Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công: Để giảm chi phí logistics, có nhiều việc cần làm & cần có thời gian...

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:50, 08/05/2018

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Xoay quanh các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông được thảo luận tại Hội nghị toàn quốc về logistics vừa qua, Tạp chí Vietnam Logistics Review đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công về các vấn đề đặt ra hiện nay trong lĩnh vực logistics Việt Nam (VN).

(Vietnam Logistics Review) Xoay quanh các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông được thảo luận tại Hội nghị toàn quốc về logistics vừa qua, Tạp chí Vietnam Logistics Review đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công về các vấn đề đặt ra hiện nay trong lĩnh vực logistics Việt Nam (VN).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công


Hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông nói lên hai nội dung quan hệ biện chứng giữa giảm chi phí và kết nối. Xin Thứ trưởng cho biết, thực trạng logistics VN và những hạn chế của hạ tầng giao thông, yếu kém về tính kết nối trong hoạt động giao thông hiện nay?


Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Theo nghiên cứu, đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) năm 2016 của VN đứng thứ 64/160 nước; chi phí logistics của VN tương đương 20,9% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP). Đây là con số ở mức trung bình so với các nước đang phát triển có mức GDP tương ứng, nhưng cao đối với các nước phát triển. Tỷ lệ này tại một số nước như sau: Trung Quốc khoảng 19%, Thái Lan khoảng 18%, Nhật khoảng 11%, các nước thuộc khối EU khoảng 10%.

Trong thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác bước đầu đã phát huy hiệu quả. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố báo cáo về Chỉ số cạnh tranh của cơ sở hạ tầng giao thông giai đoạn 2015 - 2016 thực hiện tại 140 nước cho thấy: Chỉ số cạnh tranh của cơ sở hạ tầng giao thông VN giai đoạn 2015 - 2016 tăng 9 bậc, đứng ở vị trí 67 so với vị trí thứ 76 giai đoạn 2014 - 2015 và tăng 29 bậc so với vị trí 96 giai đoạn 2010 - 2011. Nhìn chung, sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian gần đây đã bước đầu đáp ứng yêu cầu vận tải để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, tiến dần đến hội nhập kinh tế quốc tế.

Phải thẳng thắn nhìn nhận hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta còn chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế, đặc biệt là kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, các vùng nguyên liệu, vật liệu với cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt. Cơ sở hạ tầng hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu, manh mún, thiếu tính kết nối đặc biệt là việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức, đây là rào cản lớn, điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm.

Hiện nay, hạ tầng vận tải đường bộ mặc dù đã được đầu tư nhưng còn chậm và chưa theo kịp tốc độ phát triển lưu lượng vận tải; kết nối với các hạ tầng giao thông khác chưa tốt.

Để giảm chi phí trong vận tải, chúng ta cần có nguồn lực lớn đầu tư hệ thống giao thông kết nối đồng bộ… và cần có thời gian. Trong đó, cải cách thể chế chính sách (cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành…), nâng cao chất lượng thực thi công vụ chúng ta có thể làm được ngay.

Hạn chế lớn của hạ tầng đường sắt là công nghệ lạc hậu, thiếu an toàn do sử dụng khổ đường sắt hẹp. Hạ tầng không đồng bộ và không kết nối với hệ thống cảng biển nên việc sử dụng đường sắt để vận chuyển hàng hóa rất khó khăn.

Hệ thống cảng biển VN được đầu tư xây dựng cơ bản phù hợp với quy hoạch đáp ứng yêu cầu xếp dỡ hàng hóa XNK cũng như lưu thông trong nước. Tuy nhiên, các khu bến cảng hiện đại đạt chuẩn mực quốc tế rất ít. Chúng ta đã có cảng cửa ngõ quốc tế hiện đại (khu Cái Mép - Thị Vải) đón được các tàu container siêu lớn chuyên chở hàng hóa XNK đi châu Âu, bờ Đông và Tây nước Mỹ nhưng do hạ tầng giao thông kết nối còn thiếu, luồng hàng hải một chiều và chưa đạt yêu cầu dẫn đến số tuyến vận tải hàng hải biển xa cũng như số lượng tàu cập cảng ít, chưa đáp ứng được toàn bộ hàng hóa XNK biển xa.

Mạng đường thủy nội địa được đầu tư rất ít, chủ yếu tận dụng điều kiện tự nhiên, vì thế hạ tầng đường thủy nội địa (cầu, bến cảng, luồng lạch) cũng như phương tiện vận tải và thiết bị xếp dỡ còn lạc hậu, chủ yếu vận tải hàng dời, ít container vì thế đã hạn chế vận tải đa phương thức.


Kế hoạch của Bộ GTVT trong thời gian tới nhằm giảm chi phí logistics trong GTVT nói riêng và chi phí logistics nói chung như thế nào, thưa Thứ trưởng?


Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả nội dung Quyết định số 169/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực GTVT VN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đặc biệt là những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về logistics ngày 16.4. Trong đó, chú trọng một số vấn đề sau:

+ Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành tạo môi trường pháp lý minh bạch, cạnh tranh lành mạnh thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh có hiệu quả dịch vụ logistics.

+ Rà soát các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành và tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông hợp lý, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, XNK, quy hoạch vùng nguyên vật liệu của từng vùng, từng địa phương và của cả nước trên tổng thể.

