Năm 2025, giảm chi phí logistics xuống khoảng 16%/GDP
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 16:56, 20/03/2018
(Vietnam Logistics Review)Sáng 20.3.2018, hội thảo “Phát triển ngành dịch vụ logistics tại TP.HCM” đã mở đầu cho chuỗi kế hoạch hành động năm 2018 của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tiến tới kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hiệp hội (18.11.1993-18.11.2018).
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội VLA phát biểu tại Hội thảo
Chủ trì hội thảo là ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch VLA cùng với đại diện Bộ Công Thương – Phó Cục Trưởng Cục XNK Trần Thanh Hải. Ngoài ra, tham dự hội thảo còn có Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Phương Đông và nhiều đại diện lãnh đạo của nhiều cơ quan quản lý nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều Hội viên của Hiệp hội, Hiệp hội bạn…
Theo đánh giá chung hiện trạng của ngành logistics Việt Nam, ông Nguyễn Duy Minh – Tổng thư ký VLA đã giới thiệu về chuỗi giá trị ngành logistics Việt Nam được tính qua các hạng mục như: kho bãi, giao nhận hàng hóa, vận tải nội địa, cảng biển, cảng hàng không, và vận tải quốc tế. Qua đó đánh giá tốc độ phát triển và xếp hạng LPI của ngành dịch vụ logistics Việt Nam thì hiện nay ngành dịch vụ Logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15-16%/năm. Theo chỉ số hoạt động LPI của Ngân hàng thế giới 2014, xếp hạng 53 và 2016 xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Lãnh đạo BCH VLA và các chuyên gia thảo luận các vấn đề của ngành logistics
Theo QĐ200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/2/2017 đề ra mục tiêu đến 2025: “Tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%”. “Xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.
Hội thảo cũng đưa ra những mắc xích quan trọng làm chi phí logistics tăng cao hơn các nước trong khu vực (Thái Lan 19%, Trung Quốc 18%, Malaysia 13%...), sự liên đới giữa chi phí vận tải đường bộ, các phụ phí tại cảng, các hạn chế về kết cấu hạ tầng, kiểm tra chuyên ngành và các phụ phí khác đã làm chi phí logsitics của Việt Nam tăng cao. Ngoài ra, điểm mấu chốt mà ông Nguyễn Duy Minh – Tổng thư ký VLA đưa ra chính là do hàng hóa được vận chuyển một chiều, nếu các doanh nghiệp giải được bài toán “công rỗng quay đầu” thì chắc chắn chi phí sẽ được giảm đi rất nhiều.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước
Với tầm quan trọng của ngành logistics đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia thì nền tảng này hiện đang được nhà nước quan tâm một cách đặc biệt. Song, để gỡ các nút thắt, phải đi từ cơ quan quản lý nhà nước. Để thực hiện QĐ200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, VLA đã có kế hoạch hành động ngay từ ngày 2/4/2017, Hiệp hội VLA đã tổ chức buổi lễ phát động thực hiện QĐ200 trong toàn thể hội viên và ngày 15/9/2017 đã gửi Bộ Công thương Kế hoạch hành động cụ thể của Hiệp hội.
Trong đó, hội thảo chuyên đề sáng 20.3.2018 đã tập trung giới thiệu đề án phát triển logistics tại TP.HCM, là bước khởi đầu cho việc quy hoạch lại trung tâm logistics lớn nhất nước.
Trong buổi thảo luận, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Tổng GĐ công ty Gemadept đã đưa ra ý kiến cần phải định hướng phát triển logistics tại TP.HCM dựa trên liên kết vùng, để TP.HCM trở thành một trung tâm thu hút hàng XNK từ các vùng lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, khu vực tây Nam Bộ, và rộng hơn là Cambodia, với các hình thức kết nối bằng đường bộ, thủy nội địa…
Ông Lê Duy Hiệp, chủ tịch VLA trả lời các vấn đề báo chí quan tâm
Đề án nêu rõ mục đích hướng tới mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng logistics góp phần kéo giảm chi phí logistics xuống khoảng 16%/GDP vào năm 2025. Để làm được điều đó, cần sự liên kết chặt chẽ của phía nhà nước, phối hợp với cộng đồng Doanh nghiệp và các chuyên gia nghiên cứu và thực hiện đề án trên.