Ngành hải quan trong hội nhập quốc tế

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:40, 17/08/2018

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Hải quan Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ “tư duy quản lý” với những “đặc quyền, đặc ân” của cơ quan công quyền sang “tư duy phục vụ” nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế quốc tế và hài hòa với phương thức hoạt động của tổ chức hải quan thế giới. yêu cầu cấp bách là phải cải cách, đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực xác định trị giá.

(Vietnam Logistics Review)Hải quan Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ “tư duy quản lý” với những “đặc quyền, đặc ân” của cơ quan công quyền sang “tư duy phục vụ” nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế quốc tế và hài hòa với phương thức hoạt động của tổ chức hải quan thế giới. yêu cầu cấp bách là phải cải cách, đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực xác định trị giá.

Đẩy mạnh các mô hình quản lý hiện đại

Mọi sự đổi mới đều nhằm phục vụ yêu cầu giải phóng hàng nhanh; thủ tục gọn nhẹ, linh hoạt; nghiêm túc trong thực thi cơ chế chính sách phù hợp pháp luật quốc gia và thông lệ quốc tế; xác định thuế chính xác, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; đảm bảo thực thi các điều ước quốc tế đã cam kết. Để đạt được những yêu cầu trên, Hải quan Việt Nam đã thiết lập cơ chế tự khai, tự tính thuế. Hỗ trợ cho hệ thống này, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các mô hình quản lý hiện đại dựa trên các cam kết quốc tế, bao gồm những mô hình sau.

Thông quan điện tử

Đây là hình thức thông quan tiên tiến thực hiện dưới dạng “thủ tục phi giấy tờ” được áp dụng ở hầu hết các nước phát triển và đang phát triển. Bản chất của mô hình này là dựa trên cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại. Việc triển khai mô hình thông quan điện tử làm gọn nhẹ, linh hoạt các khâu thủ tục hải quan, góp phần giảm thời gian đi lại của DN; rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; giảm chi phí hành chính cho cả DN lẫn cơ quan hải quan; tạo ra môi trường làm việc văn minh, hiệu quả, tính minh bạch cao, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của DN và cơ quan hải quan; giảm tối đa rủi ro gian lận thương mại do hạn chế môi trường tiếp xúc trực tiếp giữa DN và cán bộ hải quan; thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển.

Kỹ thuật quản lý rủi ro

Đây là một khái niệm mới, một nội dung nghiệp vụ mới khó cả về khía cạnh nhận thức và tổ chức áp dụng. Quản lý rủi ro là vấn đề cấp thiết phải triển khai trong mô hình quản lý hải quan hiện đại. Quản lý rủi ro là một quy trình được xác định nhằm hỗ trợ cho quá trình ra quyết định trên cơ sở nhận thức được các rủi ro tiềm tàng và những tác động của nó. Quản lý rủi ro gắn liền với việc xác định các cơ hội xảy ra rủi ro và việc đề ra các giải pháp đối phó với các thiệt hại do rủi ro gây ra. Nhờ đó có thể cải tiến được chất lượng, hiệu quả công việc và đảm bảo an toàn trong hoạt động. Áp dụng quy trình quản lý rủi ro, DN tự khai báo, tính thuế, sau khi dữ liệu về tờ khai nhập khẩu được nhập máy, phần mềm quản lý rủi ro sẽ phân tích tự động trên cơ sở các tham số động, tham số tĩnh thu thập được. Kết quả của việc phân tích là máy tính sẽ tự động phân loại lô hàng nhập khẩu vào một trong ba luồng: xanh, vàng, đỏ. Nếu vào luồng xanh, hàng hóa sẽ được thông quan ngay mà không cần kiểm tra thực tế hàng hóa. Nếu vào luồng vàng, cán bộ hải quan sẽ kiểm tra chi tiết hồ sơ và miễn kiểm tra hàng hóa. Nếu vào luồng đỏ thì cần thiết phải kiểm tra chi tiết hồ sơ cũng như hàng hóa nhập khẩu. Phải nói rằng quy trình quản lý rủi ro được áp dụng là một bước tiến quan trọng của Hải quan Việt Nam. Quản lý rủi ro góp phần quan trọng trong việc rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, mặt khác cũng khuyến khích sự tuân thủ pháp luật của các DN. Phân luồng thông quan hàng hóa theo nguyên tắc quản lý rủi ro đặt ra vấn đề lớn đối với việc áp dụng các phương pháp xác định trị giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu.

Cùng với việc thực hiện kỹ thuật quản lý rủi ro, thì cơ quan hải quan áp dụng mô hình quản lý sự tuân thủ. Theo nghĩa chung nhất thì “quản lý sự tuân thủ” là việc cơ quan hải quan áp dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro để thực hiện vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Mục tiêu quản lý sự tuân thủ là đảm bảo sự tuân thủ pháp luật hải quan của các DN, sự hoàn thành vai trò, trách nhiệm của cơ quan hải quan.

