Công nghiệp và xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:04, 16/08/2018

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Tình hình kinh tế Việt Nam trong quý II/2018 tiếp tục được cải thiện. Ngành công nghiệp và xuất khẩu vẫn có chiều hướng phát triển tốt và là động lực của tăng trưởng kinh tế năm 2018.

(Vietnam Logistics Review) Tình hình kinh tế Việt Nam trong quý II/2018 tiếp tục được cải thiện. Ngành công nghiệp và xuất khẩu vẫn có chiều hướng phát triển tốt và là động lực của tăng trưởng kinh tế năm 2018.

Duy trì đà tăng trưởng

Báo cáo của Tổng cục thống kê, tình hình kinh tế trong quý II tiếp tục cải thiện so với cùng kỳ. GDP quý II/2018 ước tăng 6,91% so với cùng kỳ, nâng tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt ở mức 7,08% (quý I tăng 7,45%; quý II tăng 6,79%), là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 đến nay.

Có được kết quả này là nhờ tác động tích cực từ cả những yếu tố bên ngoài và nội lực bên trong nền kinh tế. Cụ thể, sự phục hồi tích cực của kinh tế thế giới, giá dầu và giá một số khoáng sản tăng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp). Về nội lực, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tiêu dùng trong nước tăng trưởng khả quan, sự tăng trưởng vượt trội của ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và đà tăng trưởng tốt của khu vực dịch vụ.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,9%, quý II tăng 8,4%), cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,7%, đóng góp 9,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Các ngành khác cũng đều duy trì đà tăng trưởng ngoại trừ ngành khai khoáng giảm 1,3% (chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,7%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm mức tăng chung.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sáu tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2017. Đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Trong đó, dẫn đầu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (đạt 22,5 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD); hàng dệt, may (13,42 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD); giày dép các loại (7,79 tỷ USD). Nhóm hàng nông sản, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, mặc dù kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,19 tỷ USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2017. Song theo nhận định của Bộ Công Thương, sự phục hồi của giá dầu thô thế giới (đạt trên 70 USD/thùng trong năm 2018) đã khiến cho việc xuất khẩu nhiên liệu, khoáng sản được hưởng lợi từ giá xuất khẩu tăng. Tính chung cả nhóm, yếu tố tăng giá đã góp phần làm tăng 466 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, trong khi yếu tố giảm về lượng xuất khẩu đã làm kim ngạch của nhóm này bị giảm 731 triệu USD.

Nhật Bản đã thông qua Hiệp định CPTPP và Việt Nam cũng đang nỗ lực để trở thành 1 trong 6 nước đầu tiên thông qua Hiệp định này vào cuối năm nay. Đây sẽ là cơ hội lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của VN trong năm nay và những năm tiếp theo.

Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 93,3 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung gồm điện thoại và các loại linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ...

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Xuất khẩu các sản phẩm thô và khoáng sản đang giảm dần với tỷ trọng chiếm chỉ 1,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (năm 2017 chiếm 2,5%), trong khi tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo và các sản phẩm nông thủy sản đang được cải thiện, 2 nhóm hàng này lần lượt đạt tỷ trọng là 81,9% và 11,8% (tỷ lệ này của năm 2017 lần lượt là 80,2% và 12,5%).

Xét về yếu tố thị trường, Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan về thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài tiếp tục gia tăng thị phần tại các thị trường trọng điểm, xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Irắc, Ukraina, Ôxtrâylia, Nga...

Điều đáng mừng là hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã có cải thiện tăng trưởng đáng kể cả về lượng và chất so với khối doanh nghiệp nước ngoài trước đây vẫn chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu cũng có chuyển biến tích cực và đang đi đúng hướng, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu tài nguyên khoáng sản, sản phẩm thô sang hướng công nghiệp dịch vụ với giá trị gia tăng cao.

Phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 7.2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để góp phần cùng Chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP, Bộ đã và đang tập trung vào các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Cụ thể, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Công Thương, đặc biệt là cơ cấu lại một cách thực chất ngành công nghiệp nhằm tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu quả của đầu tư, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu; Tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh linh hoạt kịp thời và hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai phương án sản xuất kinh doanh tối ưu nhằm đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP đối với các ngành công nghiệp; đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTA và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới, tăng cường công tác xúc tiến thương mại; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, trong đó tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Thực hiện các biện pháp chính sách để phát huy, tận dụng các cơ hội phát triển và hạn chế tác động tiêu cực do mặt trái của hội nhập gây ra.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình n h ư tốc độ tăng trưởng sản xuất trong nước rất khả quan, bên cạnh đó, nhiều đơn hàng được các doanh nghiệp ký kết với các đối tác xuất khẩu từ đầu năm sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được.

Dư địa thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng nhờ thực hiện các FTA. Đơn cử như việc Nhật Bản đã thông qua Hiệp định CPTPP và Việt Nam cũng đang nỗ lực để trở thành 1 trong 6 nước đầu tiên thông qua Hiệp định này vào cuối năm nay. Đây sẽ là cơ hội lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của VN trong năm nay và những năm tiếp theo.