Vinalines kỳ vọng đơn thuốc tái cơ cấu

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 277/TB - VPCP sẽ là kim chỉ nam để Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) định vị lại hướng đi cho đội tàu biển treo cờ quốc gia

Đây là đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines về kết luận của Thủ tướng Chính phủ liên quan tới tình hình tài chính và Đề án Tái cơ cấu của Vinalines.

Theo ông Huệ, hiện nhiệm vụ cấp bách đối Vinalines là phải cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 277/TB – VPCP, với trọng tâm là gom lại nguồn lực đang bị phân tán, dồn cho những lĩnh vực cốt lõi, liên quan trực tiếp tới lĩnh vực vận tải biển.

Cần phải nói thêm rằng, Đề án Tái cơ cấu tổng thể đã được đơn vị này khởi động từ tháng 10/2011 - thời điểm mà lần đầu tiên trong vòng 15 năm hoạt động, Vinalines phải công bố số lỗ kỷ lục, lên tới 613 tỷ đồng.

Được biết, theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, Vinalines sẽ tập trung vào 3 nhóm kinh doanh chính là: vận tải biển, cảng biển và dịch vụ.

Về cảng biển, Tổng công ty cần nghiên cứu khả năng cơ cấu lại phần vốn góp tại các liên doanh đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển; phân tích rõ tính pháp lý và hiệu quả của phương án thoái vốn. Thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp cảng biển, tập trung đầu tư xây dựng, khai thác cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện) và cảng Cái Mép, Thị Vải.

Bên cạnh đó, Vinalines phải rà soát từng khâu quản lý để cắt giảm chi phí, đảm bảo khai thác cảng biển có hiệu quả. Về tàu biển, phải đẩy mạnh việc cơ cấu lại đội tàu phù hợp với nhu cầu thị trường; có phương án bán những tàu cũ khai thác không hiệu quả để giảm lỗ; cổ phần hóa các công ty vận tải biển khi đủ điều kiện; nâng cao hiệu quả khai thác đội tàu. Về dịch vụ, thực hiện rút vốn từ các khối kinh doanh ngoài ngành; tái cơ cấu về quy mô hoạt động dịch vụ hàng hải, đặc biệt là lĩnh vực logistic, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Theo ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, “đơn thuốc” mà Chính phủ vừa “kê” này là rất phù hợp với “bệnh tình” của Vinalines.

Được biết, với việc đầu tư góp vốn vào 53 công ty con, công ty liên kết với giá trị đầu tư 3.460 tỷ đồng, Vinalines đang dẫn đầu khối doanh nghiệp nhà nước ngành giao thông - vận tải về số đầu mối và lượng vốn đầu tư ra ngoài công ty mẹ.

Ngoài 3.100 tỷ đồng đầu tư vào các doanh nghiệp vận tải biển, hạ tầng cảng biển dịch vụ hàng hải, sửa chữa tàu biển, Vinalines còn đầu tư 370 tỷ đồng vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng và bất động sản. Cụ thể, Vinalines đang có cổ phần tại Công ty Chứng khoán Thủ đô, Công ty Bất động sản Vinalines, Công ty Bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc và Ngân hàng Hàng hải Việt Nam. Theo báo cáo của Vinalines, cổ tức mà các đơn vị này chuyển về Tổng công ty trong hai năm gần đây vào khoảng 240 tỷ đồng (8%/năm).

Không chỉ kém hiệu quả khi đầu tư ra ngoài ngành, gánh nặng còn xuất hiện ngay trong ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị này là vận tải biển và đầu tư hạ tầng cảng biển.

Chỉ tính từ năm 2007 tới nay, Vinalines đã đầu tư tới 81 tàu, với vốn 1.649 triệu USD và 4.756 tỷ đồng. Do hầu hết các khoản đầu tư tàu đều thực hiện bằng nguồn vốn vay ngoại tệ, nên áp lực trả nợ gốc và lãi vay của đội tàu Vinalines rất lớn. Tính đến hết tháng 12/2011, tỷ suất nợ trên vốn chủ sở hữu của Vinalines lên tới 4,58 lần (9.411/43.135 tỷ đồng), vượt xa quy định của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, trái ngược với kỳ vọng, các khoản đầu tư vào 3 liên doanh cảng nước sâu tại Bà Rịa – Vũng Tàu do Vinalines nắm 51% vốn điều lệ cũng đã khiến đơn vị này phải chịu khoản thua lỗ lên tới 460 tỷ đồng.

“Nếu thực hiện rốt ráo việc tái cơ cấu đội tàu, nghiêm khắc xem lại cung cách đầu tư, Vinalines vẫn có khả năng phục hồi trong vòng 2 – 3 năm tới, khi thị trường vận tải biển quốc tế ấm dần”, ông Quỳnh đánh giá.

baodautu.vn