Cải thiện môi trường logistics: Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:01, 11/05/2018
(Vietnam Logistics Review) Ngành logistics chưa phát triển tương xứng với nhu cầu và tiềm năng hiện có tạo nên những “điểm nghẽn” cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững ở Việt Nam (VN). Dưới đây là một số nguyên nhân và giải pháp phát triển ngành logistics, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế VN.
Môi trường logistics chậm cải thiện
Để có giải pháp phù hợp nhằm cải thiện môi trường logistics VN qua đó xây dựng và phát triển hệ thống logistics quốc gia ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới, trước hết cần phải nhìn nhận được những tồn tại và nguyên nhân yếu kém hiện nay:
1. Nhận thức về logistics và môi trường logistics đối với việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, là rào cản để xây dựng và phát triển hệ thống logistics quốc gia theo hướng bền vững, logistics xanh. Ngay cả trong báo cáo VN logistics năm 2017 vẫn còn cho rằng: “Thuật ngữ logistics được thay thế cho dịch vụ giao nhận trước kia” (trang 20). Điều này dẫn tới nhận thức không đầy đủ về logistics, làm cho sự quan tâm và mức ủng hộ để xây dựng môi trường logistics quốc gia của các ngành, các cấp từ trung ương đến các địa phương chưa đúng mức, thậm chí bị lãng quên. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, thương mại, các ngành dịch vụ khác được đầu tư xây dựng nhưng khai thác hiệu quả thấp gây tăng trưởng giả tạo trong sử dụng làm cho ùn tắc và tai nạn giao thông gia tăng.
2. Mặc dù cơ sở hạ tầng logistics VN trên tổng thể đã được cải thiện đáng kể nhưng thực tế thiếu tính đồng bộ, chưa thực sự tạo thuận lợi cho thương mại và phát triển bền vững. Nguyên nhân là do thiếu kết nối giữa các phương thức vận tải, chỉ tập trung vào đường bộ mà không chú ý đầu tư phát triển hạ tầng để kết nối với đường sắt, đường sông, đường biển…; Không có các trung tâm logistics để thực hiện sự liên kết các phương thức vận tải, hậu cần cho các vùng sản xuất hàng hóa lớn của VN như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, các vùng kinh tế trọng điểm khác…; Các cảng biển quốc tế lớn của VN lại không kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia qua các trung tâm logistics; Chỉ tập trung xây dựng các khu công nghiệp mà không chú ý đầu tư xây dựng các khu công nghiệp logistics tại các địa phương, thành phố! Hậu quả là chi phí logistics tăng cao, giá trị gia tăng thấp, sản xuất không gắn chặt với thị trường tiêu thụ.
3. Thể chế pháp luật logistics từ Luật thương mại 2005 đến các Quyết định 169/TTg (2014); Quyết định 1012/TTg (2015) và Quyết định 200/TTg và Nghị định 63 CP gần đây, tuy đã có những cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống, tầm nhìn, rào cản cho phát triển logistics, thương mại, sản xuất kinh doanh của các DN… Từ cơ chế, chính sách đến cuộc sống vẫn còn là một khoảng cách lớn. Nhiều địa phương, thành phố đến nay vẫn chưa có các biện pháp và chính sách cụ thể để phát triển logistics. VN cũng mới chỉ có kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics đến năm 2025, trong khi chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển logistics VN tầm nhìn dài hạn lại chưa có. Chính sách phí và lệ phí (BOT, chi phí không chính thức khác) đang là gánh nặng chi phí cho nhiều DN trong lĩnh vực phân phối và lưu thông hàng hóa. Chưa có các chính sách khuyến khích, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt là ưu tiên phát triển các khu công nghiệp logistics, các trung tâm logistics tại các điểm giao cắt liên hoàn ở các vùng trọng điểm, các hành lang kinh tế để kết nối cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, các phương tiện vận tải, thực hiện liên kết kinh tế giữa các địa phương và vùng lãnh thổ.
4. Hệ thống các DN VN đang tụt hậu so với nhiều loại hình DN sản xuất kinh doanh khác về quy mô, công nghệ, tính liên kết, hợp tác và cả năng lực quản trị, lại càng thua xa hơn so với các DN logistics nước ngoài, nhất là tiềm lực tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện vận chuyển hàng hóa... Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của các DN logistics VN, làm chi phí logistics tăng cao hơn nhiều lần so với các nước, hao hụt lớn, không đảm bảo giao hàng đúng hạn và theo đúng nguyên tắc JIT… và đây chính là lý do làm cho các DN có nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics sử dụng dịch vụ thuê ngoài thấp mà muốn tự đảm nhiệm, làm cho khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp.
