Xuất nhập khẩu Việt Nam: Dấu ấn tăng trưởng và mục tiêu 2018
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:47, 07/05/2018
(Vietnam Logistics Review) Năm 2017 ghi nhận kỷ lục mới của ngành xuất nhập khẩu Việt Nam (VN) khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD. Thành tựu này tạo tiền đề, là động lực lớn cho những mục tiêu tiếp theo của ngành trong năm 2018.
Dấu ấn tăng trưởng 2017
Về xuất khẩu:
XK hàng hóa của VN năm 2017 đạt được mức tăng trưởng ấn tượng với tổng kim ngạch XNK đạt tới 425 tỷ USD, tăng 18,32% so với năm 2016. Trong đó, XK ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chỉnh phủ đặt ra (7% - 8%). Các nhóm hàng XK đều có sự tăng trưởng tốt. Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng XK, chiếm hơn 81% tổng kim ngạch XK đạt 173,5 tỷ USD, tăng 22,4%, cao hơn tốc độ tăng XK chung (tính từ năm 2012 – 2017). Mặt hàng điện thoại và các linh kiện đạt 45,1 tỷ USD, tăng 31,4%. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 25,9 tỷ USD, tăng 36,5%. Máy móc, thiết bị, dụng cụ khác đạt 12,8 tỷ USD, tăng 26,4%. Nhóm hàng nông sản, thủy sản, năm 2017, mặc dù thời tiết, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là hậu quả của các trận bão lớn ở miền Trung và các đợt mưa bão lớn ở một số tỉnh phía Bắc... đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất kinh doanh nhưng vẫn có sự tăng trưởng tốt. XK nông, thủy sản tăng mạnh, đạt 25,9 tỷ USD, tăng 16,9%, cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ (7,5%). Các mặt hàng đạt kết quả nổi bật như: rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43,1%; gạo đạt 2,6 tỷ USD, tăng 22,7%... Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản XK đạt 4,42 tỷ USD, tăng 27% và tăng ở tất cả các mặt hàng, trong đó cao nhất là than đá, tăng 113% về giá trị và 84% về khối lượng XK; dầu thô tăng 23% về giá trị XK.
Kim ngạch xuất khẩu 10 mặt hàng lớn nhất của VN 2016 – 2017 (Nguồn: Bộ Công Thương)
Thị trường XK tiếp tục được duy trì và mở rộng với trên 200 đối tác thương mại. Năm 2017 có 29 thị trường XK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD. XK của VN sang ASEAN tăng 24,3%, đạt 21,7 tỷ USD; XK sang Trung Quốc tăng 60,6%, đạt 35,3 tỷ USD; XK sang Nhật Bản tăng 14,2%, đạt 16,8 tỷ USD; XK sang Hàn Quốc tăng 31,1% đạt 15 tỷ USD; XK sang Úc và New Zealand tăng 14,3%, đạt 3,7 tỷ USD; XK sang Liên Bang Nga tăng 35,7%, đạt 2,2 tỷ USD; XK sang Chi Lê tăng 26,3%, đạt 1 tỷ USD...
Về nhập khẩu:
Kim ngạch NK hàng hóa năm 2017 của VN đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2016. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 126,4 tỷ USD, chiếm 59,9% tổng kim ngạch, tăng 23,4%; khu vực DN 100% vốn trong nước đạt 84,6 tỷ USD, chiếm 40,1%, tăng 17.0% so với năm 2016. Xét theo mặt hàng: Điện tử, máy tính và linh kiện năm 2017 NK 37,5 tỷ USD, tăng 34,4% so với năm 2016; Điện thoại các loại và linh kiện NK 16,2 tỷ USD, tăng 53,2%; Máy móc thiết bị, phụ tùng trị giá NK đạt 33,6 tỷ USD, tăng 34,4%; Vải các loại NK với kim ngạch 11,4 tỷ USD, tăng 9,2%; Sắt thép các loại NK 15,1 tỷ USD, tăng 13%; Chất dẻo, nguyên liệu 7,4 tỷ USD tăng 17,5%; Nguyên phụ liệu, dệt may, da giầy 5,5 tỷ USD, tăng 8%; Kim loại thường khác 5,4 tỷ USD, tăng 13,1%; Xăng dầu các loại 7 tỷ USD (12,8 triệu tấn) tăng 37,7%; sản phẩm từ chất dẻo NK 5,4 tỷ USD; tăng 22,7%.