Tuân thủ các cam kết quốc tế

Song song với việc triển khai ứng dụng các mô hình quản lý mới, Hải quan Việt Nam cũng cần phải thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế mà Chính phủ đã và sắp ký kết trong khuôn khổ WTO, WCO, AEC, APEC, CPTPP, EVFTA, các Hiệp định song phương với các nước.

Trong khuôn khổ ASEAN có Hiệp định Hải quan ASEAN, Hiệp định quá cảnh ASEAN.

Trong khuôn khổ APEC: Tiểu ban thủ tục hải quan của APEC bắt đầu thực hiện việc xây dựng các cam kết nhằm hài hòa thủ tục hải quan giữa các nền kinh tế dựa trên các chuẩn mực của WCO.

Trong khuôn khổ WCO, Hải quan Việt Nam phải thực hiện các cam kết cụ thể sau: Công ước KYOTO là Công ước quan trọng nhất về thủ tục hải quan và kiểm tra giám sát hải quan nhằm đơn giản hóa và làm hài hòa thủ tục hải quan; Công ước quốc tế về giúp đỡ hành chính lẫn nhau nhằm ngăn ngừa và trấn áp các vi phạm hải quan (Công ước Nairobi), nhằm thiết lập quan hệ hợp tác đa phương giữa các nước thành viên WCO trên cơ sở hỗ trợ hành chính trong việc trao đổi thông tin về kiểm soát hải quan nói chung, đặc biệt là về buôn lậu ma túy và tài sản văn hóa; Công ước về tạm quản hàng hóa liên quan đến việc cho hàng hóa được đưa vào một lãnh thổ hải quan theo chế độ tạm quản nhằm tạo thuận lợi cho việc tạm nhập, tạm xuất hàng hóa không phải nộp thuế hoặc các thủ tục liên quan khác thông qua việc ban hành và sử dụng bộ chứng từ mang tính quốc tế và các biện pháp đảm bảo tương ứng.

Trong khuôn khổ WTO, Hải quan Việt Nam phải thực thi Hiệp định trị giá WTO, Hiệp định quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), Hiệp định về chống bán phá giá (ADP).

Xu hướng của ngành Hải quan Việt Nam trong tương lai

Khó có thể dự đoán được vai trò tương lai của bất kỳ tổ chức nào cũng như không thể tìm ra một đáp án chung duy nhất về xu hướng sắp tới của hải quan Việt Nam. Tuy nhiên, có một số vấn đề hay đề tài chung phát sinh giúp đưa ra những gợi ý về vai trò và ưu tiên tương lai của hải quan.

Thứ nhất, chức năng huy động và kiểm soát thu ngân sách của ngành hải quan nhiều khả năng vẫn là một chức năng quan trọng dù thuế suất hiện đang giảm dần sau nhiều vòng đàm phán thương mại liên tiếp. Sở dĩ như vậy là bởi một số lý do sau: (a) do những khó khăn gặp phải trong việc mở rộng cơ sở tính thuế (tax base) nên các nước đang phát triển như Việt Nam trong một thời gian dài vẫn sẽ phải phụ thuộc vào nguồn thuế hải quan cho thu ngân sách; (b) hàng nhập khẩu có khả năng sẽ tạo thành cơ sở thuế chủ yếu để đánh thuế VAT và hải quan là cơ quan ở vị thế tốt nhất cho việc kiểm soát hàng hóa vào thời điểm nhập khẩu; (c) Hải quan vẫn sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm bảo đảm hàng hóa nhập khẩu không tiêu thụ trong nội địa bị lọt ra ngoài (d) Việc xác định hoàn thuế VAT cho hàng xuất khẩu sẽ tiếp tục đòi hỏi một mức độ kiểm soát cao đối với hàng xuất khẩu.

Thứ hai, hải quan vẫn sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu thương mại phục vụ mục đích thống kê và thực thi pháp luật.

Thứ ba, hải quan sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm quản lý biên giới hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, một tác nhân chính góp phần tạo nên khả năng cạnh tranh quốc tế cho mỗi nước cho dù nội dung hỗ trợ thương mại có được chính thức đưa vào các thỏa thuận thương mại đa phương mà Việt Nam tham gia hay không. Bởi thế, nhiệm vụ hàng đầu của ngành hải quan vẫn là hài hòa hóa, đơn giản hóa và phối hợp hiệu quả tất cả các yêu cầu và cam kết quản lý biên giới quốc gia.

Thứ tư, khi nhận thức được rõ hơn về mối đe dọa khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia, Chính phủ Việt Nam tất sẽ yêu cầu cơ quan hải quan đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo đảm an ninh quốc gia và thực thi pháp luật. Để đạt được điều đó, cơ quan hải quan có khả năng sẽ phải tiến hành hàng loạt những thay đổi trong hệ thống, thủ tục và thậm chí cả các trách nhiệm hành chính để tăng lòng tin vào mức độ kiểm soát đối với cả hàng nhập khẩu và xuất khẩu. Kiểm tra an ninh sẽ được thực hiện ngày càng nhiều tại các điểm xuất khẩu bên cạnh các điểm nhập khẩu.