Trái cây Việt Nam trong chuỗi giá trị logistics
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:21, 19/03/2018
(Vietnam Logistics Review) Trái cây Việt Nam hiện đã đáp ứng được các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm và chỉ tiêu chất lượng của các nước nhập khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Vấn đề đặt ra là làm sao để trái cây Việt Nam (VN) ngày càng mở rộng và có vị trí vững vàng trên thị trường tiêu dùng thế giới.
Bảo vệ “sân nhà”, tiến ra “sân người”
Mặc dù những loại trái cây nhập khẩu có giá khá đắt đỏ nhưng với hình thức, màu sắc hấp dẫn, nhiều người tiêu dùng vẫn chọn lựa để bày mâm ngũ quả hoặc làm quà biếu, tặng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Thị trường hoa quả nhập khẩu chào năm mới 2018 khởi động từ khá sớm và rất sôi động trong những ngày Tết với các loại trái cây có nguồn gốc từ Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand…
Theo Tổ chức Lương nông của Liên Hiệp Quốc, nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi trên thế giới tăng bình quân 3,6%/năm, nhưng mức cung chỉ mới đạt 2,8%. Đây là thị trường nhiều tiềm năng cho các nước có thế mạnh nông nghiệp. Nước ta nằm trong số những quốc gia có thể hưởng lợi từ xuất khẩu trái cây, nhất là với các Hiệp định thương mại được ký kết gần đây. |
Điều này cho thấy 02 vấn đề: Thu nhập của một bộ phận người VN đã được nâng cao, số người đã và đang giàu tăng lên; Chất lượng cuộc sống ngày càng được quan tâm, đặc biệt người tiêu dùng trong nước ưa chuộng các loại trái cây, rau củ ngon, chất lượng, lạ, an toàn thực phẩm.
Việc nhập khẩu các loại trái cây từ các nước đang tăng không phải là trở ngại lớn cho ngành rau củ quả trong nước mà đây chính là động lực giúp cho người sản xuất, các doanh nghiệp cải thiện quy trình sản xuất tốt hơn trước đây, tuân thủ tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm chặt chẽ hơn để làm ra sản phẩm chất lượng tốt, đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm từ nước ngoài ngay trên sân nhà. Có như vậy, người tiêu dùng trong nước mới được đối xử công bằng với người tiêu dùng thế giới.
Việc trái cây ngoại đang tiến vào thị trường VN là điều không thể tránh khỏi. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hàng ngoại vào thị trường VN là xu thế tất yếu của hội nhập, giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn trong chi tiêu của mình. Đồng thời cũng giúp các nhà sản xuất nhận ra xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Đây chính là câu chuyện gợi mở cho những nhà quản trị đất nước, trước hết là những người có trách nhiệm với nền nông nghiệp Việt Nam, từ góc độ vĩ mô. Với tỷ lệ nhập khẩu rau củ, trái cây từ các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan,… như vừa qua, cho thấy trái cây ngoại đang xâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Tất nhiên hiện nay, với các mặt hàng trái cây nhập khẩu, chỉ phân khúc thị trường tiêu dùng khá, thu nhập cao mới ưu tiên chọn lựa vì họ không phải tính toán nhiều trong chi tiêu.
Có thể thấy, trái cây nhập khẩu về VN đang tăng dần so với những năm trước đây, nhưng không và sẽ không đủ sức để đánh bật thị hiếu tiêu dùng trong nước, mà chỉ là chất xúc tác để thúc đẩy ngành rau củ, trái cây trong nước phát triển, khi chất lượng trái cây trong nước vẫn đảm bảo và được nhiều hệ thống bán lẻ lựa chọn để phân phối.
Chúng ta thực sự mừng khi xuất khẩu trái cây của Việt Nam những năm qua tạo được những dấu ấn mạnh mẽ, năm 2016 đạt 2,458 tỷ USD, tăng bình quân 1,25 lần/năm trong giai đoạn 2003 - 2016. Giá trị xuất khẩu rau quả trong năm 2017 đạt khoảng 3,16 tỷ USD tăng 43% so với năm 2016. Như vậy, có thể chứng minh rằng, trái cây VN vẫn đạt chất lượng cao để xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thế giới. Theo đánh giá của Hiệp hội rau quả Việt Nam, trái cây VN hiện đã đáp ứng được các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm và chỉ tiêu chất lượng của các nước nhập khẩu khó tính. Hiện nay, rau quả của VN đã có mặt trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhiều thị trường khó tính trong tiêu thụ các mặt hàng trái cây đã đồng ý nhập khẩu nhiều loại mặt hàng trái cây chủ lực của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand. Đặc biệt, việc xuất khẩu lô vú sữa VN đầu tiên sang thị trường Mỹ vào cuối năm vừa qua đã chứng minh rằng, người sản xuất trái cây trong nước đã hiểu và dần đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng nước ngoài.