Kim ngạch nhập khẩu 10 mặt hàng lớn nhất của VN 2016 – 2017 (Nguồn: Bộ Công Thương)
Thị trường NK năm 2017 tập trung chủ yếu là châu Á với kim ngạch 171,1 tỷ USD, chiếm 81,1%; châu Âu 14,4 tỷ USD, chiếm 6,8%; châu Mỹ 15,3 tỷ USD, chiếm 7,2%; châu Phi 1.4 tỷ USD, chiếm 0.7%; châu Đại Dương 3,7 tỷ USD, chiếm 1,8%; Thị trường chưa phân tổ 5,3 tỷ USD, chiếm 2,5%. Như vậy, các thị trường NK chủ yếu tiếp tục là châu Á, trong đó Trung Quốc với kim ngạch NK 58,5 tỷ USD, chiếm tới 34,2% tổng kim ngạch NK; NK từ Hàn Quốc 46,8 tỷ USD, chiếm 22,2%; NK từ các nước ASEAN 28 tỷ USD, chiếm 13,3%; EU, Anh và Hoa Kỳ 21,1 tỷ USD, chiếm 10%; phần còn lại là các thị trường khác.
... Và mục tiêu 2018
Năm 2018, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đà phát triển với nhiều tín hiệu khả quan, tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn năm 2017. Tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2018 dự báo ở mức 3,9%, thấp hơn mức 4% của năm 2017. Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh... sẽ tạo môi trường thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng không đồng đều giữa các quốc gia, nhiều nước đang phát triển dự kiến tăng trưởng chậm lại cùng với chính sách bảo hộ mậu dịch, chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến XK của VN. Hơn nữa chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế VN so với nhiều nước còn thấp cộng với đó là môi trường logistics, nhất là nút thắt về thể chế logistics và cơ sở hạ tầng logistics... đang là “điểm nghẽn” của sự phát triển bền vững. Điều này sẽ có tác động lớn đến tăng trưởng và hoạt động XNK của VN trong năm 2018 – năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2018 tăng từ 6,5% - 6,7%, ngành Công Thương đã xác định mục tiêu phấn đấu cho hoạt động XNK với tổng kim ngạch XK tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK dưới 3%. Thực hiện được mục tiêu và nhiệm vụ này, ngành Công Thương cũng đã chỉ ra các biện pháp như: Đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTA và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thực hiện các biện pháp chính sách để phát huy, tận dụng các cơ hội phát triển và hạn chế tác động tiêu cực do mặt trái của hội nhập gây ra... tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa XK, đặc biệt là nông sản, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới, tăng cường quản lý, kiểm soát phù hợp với cam kết quốc tế...”.
Chuyển dịch các nhóm hàng xuất khẩu của VN 2015-2017 (Nguồn: Bộ Công Thương)
Ngoài các giải pháp nêu trên, để góp phần thực hiện mục tiêu của hoạt động XNK năm 2018 và phát triển kinh tế bền vững những năm tiếp theo, cần phải có các giải pháp tập trung nâng cao hiệu quả, cải biến nguồn hàng, năng lực cạnh tranh cho hàng hóa VN trên các thị trường, đảm bảo tính bền vững trong phát triển, đồng thời có các giải pháp tháo gỡ nút thắt về môi trường logistics VN mà ít được các ngành, các địa phương quan tâm đúng mức, thậm chí còn lãng quên.
Một khi môi trường logistics phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, thật sự thuận lợi hóa cho các DN, phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới thì hoạt động XNK VN mới thực sự phát triển hiệu quả, bền vững và mang lại giá trị gia tăng cao. Trước mắt, cần khẩn trương hoàn thiện thể chế logistics VN - rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phí và lệ phí, tháo gỡ các rào cản cho hàng hóa lưu thông trên thị trường, giảm chi phí logistics; Đẩy nhanh việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển logistics đã được ban hành, nhằm sớm đưa các chính sách này vào cuộc sống; Đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng logistics hiện đại, ưu tiên kết nối các cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng thương mại, cơ sở hạ tầng các ngành dịch vụ... nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực, các phương thức vận tải theo hướng tối ưu hóa quá trình phân phối, lưu thông, giảm chi phí logistics trong nền kinh tế VN; đã đến lúc cần có kế hoạch hành động thiết thực để phát triển vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường biển, đường sông mà VN có nhiều lợi thế, góp phần giảm áp lực lên đường bộ và đường không, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN logistics trong hệ thống các DN VN với các giải pháp tháo gỡ khó khăn nội tại cho các loại hình DN này; Đầu tư, hiện đại hóa các phương tiện vận tải, nhất là các phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt vốn đã quá lạc hậu...; Phát triển thị trường dịch vụ logistics VN, hỗ trợ đắc lực cho XK, tiêu thụ sản phẩm của các địa phương và DN, hình thành tập quán thuê ngoài dịch vụ logistics để DN tập trung vào thực hiện các chức năng cơ bản, cốt lõi góp phần nâng cao hiệu quả quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới.