Kinh tế Việt Nam 2018: Đạt mục tiêu tăng trưởng, bằng cách nào?
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:08, 16/07/2018
(Vietnam Logistics Review) Mức tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2018 đạt 7,38%, được đánh giá là động lực, nhưng cũng tạo áp lực tăng trưởng cho các quý còn lại của năm. Vậy đâu là giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Vấn đề này đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 21.5 - 15.6.
Những thách thức
Báo cáo của Chính phủ, kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục đạt được chuyển biến tích cực. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua; Xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh với tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD; Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; Cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ; Đến cuối tháng 3.2018, tỷ lệ nợ xấu còn 2,18%...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, Chính phủ cũng chỉ ra rằng động lực tăng trưởng dựa vào một số yếu tố như trong năm 2017 sẽ khó lặp lại. Việc một số nước lớn quay lại áp dụng các chính sách bảo hộ và các biện pháp cực đoan khó lường, áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, việc các nước nhập khẩu áp dụng tiêu chuẩn cao về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm… có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế Quốc hội cũng chỉ ra những điểm còn tồn tại của nền kinh tế như: Công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng chậm lại, chủ yếu ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Ngành khai khoáng gặp khó khăn. Cơ cấu các ngành công nghiệp chưa đồng bộ, còn bất cập. Công tác dự báo thị trường còn hạn chế; nhiều sản phẩm khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, cả về giá và chất lượng. Tình trạng rau, củ, quả, mía đường… dư thừa xảy ra tại một số địa phương. Việc hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản còn hạn chế, chưa có nhiều thương hiệu mạnh, chất lượng cao. Hàng xuất khẩu ngày càng đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ kỹ thuật của nước ngoài. Quy mô kinh doanh dịch vụ còn nhỏ lẻ, phân tán. Phát triển DN tăng chậm lại; DN chủ yếu là nhỏ và vừa, chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh còn thấp. Trình độ ứng dụng công nghệ, quản trị điều hành còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thấp. Kinh doanh cá thể, hộ gia đình vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân. Cải cách thủ tục hành chính ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có chuyển biến tích cực.
Đây cũng chính là những tồn tại mà Chính phủ cần nhìn nhận, phân tích để đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đâu là giải pháp?
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, với tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, chủ động theo sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời; chú trọng giải quyết các vấn đề mới phát sinh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chủ động nghiên cứu, có chính sách, giải pháp phù hợp để thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018, tạo đà cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Một trong những giải pháp về kinh tế - thương mại, Chính phủ sẽ thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế; tăng cường quản lý, kiểm soát nhập khẩu; cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại với các đối tác, thị trường nhập siêu cao; phấn đấu cân bằng xuất nhập khẩu bền vững. Phát triển mạnh thị trường trong nước; xây dựng hệ thống phân phối đồng bộ và hiệu quả. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu.
Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ, tạo chuyển biến rõ nét về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm mạnh thời gian và chi phí cho DN. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao, các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển DN trong nước và công nghiệp hỗ trợ. Hoàn thiện, thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đóng góp ý kiến trong các phiên thảo luận tại hội trường, tại tổ chức về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2017, những tháng đầu năm 2018, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra nguyên nhân tồn tại đồng thời nêu những ý kiến nhằm giúp Chính phủ tăng cường công tác quản lý điều hành, thúc đẩy phát triển để đạt được mục tiêu đề ra.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm - Phú Thọ, kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa để các DN trong nước nhất là các DN tư nhân phát triển, đặc biệt tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ để giảm chi phí logistics, kiểm tra chuyên ngành, vì hiện nay còn quá cao so với các nước trong khu vực; Có giải pháp nâng cao năng suất lao động; Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn thông qua việc phân bổ vốn hợp lý cho các ngành, vùng để có động lực tăng trưởng; Cơ cấu lại ngân sách một cách thực chất để tăng vốn cho đầu tư, kiểm soát lạm phát và có chính sách tài chính phù hợp.
Đại biểu Lưu Thành Công - Vĩnh Long đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chuyên môn nghiên cứu dự báo thị trường; rà soát kiểm tra quy hoạch, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật. Chính phủ cần có kịch bản cụ thể nếu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của ta không xuất khẩu được thì xử lý thế nào tránh tình trạng khi xuất khẩu không được phải kêu cứu như hiện nay.
Liên quan đến giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mục tiêu đề ra năm 2018 và những năm tới của Bộ Công Thương là củng cố phát triển thị trường, đặc biệt là các thị trường có ưu đãi về thương mại. Bộ cũng sẽ nghiên cứu đưa ra chính sách kịp thời tháo gỡ các chính sách bảo hộ mậu dịch mới và các yếu tố bất ổn trong quan hệ đối ngoại.
Để giải bài toán tăng trưởng kinh tế trên nền tảng xuất khẩu bền vững cũng như đa dạng hóa thị trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký và phê duyệt cuối năm 2018, thì trong năm 2019, tăng trưởng thương mại sẽ đạt 4% - 6%. Do đó mục tiêu đặt ra từ nay đến cuối năm phải thúc đẩy ký kết Hiệp định này, qua đó, sẽ tạo ra nền tảng quan trọng.
Liên quan đến việc tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam trong đó nhấn mạnh vào khâu chất lượng sản phẩm. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu là yếu tố sống còn, yêu cầu ngày càng cao, nhất là các hàng rào kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc. Nếu không nâng cao các yếu tố này thì các mặt hàng từ cá tra đến tôm sẽ gặp những hạn chế và gây ra thiệt hại lớn cho DN và người nông dân. Vì vậy cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân – TP. HCM cho rằng để tránh tác động từ bên ngoài, Chính phủ cần kiểm soát độ mở nền kinh tế theo hướng tăng cường xúc tiến thương mại nội lực thị trường nội địa trong nước. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài cần phải khắc phục, như vấn đề về môi trường, chuyển giá, gian lận thương mại, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ. Do đó, trong thời gian tới chúng ta cần phải có một chiến lược định hướng thu hút FDI, chúng ta vẫn rất cần FDI nhưng phải có định hướng và ưu tiên vào các tiêu chí như xanh, tức là đảm bảo môi trường sạch, ở đây có nghĩa là phải đảm bảo lý lịch của DN không có vấn đề về trốn thuế, gian lận thương mại. Đặc biệt lĩnh vực đầu tư phải có công nghệ cao gắn với cách mạng công nghiệp 4.0; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.