Những Cơ Hội Phát Triển
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng bình quân trên 20%/năm, phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt trên 4,5 tỷ USD (tăng hơn 80% so với năm 2016), trong đó sản phẩm quả chiếm hơn 3,6 tỷ USD (> 80%). Dự kiến năm 2030, xuất khẩu rau quả đạt trên 7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu quả các loại trên 6 tỷ USD, giữ vững cán cân thương mại giữa xuất và nhập hơn 1,5 tỷ USD. Những con số dự kiến này hoàn toàn có cơ sở.
Theo Tổ chức Lương nông của Liên Hiệp Quốc, nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi trên thế giới tăng bình quân 3,6%/năm, nhưng mức cung chỉ mới đạt 2,8%. Đây là một thị trường nhiều tiềm năng cho các nước có thế mạnh nông nghiệp. Nước ta nằm trong số những quốc gia có thể hưởng lợi từ xuất khẩu trái cây, nhất là với các hiệp định thương mại được ký kết gần đây cũng như trong tương lai.
Nhiều người lạc quan nhận định rằng, trái cây sẽ không mấy chốc qua mặt lúa gạo. Nếu tổ chức sản xuất tốt, thị trường tiếp cận tốt thì thời gian sẽ ngắn hơn. Nếu truy xuất được nguồn gốc, trái cây của VN không chỉ dừng lại ở 40 nước. Không thể không lạc quan, bởi là một nước nhiệt đới, đặc biệt là ở khu vực miền Tây Nam bộ, vùng đất trù phú với những vườn cây ăn trái quanh năm, VN sở hữu nhiều loại hoa quả mà ít nước có được.
Chỉ riêng tỉnh Tiền Giang, giá trị cây ăn quả tăng liên tục 6 năm qua. Diện tích cây sầu riêng hiện tại trên 9.000 ha. Hiện nay, tỉnh này đang quan tâm đến cơ chế hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Bên cạnh đó, mong muốn được hỗ trợ các dự án đê bao cho 1.000 ha cây ăn trái ở huyện Cái Bè. Phải nói rằng, ĐBSCL vẫn là vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực, chiếm 38% diện tích của cả nước. Trong nhóm 10 loại cây ăn quả chủ lực gồm: thanh long, sầu riêng, chuối, dứa, xoài, cam, bưởi, vải, nhãn, chôm chôm, thì cây thanh long có diện tích (tăng 23,9%) và sản lượng (17,3%). Kế đến là sầu riêng với 17,6% tăng trưởng về diện tích và 44,2% về sản lượng, có nhiều tiềm năng và phát triển mạnh nhất.
Điều đặc biệt quan trọng để ngành rau củ, trái cây trong nước đủ sức cạnh tranh và có động lực thúc đẩy phát triển, chính là người nông dân đã và đang tham gia sản xuất với tinh thần học hỏi, cầu tiến, biết tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng để tạo ra sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn, không để xảy ra phải “giải cứu”, “hỗ trợ tiêu thụ” khi hàng hóa sẵn có mà không ai mua.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu trái cây nói riêng, rau củ quả nói chung, Nhà nước cần tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp hợp tác với nhóm sản xuất (doanh nghiệp sẽ là chủ lực trong liên kết), có cơ chế phù hợp để mang lại lợi ích cao nhất cho người sản xuất. Tức là đặt trái cây Việt trong chuỗi giá trị logistics... để trái cây đến với người tiêu dùng. Hiện nay, Úc là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất thế giới. Mở cửa được thị trường Úc là một phép thử quan trọng cho trái cây xuất khẩu VN. Thị trường Mỹ ngoài các quy định về an toàn thực phẩm còn chịu sự cạnh tranh của nhiều nước Caribe có cùng chủng loại trái cây vùng nhiệt đới như chúng ta.
Các doanh nghiệp đều biết rằng, trái nhãn xuất khẩu vào thị trường Mỹ bắt buộc phải sản xuất theo đúng quy trình hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn của nước này. Đó là chưa kể phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của hệ thống kiểm soát Mỹ như xử lý chiếu xạ, phải có chứng nhận an toàn của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam. Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ đã từng chỉ rõ 18 loài côn trùng có nguy cơ xâm nhập vào Mỹ trong các lô hàng xoài tươi xuất khẩu từ Việt Nam.
Nhiều vấn đề đang đặt ra để hy vọng trở thành hiện thực. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là quản lý chất lượng cây giống. Các rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu, tổ chức thị trường như thế nào cũng còn nhiều thách thức.