+ Tập trung nghiên cứu, xây dựng ngay một số hành lang vận tải trọng điểm kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ lớn với cảng biển, xác định các loại hàng hóa chủ yếu (theo tiêu chí khối lượng và/hoặc giá trị cao), nghiên cứu các phương thức vận tải tối ưu và tập trung nguồn lực đầu tư hoặc nâng cấp loại hình kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp với phương thức vận tải nhằm đạt được mục đích tối thượng: chuỗi cung ứng cho chủ hàng theo hướng là chuỗi cung ứng đa phương tiện và sự liên quan giữa các phương tiện vận tải phải hoàn thiện đến mức tối ưu để đảm bảo hiệu quả, giảm chi phí cho chuỗi cung ứng.

+ Ưu tiên đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (cảng, bến thủy nội địa, luồng lạch) tại một số khu vực trọng điểm, hiện đại hóa phương tiện đường thủy nội địa, thiết bị xếp dỡ, đầu tư mới hoặc cải tạo nâng cấp một số cầu đường bộ, đường sắt để nâng cao tĩnh không và khổ rộng thông thuyền với mục tiêu khai thác tối đa lợi thế của vận tải thủy nội địa là đầu tư ít, chi phí vận tải thấp, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh, bền vững, bảo vệ môi trường.

Logistics là quá trình tối ưu hóa mọi công việc hoặc thao tác từ khâu cung ứng, sản xuất, phân phối hàng hóa và tiêu dùng vì vậy nó liên quan và chịu tác động của nhiều Bộ, ngành, các địa phương và các tổ chức, cá nhân.

+ Đầu tư nâng cấp tuyến luồng hàng hải vào khu bến Cái Mép - Thị Vải đáp ứng cho các tàu container có trọng tải siêu lớn có thể ra vào làm hàng 24/24 giờ nhằm thu hút các hãng, liên minh hãng tàu mở nhiều tuyến vận chuyển hàng hải với tần suất tàu đi đến Cái Mép - Thị Vải nhiều hơn để hàng hóa XNK của VN không phải trung chuyển qua nước khác, từng bước biến Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế của khu vực.

+ Chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai ngay Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn VN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Hướng dẫn, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống cảng cạn theo quy hoạch. Phát triển cảng cạn nhằm tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý, tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên các hành lang vận tải, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cảng biển, cửa khẩu quốc tế và các đô thị lớn.

+ Nghiên cứu, xây dựng cơ chế giá dịch vụ container hợp lý để DN cảng hoạt động minh bạch, tránh cạnh tranh không lành mạnh giúp DN nâng cao hiệu quả kinh doanh, có lợi nhuận để tái đầu tư hiện đại hóa thiết bị xếp dỡ, hệ thống kho bãi, công nghệ thông tin hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

+ Tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng mô hình quản lý, đầu tư xây dựng, khai thác tiên tiến tại các cảng cửa ngõ quốc tế với khu hậu cần sau cảng đủ rộng để phát triển các khu công nghiệp, thương mại tiếp nhận nguyên liệu, vật tư, sản xuất, xuất khẩu hàng hóa trực tiếp tại cảng nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí vận tải.


Thưa Thứ trưởng, để giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa VN, chỉ riêng ngành GTVT không giải quyết được. Thứ trưởng nghĩ về vấn đề này như thế nào?


Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Đúng vậy, logistics không phải là một dịch vụ đơn lẻ mà là một chuỗi hệ thống dịch vụ. Logistics là quá trình tối ưu hóa mọi công việc hoặc thao tác từ khâu cung ứng, sản xuất, phân phối hàng hóa và tiêu dùng vì vậy nó liên quan và chịu tác động của nhiều Bộ, ngành, các địa phương và các tổ chức, cá nhân.

Tại VN cũng như nhiều nước khác trên thế giới, chi phí vận tải luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics. Tỷ lệ này ở VN là khoảng 59% - 60%, tại Mỹ là 63,6%, tại Thái Lan khoảng 53,5%, tại Trung Quốc là 53,3%. Do đó việc giảm chi phí vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí logistics.

Tuy nhiên, để giảm chi phí trong vận tải, chúng ta cần có nguồn lực lớn đầu tư hệ thống giao thông kết nối đồng bộ… và cần có thời gian. Trong đó, cải cách thể chế chính sách (cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành…), nâng cao chất lượng thực thi công vụ chúng ta có thể làm được ngay.

Vì vậy, để giảm chi phí logistics, Bộ GTVT một mặt sẽ tích cực, quyết liệt triển khai các giải pháp đã ở nêu trên, mặt khác Bộ cũng sẽ chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan và các địa phương trong việc cải cách thể chế chính sách, thực thi có hiệu quả các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là:

+ Đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, thực thi triệt để hải quan điện tử cũng như cơ chế hải quan một cửa.

+ Khuyến khích và xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa các liên kết giữa các DN logistics VN với nhau và giữa DN logistics VN với các DN XNK, khu công nghiệp và nhà sản xuất.

+ Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung vào giáo dục bậc đại học và đào tạo nghề cho ngành logistics. Nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt về quản lý chuỗi giá trị, có thể giúp mở mang tầm nhìn của các nhà quản lý DN để nhận ra các cơ hội và góp phần chuyên nghiệp hóa dịch vụ logistics, từ đó giúp DN logistics nắm bắt được thời cơ kinh doanh.

+ Nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ của DN logistics.

+ Phát triển thị trường logistics minh bạch, hiệu quả.

Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!