Ngành ngân hàng Việt Nam: Dấu ấn và những băn khoăn
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:05, 28/02/2018
(Vietnam Logistics Review) Năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm, ngành ngân hàng (NH) đã có nhiều chính sách mang tính đột phá. Cụ thể là nghị quyết 42 của quốc hội mở đường cho dọn dẹp nợ xấu, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, nh ồ ạt lên sàn chứng khoán. Đặc biệt là luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi có hiệu lực thi hành vào năm 2018.
Từ ngày 15.01.2018, nhiều đại gia, tỷ phú Việt sẽ phải lựa chọn tiếp tục làm chủ doanh nghiệp (DN) của mình hoặc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cấp cao tại NH, nhằm hạn chế vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống TCTD hiện nay. Theo đó, việc chưa từng có tiền lệ cho phép thực hiện việc phá sản NH là động lực cho sự phát triển hệ thống NH sau một thời gian dài trì trệ bởi nợ xấu, tái cơ cấu, sở hữu chéo và nhóm lợi ích làm lũng đoạn.
Dấu ấn
Dấu ấn đặc biệt đó là năm 2017, dự trữ ngoại hối của Việt Nam (VN) đã thiết lập kỷ lục mới, đạt đến 52 tỷ USD. Việc dự trữ ngoại hối tăng cao, đã góp phần cho ổn định kinh tế vĩ mô của VN, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Cuối năm 2016, VN đạt mức dự trữ khoảng 41 tỷ USD, nay đã tăng thêm khoảng 11 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng nhà nước (NHNH) phải bơm ra một lượng tiền rất lớn để hấp thụ số ngoại tệ đó. Tuy vậy, đến nay, tỷ giá của đồng VNĐ so với đồng USD cơ bản ổn định so với thời điểm cuối năm 2016.
Năm 2017, bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng thương mại (NHTM) rất sáng sủa với hàng chục cái tên gia nhập câu lạc bộ lãi nghìn tỷ. Đứng đầu là Vietcombank với mức lợi nhuận “khủng” 7.934 tỷ đồng, kế đến là Vietinbank với 7.232 tỷ đồng. Năm nay, BIDV bị bật khỏi top 3, nhường vị trí cho VPBank đến từ khối NH tư nhân với mức lợi nhuận lên tới 5.635 tỷ đồng. BIDV, dù bám theo khá sát cũng chỉ đạt 5.555 tỷ đồng, không cách xa mấy Techcombank với 4.840 tỷ đồng. Ở nhóm dẫn đầu còn có MBB với 4.002 tỷ đồng. Ngoài ra, câu lạc bộ lãi nghìn tỷ nhóm sau có ACB với 2.004 tỷ đồng, HDB lãi 1.912 tỷ, LienVietPosstbank lãi 1.433 tỷ, SHB lãi 1.330 tỷ và Sacombank lãi 1.025 tỷ đồng.
Sở dĩ nhiều NHTM đạt được mức lợi nhuận “đẹp” như thế này là do tín dụng có nhiều khởi sắc. Bởi đây là nguồn sinh lời lớn nhất của các NHTM. Nhờ vậy, nhiều cổ phiếu NH đã tăng giá liên tục, tạo điều kiện cho 5 NHTM đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán – con số cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Đầu tiên là VIB chào sàn UPCoM ngày 9.1.2017, tiếp theo là cổ phiếu KLB của Kienlongbank, VPB của VPBank, LPB của LienVietPostBank và gần đây nhất, ngày 28.12, cổ phiếu BAB của BacABank. Tuy mới lên sàn, nhưng tới ngày 29.12.2017, 5 NHTM này đã giúp thị trường tăng thêm hơn 95.000 tỷ đồng vốn hóa.
Dự kiến sang đầu năm 2018, 3 NHTM nữa sẽ lên sàn gồm HDBank, Techcombank và TPBank. Tuy nhiên, mới đây, Quỹ đầu tư PYN Elite Fund đã ký kết mua gần 5% cổ phần TPBank, với trị giá 40 triệu USD. Việc chào bán cổ phần của HDBank và VPBank cũng được rất nhiều tổ chức quốc tế đặt mua với khối lượng đăng ký cao gấp nhiều lần lượng chào bán. Ngoài ra, nhiều NH nước ngoài, đặc biệt là các NH đến từ Hàn Quốc, ASEAN…, đang tăng cường hiện diện tại Việt Nam. Đây là tín hiệu tốt cho việc đẩy mạnh vốn hóa và cơ cấu, sáp nhập lại các NHTM.
