lần đầu tiên tại VN với mục tiêu tìm kiếm và đào tạo nhân lực quản lý ngành dịch vụ logistic và hàng không, do Logistics Knowledge Company phối hợp cùng Work Global thực hiện. Tuy nhiên, các chương trình này vẫn không tiến triển do tính không chính thức, số lượng hạn chế và mang tính nội bộ.

Ngoài ra, các DN logistics VN thiếu chủ động trong quá trình tiếp cận thị trường lao động, thậm chí chưa có kế hoạch tuyển dụng định kỳ và thường chỉ tuyển dụng khi nào cần, yêu cầu công việc chưa rõ và chưa đặt yếu tố chuyên môn lên hàng đầu, chưa có chế độ lương thưởng, đãi ngộ phù hợp. Điều này khiến người lao động không có động lực để trau dồi chuyên môn trình độ và kỹ năng làm việc của bản thân.

Về phía người lao động, do thiếu thông tin về định hướng và phát triển ngành nghề, người lao động ngay từ khi lựa chọn ngành nghề đào tạo không hướng tới một công việc cụ thể nên thường thiếu các kỹ năng cần thiết khi tốt nghiệp. Dẫn tới, người lao động thiếu sự chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và tiếp cận các DN logistics. Thiếu sự gắn kết và chia sẻ kinh nghiệm giữa các sinh viên với những người có kinh nghiệm đang làm việc tại các DN logistics.

Hiện nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics chỉ tập trung ở một số trường đại học như Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân, Đại học Thủ Đô Hà Nội, Trường Đại học GTVT Hà Nội… về vận tải đa phương thức, bảo hiểm trong ngoại thương, giao nhận vận tải biển, quản trị logistics và chuỗi cung ứng… Còn đa phần được đào tạo ngắn hạn ở các trung tâm đào tạo về logistics. Tuy nhiên, do tính chất quy mô nhỏ, nên hàng năm mỗi trung tâm cũng chỉ cung ứng cho thị trường số học viên tốt nghiệp cũng rất hạn chế. Ngoài ra, đối với các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề logistics ở VN hiện nay cũng chưa bài bản và chưa chuyên sâu. Một số trường đại học nếu có chương trình đào tạo về logistics thì đa số chỉ cung cấp các kiến thức cơ bản về nghiệp vụ ngoại thương, giao nhận vận tải, quản trị cung ứng hàng hóa. Ngay cả các chuyên gia được đào tạo hệ thống và chuyên nghiệp trong lĩnh vực này vẫn còn quá ít so với yêu cầu phát triển của ngành.