Logistics cho ngành trái cây xuất khẩu: Nghĩ từ câu chuyện bán cam Kinnow ở Ấn Độ

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:53, 04/01/2018

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Ấn Độ đứng thứ hai về sản xuất rau quả trên thế giới. Tuy nhiên, hiện chỉ có dưới 1% sản lượng rau quả đi qua hệ thống bảo quản lạnh đúng nghĩa. Thực tế cho thấy tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch là 30%, đồng nghĩa với việc lãng phí tài nguyên đất đai, nước, lao động, nông dược, nông cụ… để sản xuất ra sản phẩm không bán được.

(Vietnam Logistics Review) Ấn Độ đứng thứ hai về sản xuất rau quả trên thế giới. Tuy nhiên, hiện chỉ có dưới 1% sản lượng rau quả đi qua hệ thống bảo quản lạnh đúng nghĩa. Thực tế cho thấy tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch là 30%, đồng nghĩa với việc lãng phí tài nguyên đất đai, nước, lao động, nông dược, nông cụ… để sản xuất ra sản phẩm không bán được.

Ông Pankaj Mehta, Giám đốc điều hành hãng máy lạnh Carrier ở Ấn Độ và Đông Nam Á, đã chia sẻ câu chuyện của một hộ nông dân cung cấp cam Kinnow trong gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Từ câu chuyện bán Kinnow ở Ấn Độ

Kinnow là một đặc sản nổi tiếng ở Abohar - phía Bắc Ấn Độ, có khí hậu mát mẻ. Kinnow được thu hoạch vào tháng 12 đến tháng 3 hàng năm và được bán đi khắp cả nước. Từ tháng 3 trở đi, thời tiết nóng và không thể bán Kinnow do trái cây nhanh chóng hư hỏng, tổn thất cao. Cách bảo quản truyền thống Kinnow là xịt một lớp sáp để hạn chế khả năng oxy hóa trái cây cũng chỉ giúp tăng thời gian lên 20 ngày so với 10 ngày để sản phẩm tự nhiên. Trong khi đó, nếu được bảo quản lạnh, Kinnow có thể được giữ đến 70 ngày. Duy trì nhiệt độ ổn định ở 400C - 500C và độ ẩm 85% - 90% là cách tốt nhất để giữ chất lượng trái cây.

Nhận thấy được giá trị của việc bảo quản lạnh, ông Charaya, chủ một trang trại Kinnow lớn đã quyết định đầu tư nhà cấp đông sơ bộ và xe tải lạnh để giữ được giá trị sản phẩm lâu nhất.

Chuỗi cung ứng Kinnow truyền thống

Chuỗi cung ứng Kinnow có bảo quản lạnh

Sau khi triển khai, tỷ lệ tổn thất sản phẩm giảm từ 41% xuống còn 10%, mặt khác, thời gian cung cấp sản phẩm kéo dài đến tận tháng 6, giúp ông Charaya giảm được chi phí tổn thất và tăng thêm doanh thu khi bán sản phẩm ở giai đoạn thị trường có thời tiết nóng, nhu cầu Kinnow tăng cao. Lợi nhuận của việc bán Kinnow sau khi đầu tư hệ thống lạnh tăng gấp 7 lần và đảm bảo tăng trưởng bền vững.

… nghĩ về xuất khẩu trái cây Việt Nam

Việt Nam là quốc gia nhiệt đới giàu tiềm năng về trái cây. Thời gian qua, rất nhiều sự chú ý dành cho ngành rau quả khi giá trị xuất khẩu lần đầu tiên vượt qua dầu thô vào năm 2016 và duy trì “phong độ” tăng trưởng trung bình 30%/năm trong hơn 10 năm. Thậm chí, đã có dự báo năm 2020, giá trị xuất khẩu quả, rau, hoa có thể đạt đến 10 tỷ USD, tức là hơn cả giá trị xuất khẩu dầu thô lúc cao nhất. Trong phiên họp Quốc hội thảo luận vấn đề Kinh tế - Xã hội và ngân sách nhà nước vừa qua, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thiện Nhân đã kiến nghị đưa nhóm hàng quả, rau, hoa thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Để hiện thực hóa được những con số nói trên đòi hỏi sự đồng hành lớn của ngành dịch vụ logistics, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp liên quan đến bảo quản lạnh. Một số vấn đề cần được quan tâm giải quyết bao gồm:

1. Nhà cấp đông sơ bộ ở vùng trồng chuyên canh: Cần xây dựng khu vực sơ chế tập trung có bảo quản lạnh để giữ giá trị sản phẩm ngay từ đầu ở các vùng trồng chuyên canh. Hiện nay chủ yếu các doanh nghiệp sản xuất rau quả ở Đà Lạt có mô hình nhà sơ chế tập trung. Các khu vực vựa trái cây như ĐBSCL, Tây Nguyên, Tây Bắc… chưa phổ biến mô hình này.

2. Vận tải lạnh: vận tải lạnh hiện chủ yếu phục vụ cho ngành thủy hải sản, trái cây hầu hết vận chuyển bằng xe tải mui bạt. Với trái cây, cách làm phổ biến hiện nay là xe chạy ban đêm để giảm tỷ lệ hư hỏng. Tuy nhiên, về lâu dài, việc vận chuyển lạnh là cần thiết để đảm bảo giá trị hàng hóa.

3. Đảm bảo tiêu chuẩn vi sinh: phương pháp phổ biến nhất hiện nay là chiếu xạ để diệt vi sinh trước khi xuất khẩu. Hiện ở phía Nam Việt Nam mới chỉ có nhà máy Chiếu xạ An Phú, Thái Sơn và Sơn Sơn với tổng công suất khoảng 100 -120 ngàn tấn/năm sẽ không đủ công suất đáp ứng khi nhu cầu xuất khẩu trái cây tăng lên. Đây là nút thắt cần được gỡ bỏ, hoặc phải có biện pháp đảm bảo vi sinh khác, hoặc phải tăng công suất/số lượng nhà máy chiếu xạ lên.

4. Kho lạnh: hầu hết kho lạnh tập trung quanh khu vực TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai, rất ít kho lạnh khu vực miền Tây Nam Bộ, miền Bắc. Phần lớn kho lạnh đang trong tình trạng gần đạt công suất và chủ yếu phục vụ nhóm thủy hải sản, thịt đông lạnh do có giá trị cao. Một đặc điểm quan trọng là tính mùa vụ của trái cây sẽ đòi hỏi lượng kho lớn ở một số thời điểm nhất định, nên cần kết hợp uyển chuyển tính mùa vụ của trái cây, thủy hải sản để khai thác được diện tích kho lạnh.

5. Truy xuất nguồn gốc: đây là xu hướng gần như bắt buộc để đáp ứng yêu cầu các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật, EU. Tuy việc truy xuất nguồn gốc chủ yếu phải từ doanh nghiệp chế biến nhưng doanh nghiệp logistics cũng cần đảm bảo hệ thống thông tin để quản lý hàng hóa, vận chuyển, giao hàng chính xác.

Đã có những doanh nghiệp nhanh nhạy nắm bắt cơ hội thị trường, chẳng hạn Tân Cảng Sóng Thần đầu tư hệ thống vận tải lạnh bằng đường sắt phục vụ cho trái thanh long xuất khẩu hồi tháng 10 vừa qua. Sự đồng hành của doanh nghiệp logistics là rất quan trọng để góp phần giảm tổn thất và gia tăng giá trị sản phẩm cho ngành rau quả Việt Nam.