Đào tạo nhân lực logistics cần sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:10, 15/06/2018

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Hiện nay, công tác đào tạo nhân lực ngành logistics Việt Nam đang thiếu sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN). Nhà trường chưa nắm bắt được nhu cầu công việc mà xã hội cần, chưa tạo được mối quan hệ lâu dài cho sinh viên có cơ hội học việc tại DN. Điều này dẫn tới việc học “chay”, chủ yếu là lý thuyết ở trên lớp, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng thực tiễn khi làm việc.

(Vietnam Logistics Review) Hiện nay, công tác đào tạo nhân lực ngành logistics Việt Nam đang thiếu sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN). Nhà trường chưa nắm bắt được nhu cầu công việc mà xã hội cần, chưa tạo được mối quan hệ lâu dài cho sinh viên có cơ hội học việc tại DN. Điều này dẫn tới việc học “chay”, chủ yếu là lý thuyết ở trên lớp, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng thực tiễn khi làm việc.

Một trong những chuyến tham quan thực tế của học viên VLI

Tại Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực logistics Việt Nam – VLET 2017” do Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) tổ chức vào ngày 30.11.2017, các DN logistics đã chỉ rõ một thực tế rằng, họ phải bỏ nhiều công sức để đào tạo lại nhân viên mới đáp ứng được nhu cầu thực tế của công việc, đây là sự lãng phí lớn cho xã hội. Trước thực trạng đó, VLI đã cam kết sẽ là cầu nối giữa nhà trường và DN, các trường có cơ hội nắm bắt nhu cầu đào tạo của DN, cũng như chính DN sẽ tham gia vào quá trình giảng dạy để nâng cao kỹ năng làm việc cho sinh viên khi ra trường, giúp DN chủ động hơn trong đầu tư nguồn nhân lực tương lai.

Hiện tại, VLI đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với 19 DN thuộc Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và 13 trường đại học cao đẳng có đào tạo logistics trên toàn quốc. Cũng từ VLET 2017, VLI đã kết nối hơn 250 sinh viên từ các trường thực tập thực tế tại các công ty logistics hàng đầu như: Gemadept, Sotrans, Transimex, ASL, U&I, Interlog, Liên Minh, Tra-sas, Vinafreight... Bên cạnh đó, VLI cũng luôn tổ chức các đợt tham quan, trải nghiệm môi trường làm việc thực tế cho học viên các khóa học được tổ chức tại Viện như “Fiata Diploma In International Freight Management”, “Fiata Higher Diploma In Supply Chain Management”, “Affa Diploma In Logistics Management” và các khóa học khác của VLI. Qua các đợt thực tập giúp các sinh viên, học viên tự tin hơn, hòa nhập tốt trong môi trường công việc thực tế.

VLET 2018 dự kiến sẽ được tổ chức vào khoảng tháng 11.2018, đây là hoạt động định kỳ hàng năm, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển mô hình đào tạo gắn kết với thực tế trong ngành logistics tại Việt Nam.