5. Thị trường dịch vụ logistics VN và hệ thống các DN sử dụng dịch vụ logistics phát triển chưa theo kịp với yêu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong hội nhập và mở cửa thị trường. Mặc dù, hiện nay có tới 600 nghìn DN đang hoạt động nhưng đến 97% là DN nhỏ và vừa, sản xuất quy mô nhỏ, không ổn định, dẫn đến tập quán thuê ngoài dịch vụ logistics hạn chế, quá trình lưu thông hàng hóa ở VN lại có quá nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí logistics, làm nản lòng các DN sử dụng dịch vụ muốn thuê ngoài. Tập quán mua bán trong xuất nhập khẩu lại chủ yếu mua CIF bán FOB cũng làm cho cầu thị trường logistics VN bị thu hẹp. Mặc dù tốc độ tăng trưởng thị trường dịch vụ logistics VN được đánh giá là ở mức cao nhưng tính cạnh tranh, chất lượng và hiệu quả chưa tương xứng, thậm chí còn là rào cản đối với sản xuất và lưu thông hàng hóa trên thị trường.
6. Về nguồn nhân lực logistics, hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng cho cả hệ thống logistics quốc gia từ nhân sự hoạch định chính sách, quản lý nhà nước, vận hành khai thác cở sở hạ tầng logistics, quản trị kinh doanh logistics trong các DN… Thực tế chưa có một số liệu chính thống nào về nguồn nhân lực logistics ở VN, mỗi nơi công bố một số liệu cũng giống như số lượng các DN logistics VN vậy? Điều này thể hiện bức tranh chung về ngành dịch vụ logistics VN đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển và rõ ràng là các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đánh giá ngành dịch vụ logistics, DN logistics chưa được định danh rõ ràng, khoa học nên có nguy cơ tính trùng với ngành thương mại, giao thông… là không thể tránh khỏi.
Giải pháp cải thiện môi trường logistics VN
Trong bối cảnh môi trường logistics VN như hiện nay khó mà kiến tạo môi trường logistics nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nhất là góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khoảng cách phát triển so với nhiều nước trong khu vực… Theo chúng tôi, cần tập trung vào các giải pháp để sớm cải thiện cơ bản các yếu tố của hệ thống quốc gia hiện nay:
- Hoàn thiện thể chế, pháp luật logistics nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động logistics trên thị trường. Bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan đến logistics trong Luật Thương mại, không chỉ dừng lại ở các dịch vụ logistics, để tạo nhận thức đầy đủ về bản chất, vai trò và vị trí của logistics. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý logistics, nhất là chính sách phí, lệ phí, tháo gỡ các rào cản đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Với việc thực hiện quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics theo chuẩn mực quốc tế, Nhà nước và Chính quyền các địa phương, thành phố cần có chính sách khuyến khích các DN logistics trong và ngoài nước đầu tư, tập trung vào các khu công nghiệp logistics |
- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics VN đồng bộ, hiện đại. Trước hết, ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức để khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại hiện có; Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các trung tâm logistics hạng 1 theo chuẩn quốc tế tại các điểm giao cắt vận tải thương mại của các vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế nhằm kết nối các phương thức vận tải, thực hiện liên kết kinh tế, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương và DN.
- Bổ sung và hoàn thiện chính sách phát triển DN logistics VN thông qua xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình DN này ở VN với tất cả các loại hình vận tải. Có chính sách ưu đãi các DN đầu tư hiện đại hóa các phương tiện vận tải, nhất là các phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy vốn đã quá lạc hậu. Với việc thực hiện quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics theo chuẩn mực quốc tế, Nhà nước và Chính quyền các địa phương, thành phố có chính sách khuyến khích các DN logistics trong và ngoài nước đầu tư, tập trung vào các khu công nghiệp logistics (làng vận tải hay trung tâm logistics có quy mô lớn) - Mô hình mà ở VN đến nay hầu như chưa có, để tái cơ cấu lại thị trường logistics tại các địa phương và thành phố có lợi thế phát triển theo hướng logistics xanh, văn minh, hiện đại.
- Phát triển thị trường dịch vụ logistics VN theo hướng cạnh tranh, minh bạch để người tiêu dùng thực sự được hưởng các dịch vụ logistics có chất lượng với giá cả hợp lý. Chỉ có như vậy mới hình thành được tập quán thuê ngoài dịch vụ logistics, hỗ trợ DN tập trung vào thực hiện các chức năng cơ bản, cốt lõi góp phần nâng cao hiệu quả quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Nghiên cứu để sớm hình thành thị trường giao dịch thông tin logistics quy mô quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng logistics phần cứng, cần đổi mới cơ bản các yếu tố của cơ sở hạ tầng phần mềm từ Trung ương đến các địa phương, vùng lãnh thổ, đừng để “cơ sở hạ tầng phần mềm làm hỏng cơ sở hạ tầng phần cứng” đã được đầu tư và phát triển hơn 30 năm nay. Qua đó mới thu hút được nguồn hàng từ các nước trong khu vực theo các hành lang kinh tế đã được đầu tư, xây dựng nhưng hiệu quả khai thác còn hạn chế, chưa tương xứng.
- Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực logistics không chỉ ở cấp đại học mà cả lĩnh vực đào tạo nghề logistics theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng 4.0. “Giải pháp đào tạo và nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực” tại Quyết định 200TTg ngày 14/02/2017 về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logsitics VN đến năm 2025 cần được sớm triển khai vào cuộc sống một cách có hiệu quả hơn.