Tái cơ cấu, phòng ngừa rủi ro nợ xấu
34 NHTM hiện nay, được xem là quá nhiều nếu so với các nước trong khu vực ASEAN như: 8 NHTM của Thái Lan, 17 NHTM của Malaysia… Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, có lẽ tới đây xu hướng sáp nhập sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn. Nếu như 10 NHTM tiến hành sáp nhập, hợp nhất trong giai đoạn 2011-2015 phần lớn do bắt buộc bởi hoạt động yếu kém, dẫn tới mất khả năng thanh khoản, thì các thương vụ M&A sắp tới, sẽ mang tính chất tự nguyện.
Năm 2018 sẽ là năm đặc biệt quan trọng với ngành NH, khi triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD. NHNN sẽ chỉ đạo và hỗ trợ tối đa cho các tổ chức tín dụng để đẩy nhanh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 và hướng dẫn triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại các TCTD theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Nhờ tác động Nghị quyết 42, năm 2017, ngành NH đã xử lý được 70.000 tỷ đồng.
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD có hiệu lực từ ngày 15.1.2018, thì Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc NH không được kiêm nhiệm các chức danh tương đương tại các DN khác. Quy định này nhằm minh bạch hóa hoạt động ngân hàng, giảm triệt để tình trạng sở hữu chéo, công ty sân sau, nâng cao quản trị ngân hàng, loại bỏ vấn đề xung đột lợi ích. |
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay, sự cộng sinh, kết nối NH - DN là quan hệ sống còn, không thể tách rời. Bởi có đến 80% thu nhập của NHTM dựa vào cho vay DN, cá nhân. Tuy nhiên, để hai bên gặp nhau, DN cần có phương án kinh doanh khả thi, “sức khỏe” tài chính và tài sản thế chấp.
Vấn đề là các NHTM cần phải xử lý tốt mảng vốn cho DN VN. Vốn cho DN cần phải tách ra hai phần: vốn chủ sở hữu và vốn đi vay. Hiện nay, tuy gọi chung là vốn, nhưng đa phần là nợ, DN huy động dòng tiền để đầu tư chủ yếu qua NHTM. Trong khi đó, việc huy động qua trái phiếu, cổ phiếu rất yếu. Như vậy, nếu xảy ra nợ xấu, thì vấn đề cục máu đông sẽ trở lại, gây tắc nghẽn cho nền kinh tế.
Nhìn lại tăng trưởng tín dụng của ngành NH những tháng cuối năm vừa qua, cho thấy có thể gặp nhiều rủi ro. Bởi Chính phủ mong muốn tăng trưởng tín dụng 21% để đạt mốc chỉ tiêu của Quốc hội tăng trưởng GDP 6,7%. Tuy nhiên, đến hết năm, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng khoảng 18,7% - 19,3% nhưng GDP vẫn đạt 6,81%, cho thấy tăng trưởng tín dụng có đóng góp quan trọng nhưng không phải là nhân tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề là chất lượng của dòng vốn tín dụng như thế nào? Thời gian qua, dòng vốn “chảy” quá nhiều vào chứng khoán và bất động sản vẫn là điều đáng lo ngại. Vốn vào chứng khoán và bất động sản đều có hai mặt. Thực tế là dòng vốn tín dụng vừa qua đã hâm nóng thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu tốt. Chứng khoán cũng là kênh tăng trưởng gián tiếp cho kinh tế. Tuy nhiên, việc khu vực sản xuất ít “hấp thụ” được nguồn vốn lớn nhằm đẩy mạnh sản xuất, đổi mới công nghệ, sẽ làm giảm đi tính cạnh tranh của hàng Việt trong nền kinh tế hội nhập. Đó là chưa nói đến các “cơn sốt” giá ảo bất động sản, chứng khoán đã từng diễn ra trong quá khứ, gây nên bao điều hệ lụy. Mặt khác, giả sử các NH quản lý tốt vốn giải ngân và tỷ lệ nợ xấu của dòng tiền mới “bơm” ra ở mức thấp, ví dụ tối đa 3% tổng vốn vay (như đòi hỏi hiện nay của cơ quan quản lý), thì chỉ riêng số nợ xấu tăng thêm của năm nay sẽ ước chừng 33.000-36.300 tỷ đồng. Trích đủ dự phòng rủi ro cho số này, lợi nhuận các NH sẽ teo tóp, chưa nói đến nợ xấu dồn ứ khoảng 530.000 tỷ đồng toàn hệ thống chưa giải quyết xong.
Hiện nay, nhiều ông chủ NHTM nhưng không thực sự làm NH. Họ chỉ xem NH là vỏ bọc, công cụ huy động vốn để họ chuyển sang kinh doanh các hoạt động kinh tế khác như bất động sản, khách sạn... Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang giảm dần, cùng với sự xâm nhập ngày càng sâu và rộng của các nhà đầu tư nước ngoài khiến cho mọi hoạt động kinh doanh trên thị trường đều đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Do vậy, nhiều NH nhỏ hiện nay đã gần như không còn dư địa để duy trì được đà tăng trưởng trong dài hạn, do phần lớn hoạt động trước đó đều phụ thuộc vào các công ty trong cùng hệ thống.
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD có hiệu lực từ ngày 15.1.2018, thì Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc NH không được kiêm nhiệm các chức danh tương đương tại các DN khác. Quy định này nhằm minh bạch hóa hoạt động ngân hàng, giảm triệt để tình trạng sở hữu chéo, công ty sân sau, nâng cao quản trị ngân hàng, loại bỏ vấn đề xung đột lợi ích.
Sau khi ông Đỗ Minh Phú chọn giữ lại ghế chủ tịch Tiên Phong Bank, rời bỏ cương vị “sếp” tại Tập đoàn DOJI; ông Dương Công Minh, chủ tịch Sacombank, cũng thông báo không còn đồng thời nắm giữ chủ tịch HĐQT các Công ty Him Lam, Công ty Dụng cụ thể thao Bảo Long, Công ty Phát triển Xín Mần và Công ty Chứng khoán Liên Việt; đến lượt bà Thái Hương lựa chọn Bắc Á Bank thay vì Tập đoàn TH… Mới đây, “bầu” Hiển cũng đưa ra quyết định thôi chức Chủ tịch Tập đoàn T&T để giữ lại vị trí Chủ tịch SHB. Dù sao, thì đến ngày 15.1.2018, các ông Vũ Văn Tiền của ABBank, ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch VIB, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch SeABank, bà Lê Thị Băng Tâm của HDBank… phải đưa ra quyết định của mình. Tuy nhiên, đa số các vị “sếp” này chọn NH bởi sở hữu được NH không hề dễ dàng, trong khi họ hoàn toàn có thể gián tiếp điều hành DN thông qua tỷ lệ cổ phần sở hữu, hoặc đứng sau các cá nhân được thuê điều hành.
Đánh giá mới đây của hãng tin Bloomberg về mức độ ổn định tiền tệ của một số đồng tiền thuộc khu vực châu Á, VNĐ được nhận định là đồng tiền thuộc nhóm ổn định nhất ở châu Á. Đánh giá này được đưa ra dựa trên những con số so sánh thuyết phục. Hãng tin Bloomberg đưa ra nhận định này dựa trên phân tích về biến động của VNĐ trong những tháng liên tiếp gần đây. Dự báo, trong năm 2018, sự ổn định của VNĐ sẽ tiếp tục được duy trì nhờ những yếu tố tích cực của nền kinh tế.
Mặt khác, có điều thuận lợi là dòng vốn nước ngoài rút ra khỏi các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan vài năm qua khá mạnh, trong khi tại VN lại không phải chịu hiện tượng rút vốn ồ ạt của nước ngoài. Trái lại, VN lại thu hút được thêm đầu tư nước ngoài, kể cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán. Đây cũng là nhờ vào chính sách tỷ giá hối đoái của VN rất ổn định.
Chính việc lựa chọn phương châm “tăng trưởng bền vững” đã giúp VNĐ luôn giữ được ổn định, ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế có nhiều khó khăn. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặt hái những thành quả trong tương lai.