Kinh tế số: Tiềm năng lớn cho ngành bán lẻ trực tuyến
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 13:43, 26/04/2018
(Vietnam Logistics Review) Ngày nay, khách hàng đang trở thành trung tâm của nền kinh tế số, cùng với xu hướng cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0), kinh tế số đã tác động đến chuỗi cung ứng truyền thống. Với sự hỗ trợ từ sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin, ngành bán lẻ được hưởng lợi nhiều, báo hiệu sẽ tăng trưởng ngoạn mục.
Xu hướng số hóa
Theo Cục An ninh mạng, Bộ Công an, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới với 58 triệu người dùng, đứng đầu Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia, xếp thứ 8 khu vực châu Á, thứ 30 thế giới về địa chỉ IPv4, có hơn 50% dân số Việt Nam đã tiếp cận với internet. Hiện nay, trung bình một người Việt Nam sở hữu 1,3 chiếc điện thoại, trong đó 70% là smartphone sẽ là động lực chính để ngành bán lẻ trực tuyến tăng doanh thu.
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, tăng trưởng thương mại điện tử luôn được xếp hạng tăng trưởng nhanh trên thế giới. Việt Nam luôn duy trì ở mức trên 20%, năm 2017 là 25%. Mục tiêu năm 2020 doanh thu giao dịch của thương mại điện tử là 10 tỷ USD chiếm tỷ trọng 50% tổng mức bán lẻ trong cả nước. Cùng với xu hướng hiện đại của hệ thống mạng vật lý, mạng internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây trong cuộc CMCN 4.0, dự kiến sẽ chứng kiến ngành bán lẻ tăng trưởng mạnh, đáp ứng kỳ vọng của người dùng.
Khách hàng là trung tâm
Cũng theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam đạt trên 70%, thậm chí ở các vùng nông thôn cũng đã đạt tới trên 50%. Ngày nay, những sản phẩm được mua nhiều chủ yếu là quần áo thời trang, sách báo, vé máy bay, đồ điện tử, điện thoại và đồ gia dụng. Nhưng tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử rất hứa hẹn ở các ngành hàng chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, sữa, sản phẩm của em bé.
Hiện nay, trung bình một người Việt Nam sở hữu 1,3 chiếc điện thoại, trong đó 70% là smartphone sẽ là động lực chính để ngành bán lẻ trực tuyến tăng doanh thu. |
Ngày nay, thanh toán trực tuyến, trả tiền khi giao hàng là những hoạt động quan trọng của thương mại điện tử. Phương thức thanh toán đã và đang tiếp tục chuyển dịch dần về thanh toán trực tuyến. Sắp tới sẽ có nhiều ngân hàng và nhiều doanh nghiệp kết hợp với các nhà bán lẻ để tạo ra phương thức thuận tiện, linh hoạt hơn cho người tiêu dùng khi thanh toán.
Như vậy, khách hàng đang ngày càng trở thành trung tâm của nền kinh tế số, tất cả đều nhằm làm thế nào cải thiện cách thức phục vụ khách hàng, trong đó chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng.
Tiềm năng lớn cho ngành thương mại điện tử
Nielsen Việt Nam thống kê, tại các đô thị lớn, tỷ lệ dân số có sử dụng điện thoại lên đến 95%, trong đó, 78% là sử dụng smartphone. Cũng trong một số liệu đo lường sức mua, giá trị mua sắm của các ngành hàng tiêu dùng nhanh thì thị trường Hà Nội và TP. HCM chiếm 72%. Số liệu thống kê giá trị Ngày mua sắm trực tuyến 2016 cho thấy tỷ trọng giá trị mua sắm trong một ngày của TP. HCM là 37%, Hà Nội 35% và các tỉnh, thành khác 28%. Trong khi đó, thống kê của Tổ chức Quốc tế người tiêu dùng (CI), hiện nay có hơn 3 tỷ người, tương đương 40% dân số thế giới đang mua sắm trực tuyến. Có thể nói, tiềm năng các thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ mà các nhà bán lẻ lớn thế giới đang tìm hiểu để phát triển thị phần của mình tại Việt Nam.
Trong kỷ nguyên số, người tiêu dùng kết nối là mối quan tâm hàng đầu của sự phát triển. Họ là những người trẻ thành thị ưa thích những trải nghiệm mới và sẵn sàng chi tiêu. Hiện một nửa dân số Việt Nam sử dụng internet và đang nằm trong top dẫn đầu về thời gian trực tuyến tại Đông Nam Á. Theo báo cáo Hành vi người dùng điện thoại thông minh 2017, người tiêu dùng Việt Nam được cho là yêu thích công nghệ cao. Trong đó, người tiêu dùng thành thị truy cập mạng 24,7 giờ/tuần, chỉ thấp hơn Singapore một ít. Ngày nay, người tiêu dùng ngày càng có nhiều cách kết nối hơn và họ dành nhiều thời gian trên mạng hơn. Trung bình một tuần, mỗi người bỏ ra gần 25 giờ để lên mạng, tức hơn 3 giờ mỗi ngày. Gần một phần ba người sử dụng internet đã bắt đầu mua sắm online với chi tiêu trung bình theo đầu người là 160 USD mỗi năm.
Xu hướng gia tăng kết nối trong thế giới số, gia tăng đô thị hóa, người tiêu dùng kết nối, những đột phá về thanh toán điện tử, cải tiến mô hình kinh doanh và xu hướng chuyển dịch sang chuỗi cung ứng thông minh đang tác động tích cực đến ngành bán lẻ trực tuyến.