Thời đại kỹ thuật số: chuỗi cung ứng ngày càng thông minh
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:07, 02/04/2018
(Vietnam Logistics Review) Nhà sản xuất nào biết đẩy nhanh việc áp dụng ứng dụng số để tạo ra giá trị kinh doanh sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực của mình.
Theo bà Kimberly Knickle (phó chủ tịch nghiên cứu Các chiến lược và ưu tiên Công nghệ thông tin tại Công ty phân tích IDC Manufacturing Insights), các nhà sản xuất trên mọi quy mô đang thay đổi nhanh chóng theo công nghệ kỹ thuật số mới, đối thủ cạnh tranh mới, hệ sinh thái mới, và cách thức kinh doanh mới. Nhà sản xuất nào biết đẩy nhanh việc áp dụng ứng dụng số để tạo ra giá trị kinh doanh sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực của mình.
Các công nghệ có ảnh hưởng lớn gồm điện toán đám mây, công nghệ di động, dữ liệu/ phân tích dữ liệu lớn và mạng lưới vạn vật kết nối (IoT). Các nhà sản xuất cũng kỳ vọng vào giá trị kinh doanh của các công nghệ đang trong giai đoạn đầu áp dụng như robot, máy tính tri nhận/trí tuệ nhân tạo (AI), in ba chiều, thực tế tăng cường / thực tế ảo (AR /VR) và chuỗi khối (blockchain).
IDC đã khảo sát sản xuất toàn cầu để biên soạn một báo cáo về các xu hướng sắp tới trong chuỗi cung ứng (CCU) sản xuất. Trong quá trình biên soạn, công ty xem xét hệ sinh thái và kinh nghiệm, trí tuệ lớn trong tài sản và quy trình vận hành, vốn hóa số liệu, sự hội tụ của quy trình và công nghệ thông tin. Hầu hết dự đoán liên quan đến sự thay đổi liên tục và chuyển đổi kỹ thuật số trong một hệ sinh thái lớn hơn của ngành sản xuất và nền kinh tế toàn cầu. Dưới đây là một số dự đoán từ bản báo cáo dành cho chuỗi cung ứng.
Đến năm 2020, 60% các nhà sản xuất hàng đầu sẽ dựa vào các nền tảng kỹ thuật số để tăng cường đầu tư vào các hệ sinh thái và kinh nghiệm, hỗ trợ tới 30% tổng doanh thu
Các nhà sản xuất đang tìm kiếm các nền tảng số cho quá trình điều phối và hợp tác, tập hợp các thành phần công nghệ thiết yếu cho lợi ích của các hệ sinh thái đám mây, bao gồm nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và đối tác. Nền tảng này tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và quy trình, đơn giản hóa kết nối, đảm bảo an ninh và các tương tác kinh doanh tin cậy. Nền tảng được củng cố bởi kiến trúc mở, truy cập mở và trong nhiều trường hợp, bởi một thị trường mở hỗ trợ các dòng thông tin tạo ra tiền và các cơ hội tăng lợi nhuận. Kết quả là các nền tảng số cho phép nhà sản xuất áp dụng ứng dụng mới nhanh chóng và liền mạch, hỗ trợ các hoạt động tạo doanh thu trong hệ sinh thái. Mặc dù các nền tảng số hỗ trợ các luồng doanh thu truyền thống trực tuyến, nhiều cơ hội mới cũng sẽ xuất hiện nhờ vào hiệu ứng hệ sinh thái.
