Quản lý chuỗi cung ứng thời công nghệ 4.0 tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:11, 28/05/2018
(Vietnam Logistics Review) Quản lý tốt chuỗi cung ứng sẽ giúp gia tăng giá trị cho DN logistics trong các hoạt động: giao nhận, tồn kho, dịch vụ khách hàng, quản lý nhà cung ứng, kế hoạch nguồn nhân lực, chiến lược sản xuất, dự báo,… từ đó mang lại hiệu quả cao cho DN.
Công nghệ 4.0 gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, đã và đang hỗ trợ tích cực trong việc quản lý vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu của DN. CMCN 4.0 trước tiên sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động thu mua, sản xuất, phân phối trong quản lý chuỗi, sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số tạo nên sự xuất hiện internet vạn vật (Internet of Things - IoT) sẽ thay đổi nhanh chóng, sâu rộng toàn bộ chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, logistics đến dịch vụ khách hàng, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển.
Bà Võ Thị Phương Lan - Trưởng ban Đào tạo VLA và PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng VLI chụp hình lưu niệm cùng các học viên |
Để vận dụng tốt cơ hội từ những thay đổi này, các nhà quản lý chuỗi cung ứng cần phải xem xét khả năng giúp DN sử dụng chi phí hiệu quả bằng việc cải tiến liên tục chuỗi cung ứng. CMCN 4.0 tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ, lượng dữ liệu này sẽ là tài nguyên vô giá nếu được khai thác tốt, ngược lại sẽ bị rối loạn hệ thống thông tin và không điều hành hiệu quả được hệ thống. Chính điều này sẽ biến IoT vừa là chìa khóa nhưng cũng là thách thức cần phải vượt qua khi quản lý vận hành chuỗi cung ứng. Các nhà quản lý phải tạo ra mạng lưới kinh doanh triệt để giúp khách hàng tiếp xúc trực tiếp với người sản xuất thông qua hệ thống mạng. Khách hàng có thể đặt hàng có sự tùy chỉnh trực tiếp qua hệ thống internet. Đồng thời hệ thống kho hàng cũng được tự động tối ưu hóa việc quản lý hàng hóa và hàng tồn kho.
Để đảm bảo nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng có khả năng quản lý tốt chuỗi cung ứng, các DN nên đặt hàng nhân sự với các cơ sở đào tạo, có thể phối hợp cùng đào tạo để có được nguồn nhân lực đúng với nhu cầu. Hiện nay, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) là tổ chức duy nhất được FIATA (International Federation of Freight Forwarders Associations - Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận quốc tế thành lập năm 1926 tại Thụy Sỹ, hiện có hơn 150 quốc gia là thành viên, chương trình đào tạo được FIATA cấp bằng Diploma có giá trị toàn cầu) giao nhiệm vụ đào tạo ở VN. Học viên được đào tạo ở VLI sẽ được học với những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuỗi cung ứng và logistics, được đi tham quan, thực hành, thực tập tại các nhà máy, nhà xưởng, kho bãi trong hệ thống các DN hội viên Hiệp hội VLA.