Chỉ số Logistics Performance Index (LPI) của Việt Nam năm 2018 tăng 25 bậc
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 07:12, 30/07/2018
(Vietnam Logistics Review) Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo điều tra về Chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước điều tra, tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016. Việt Nam có thứ hạng đứng đầu trong các thị trường mới nổi và xếp hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Tất cả các chỉ số đánh giá LPI 2018 đều tăng vượt bậc, trong đó có mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc), và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hoá (xếp hạng 34, tăng 41 bậc). Điều này phản ánh thực trạng về cải thiện năng lực của doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực logistics, với tỷ lệ từ 15-20% vào năm 2015-2016 đã tăng lên 40-50% vào 2017-2018 (theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam VLA).
Biểu đồ so sánh chỉ số LPI của Việt Nam với một số nước
Đứng thứ nhất trong danh sách vẫn là Đức và thứ 160 là Afghanistan. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 3 sau Singapore (7) và Thái Lan (32). Theo xếp hạng này, bước đầu chúng ta đã hoàn thành một mục tiêu mà Quyết định 200/QĐ-TTg, ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt là “Xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt từ 50 trở lên”.
Đây là thành quả nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp sản xuất, xuất/nhập khẩu và nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, các Hội viên VLA và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) trong việc thực hiện Quyết định 200/QĐ-TTg, tìm mọi biện pháp giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng cao năng lực cạnh tranh để phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong điều kiện nước ta hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Qua Bảng so sánh về Chỉ số LPI và 6 chỉ số đánh giá thành phần các hoạt động của Logistics Việt Nam từ 2007 đến 2018 dưới đây ta sẽ thấy kết quả phấn đấu của Ngành Logistics Việt Nam trong những năm qua.
Diễn giải của cột 1-Chỉ số đánh giá thành phần của hoạt động logistics trên đây:
1) Hiệu quả của quá trình thông quan (tức là: tốc độ, tính đơn giản và khả năng dự đoán của các thủ tục) bởi các cơ quan kiểm soát biên giới, bao gồm cả hải quan;
2) Chất lượng kết cấu hạ tầng thương mại và giao thông liên quan (ví dụ: cảng, đường sắt, đường bộ, công nghệ thông tin);
3) Tính dễ dàng trong việc sắp xếp các chuyến hàng có giá cạnh tranh;
4) Năng lực và chất lượng của dịch vụ logistics (ví dụ, các nhà khai thác vận tải, môi giới hải quan);
5) Khả năng theo dõi và truy suất lô hàng;
6) Tính kịp thời của lô hàng khi đến đích trong thời gian quy định giao hàng hoặc dự kiến giao hàng