Vào năm 2021, 20% các nhà sản xuất hàng đầu sẽ dựa vào một hệ thống trí tuệ tích hợp vững chắc, sử dụng mạng lưới iot, chuỗi khối và các hệ thống tri nhận để tự động hóa quy trình quy mô lớn và tăng tốc độ thực hiện lên đến 25%
Hầu hết các nhà sản xuất sẽ tìm các ứng dụng doanh nghiệp chính làm phương tiện tự động hóa và tăng tốc độ sản xuất sử dụng trí tuệ tích hợp. Nhiều doanh nghiệp sử dụng hệ thống ERP thông minh, tích hợp IoT cho đầu vào dữ liệu quan trọng, khả năng tri nhận để tăng cường phân tích, chuỗi khối để duy trì tính toàn vẹn dữ liệu và quy trình ra quyết định. Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp, nơi các hệ thống ghi chép đang được thay thế bởi các hệ thống thông minh, giữ được các tính năng cốt lõi của hệ thống cũ đồng thời tích hợp thêm công nghệ và khả năng mới.
Các hệ thống này thúc đẩy công nghệ đám mây, học máy và phân tích để quản lý dữ liệu từ các nguồn mới và hiện tại. Một số kết quả là:
• IoT: Dữ liệu thực tế về hiệu suất sản phẩm có thể kích hoạt các hoạt động bảo trì và tăng sự hài lòng của khách hàng, theo dõi hàng tồn kho giúp CCU chính xác hơn, giảm giao hàng trễ do thông tin không chính xác.
• Khả năng tri nhận: Phân tích nâng cao bổ sung cho phân tích hiện tại, tập trung nhiều hơn vào xác định kiểu hình và điều kiện tiên quyết cho quy trình, chẳng hạn như bảo trì phòng ngừa và thiện cảm khách hàng đối với bán hàng trực tiếp, xác định sở thích của khách hàng để cải tiến sản phẩm hiệu quả hơn.
• Blockchain: Dữ liệu để đảm bảo tính xác thực và chất lượng của hàng hóa quá cảnh, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ; đẩy nhanh xử lý từ đơn hàng thành tiền và quá trình truy xuất dữ liệu và hợp đồng.
Vào năm 2019, 50% các nhà sản xuất sẽ hợp tác trực tiếp với khách hàng và người tiêu dùng để thiết kế, cải tiến sản phẩm thông qua crowdsourcing đám mây, thực tế ảo và ảo hóa sản phẩm, cải thiện đến 25% độ thành công sản phẩm
Tỷ lệ thất bại sản phẩm trong ngành cao, trong một số trường hợp, lên đến 80%, phần lớn là do các nhà sản xuất không thường dành thời gian tìm hiểu nhu cầu khách hàng trước khi cải tiến. Đây là bài học kinh nghiệm trong ngành hàng tiêu dùng vài thập kỷ trước trong thị trường cạnh tranh cao với danh mục sản phẩm đa dạng. Những đặc tính này cũng dần đi vào các ngành công nghiệp khác vốn có vòng đời sản phẩm dài, như ô tô, thiết bị nặng và máy móc công nghiệp. Với sự phát triển của các nền tảng dựa trên đám mây, sự tích hợp các ứng dụng giống mạng xã hội trong hệ thống cải tiến, và việc sử dụng rộng rãi mô hình sản phẩm ảo, các công cụ này giúp các nhà sản xuất trong tất cả các ngành hiện đại hóa cách tiếp cận ý tưởng, đổi mới và phát triển sản phẩm.
Theo khảo sát Cải tiến sản phẩm và dịch vụ 2017 của IDC Manufacturing Insights, cải thiện tỷ lệ thành công đổi mới sản phẩm (31%), cảm nhận và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng (27%), và phát triển dịch vụ liên quan đến sản phẩm (30%) là các vấn đề trọng tâm của các nhà sản xuất. 39% các nhà sản xuất mong áp dụng phân tích để cải thiện tư duy và quản lý đổi mới (ý tưởng, chi phí, mô hình sản phẩm, quản lý danh mục sản phẩm). Quá trình này không chỉ gói gọn trong nhóm tiếp thị và thiết kế, mà còn mở rộng trong nội bộ và ra bên ngoài (bao gồm các nhà cung cấp/ đối tác cấp một, và tối thiểu một nhóm khách hàng chiến lược).