Nghị Định 163/2017/NĐ-CP: Quy định về đầu tư phát triển dịch vụ logistics
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:28, 15/03/2018
Ngày 30.12.2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, có hiệu lực từ ngày 20.02.2018, thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP (NĐ 140) ngày 5.9.2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc và giới hạn trách nhiệm đối với Thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc. Việc ban hành Nghị định này đã bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics như đề ra trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, ban hành theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14.02.2017 (QĐ200) của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một bước tiến mới của Chính phủ trong việc cải cách thể chế liên quan đến ngành dịch vụ logistics khi bước vào năm 2018, trong đó có các quy định cụ thể về đầu tư phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam.
NĐ140 ra đời nhằm thực hiện những cam kết của Việt Nam trong WTO về các dịch vụ logistics có liên quan sau khi Quốc hội có Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29.11.2006 Phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước CHXNCH Việt Nam. Đến nay, sau hơn 10 năm (2007 - 2017), qua các mốc thời gian cam kết 2007 - 2012 (5 năm) và 2014 - 2017 (7 năm và 10 năm), nhiều quy định của các cam kết đó đã hết hiệu lực về thời gian và đi vào thực hiện như đã cam kết. Vì vậy, nhiều quy định trong NĐ140 không còn phù hợp phải thay đổi. Ngoài ra, thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, nhất là việc thực hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới đòi hỏi phải có những quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho ngành dịch vụ logistics nước ta phát triển, đẩy mạnh đầu tư trong nước và hợp tác quốc tế. Nghị định vẫn phải căn cứ vào Luật Thương mại 2005, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật này. Ví dụ: vẫn phải dùng cụm từ “Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics” thay vì DN cung cấp dịch vụ logistics.
Về đầu tư phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam, NĐ163 đã quy định rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong nước và nước ngoài thực hiện. Về đối tượng điều chỉnh Nghị định này áp dụng đối với Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Điều 3 của NĐ163 phân loại “dịch vụ logistics được cung cấp” bao gồm 16 loại hình dịch vụ và mục 17 rất mở là “Các dịch vụ khác do Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật Thương mại”.
Các điều kiện quy định cụ thể về đầu tư nước ngoài trong NĐ163
Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics (Điều 4, khoản 3): ngoài việc “phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó”, “nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới được cung cấp dịch vụ logistics theo các điều kiện” quy định cụ thể trong NĐ163 dưới đây.
Ngoài ra, (Điều 4, khoản 4) còn quy định trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước đó. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và đang thực hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới và có các cam kết trong ASEAN liên quan đến các dịch vụ logistics nên NĐ163 đã đưa ra điều khoản mở này. Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29.11.2006 nêu ở phần đầu, Điều 2 quy định: “Trong trường hợp quy định của pháp luật Việt Nam không phù hợp với quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu kèm theo thì áp dụng quy định Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu kèm theo”.
1. Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa): Được thành lập các công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần góp trong DN, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%. Tổng số thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam (hoặc đăng ký ở Việt Nam) thuộc sở hữu của các công ty này tại Việt Nam không quá 1/3 định biên của tàu. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó nhất định phải là công dân Việt Nam. Công ty vận tải biển nước ngoài được thành lập DN hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn trong doanh nghiệp.
2. Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển (có thể dành riêng một số khu vực để cung cấp các dịch vụ hoặc áp dụng thủ tục cấp phép tại các khu vực này): Được thành lập DN hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong DN, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%. Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
3. Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay: Được thành lập DN hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong DN, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%.
4. Trường hợp kinh doanh dịch vụ thông quan thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, được thành lập DN hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong DN, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước: Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
5. Trường hợp kinh doanh các dịch vụ khác, bao gồm các hoat động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng, dịch vụ nhận và cấp nhận hàng, dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải, được thành lập DN hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong DN, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước.
6. Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt: Được thành lập DN hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong DN, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%.
7. Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ: Được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc được thành lập DN hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong DN, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%, 100% lái xe của DN phải là công dân Việt Nam.
8. Trường hợp kinh doanh dịch vụ hàng không: thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không.
9. Trường hợp kinh doanh dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật: Đối với những dịch vụ được cung cấp để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ được thực hiện dưới hình thức DN trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước sau ba năm hoặc dưới hình thức DN trong đó không hạn chế vốn góp nhà đầu tư nước ngoài sau năm năm, kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ tư nhân được phép kinh doanh các dịch vụ đó. Không được kinh doanh dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải. Việc thực hiện dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật bị hạn chế hoạt động tại các khu vực địa lý được cơ quan thẩm quyền xác định vì lý do an ninh quốc phòng.
NĐ163 còn đưa ra điều kiện mà trước đây NĐ140 chưa có: “Thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử ngoài việc đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ cụ thể quy định tại Điều 3 Nghị định này.
Như vậy, theo quy định của NĐ163 các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư dưới các hình thức hiện diện thương mại: Văn phòng đại diện, hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh, được thành lập DN hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong DN, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%, 50% hoặc 51%, hoặc không hạn chế tùy theo từng loại hình dịch vụ logistics được phép cung cấp.