Hoàn thiện giao thông đường bộ, phát triển hàng không, cảng biển Đà Nẵng
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 11:19, 13/08/2018
(Vietnam Logistics Review)Sáng nay (10/8), tại Đà Nẵng, Ủy ban Kinh tế TW phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội thảo "Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Đề xuất mô hình "Đô thị sân bay"
Theo KST Ngô Viết Nam Sơn, theo nhìn nhận, quỹ đất của Đà Nẵng không phải cạn kiệt như nhiều ý kiến mà do nhiều dự án quy hoạch chưa đúng tầm. Hiện nay quy hoạch của Đà Nẵng đã chia thành phố thành các phân khu, như những khu kinh tế đóng góp cho thành phố theo những hướng khác nhau.
Ông Sơn cho rằng, Đà Nẵng cần tính đến phương án xây dựng mô hình đô thị sân bay. "Hiện nay, sân bay cả nước có chung tình trạng quy hoạch sân bay và đô thị không kết hợp với nhau nên sân bay không đóng góp cho kinh tế nhiều, phục vụ cho giao thông hàng không là chính", ông Sơn nói.
Ông cho biết, hiện nay một số nước trên thế giới có xu hướng biến sân bay thành một đơn vị kinh tế. Đà Nẵng là đô thị đặc biệt, có vị trí đặc biệt để phát triển đô thị sân bay. Không khéo sân bay Đà Nẵng sẽ gặp tình trạng kẹt xe như sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, phải xây dựng những hệ thống giao thông rất tốn kém nhưng hiệu quả không cao. Cửa ngõ vào thành phố mà kẹt xe thì thành phố khó phát triển.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đề nghị cấp thiết xây dựng cảng Liên Chiểu và mở rộng sân bay Đà Nẵng
"Đà Nẵng có nhiều điểm khá giống TP.HCM. Nhưng hiện nay cơ hội phát triển một sân bay khác cho Đà Nẵng là sân bay Chu Lai. Nhưng sân bay này lại cách thành phố gần 100km. Người ta có một tư duy sai lầm là sân bay phải xa đô thị. Nhưng thật ra sân bay phải luôn gắn kết với đô thị. Các đô thị có sân bay phát triển trên thế giới thường thì khoảng cách đến đô thị từ 15-30 phút", ông Sơn cho biết.
KST Sơn nêu quan điểm, sân bay Đà Nẵng cần tính đến việc phát triển hài hòa với đô thị, vừa phục vụ giao thông hàng không vừa phát triển đô thị cho Đà Nẵng trong ít
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, cảng Liên Chiểu cần được xây dựng sớm. Nếu không vai trò trung tâm, kết nối giao thông của Đà Nẵng sẽ vô cùng khó khăn. Bộ GTVT sắp tới sẽ triển khai giai đoạn tiếp theo của sân bay Đà Nẵng, và xây dựng theo đúng quy hoạch là 28 triệu lượt khách, Đà Nẵng rất mong là sân bay Đà Nẵng không quá 35 triệu lượt khách vì nằm bên trong đô thị. Có đường cao tốc rồi thì việc kết nối, chia sẻ sân bay Đà Nẵng với sân bay Chu Lai sẽ phù hợp. Tuy nhiên đến nay lượng khách ở sân bay Đà Nẵng đã đạt 13 triệu, nếu không làm ngay sân bay Đà Nẵng sẽ quá tải. |
nhất 30 năm tới. Đà Nẵng chưa kẹt xe, nhưng nếu không làm gì thì kẹt xe chỉ là ngày 1 ngày 2. "Đà Nẵng cần gấp rút làm một đường vành đai. Dọc theo đường vành đai đó làm những khu dịch vụ, thương mại... để người dân có thể sống chung. Đây là mô hình tiên tiến trên thế giới. Điển hình một số sân bay đã thành công và đóng góp cho sự phát triển kinh tế", ông Sơn kiến nghị.
Hoàn thiện giao thông đô thị, phát triển dịch vụ logictics
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá giao thông đô thị của Đà Nẵng tương đối hoàn chỉnh. Nhưng để phát triển lâu dài thì phải có nhiều giải pháp, tính đến hệ thống giao thông trong lòng đất và giao thông trên cao kết hợp với giao thông trên mặt đất như hiện nay.
Theo Thứ trưởng, hiện nay hệ thống đường cao tốc, quốc lộ tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu của sự phát triển. Trung tâm khu vực miền Trung, cao tốc đang được Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu đầu tư.
"Chúng ta đang phấn đấu năm 2020 hoàn chỉnh đường cao tốc đã được quy hoạch và liên quan đến TP Đà Nẵng. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ngày 2/9 sẽ khánh thành. Việc kết nối đường cao tốc về phía Bắc, đến năm 2020 sẽ thông tuyến La Sơn - Tuy Loan. Hầm đường bộ Hải Vân cũng đến năm 2020 sẽ thông tiếp một hầm nữa. Do đó việc kết nối ra Huế, Quảng Nam về đường bộ rất thuận lợi", Thứ trưởng nói.
KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất Đà Nẵng nên xây dựng Đô thị sân bay
Thứ trưởng cũng cho biết, theo dự báo, nhu cầu tăng trưởng vận tải hàng hóa qua cảng biển của Đà Nẵng rất lớn (trên 10%). Cảng Tiên Sa đã được dự báo không thể phát triển lâu dài. Hiện nay nguồn lực chúng ta chưa có nên chưa đạt được mục tiêu xây dựng cảng Liên Chiểu. Trong giai đoạn tới thì phải nhấn mạnh vấn đề về cảng Liên Chiểu.
"Chúng tôi cũng phát hiện một điểm nhấn là logictics, nên quyết liệt trong vấn đề này. Liên Chiểu là một trong những đầu mối cửa ngõ, nằm trong trục hành lang kinh tế Đông - Tây, mà đây lại là điểm cuối cùng nên dịch vụ logictics là cực kỳ quan trọng", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cũng cho rằng đến thời điểm cần phải nghiên cứu lại sân bay Đà Nẵng. Phải có tầm nhìn xa hơn sân bay Đà Nẵng có thể đạt công suất bao nhiêu. Qua đó tính đến vấn đề kết nối giao thông và hạ tầng thiết yếu để phục vụ sân bay Đà Nẵng cũng như áp dụng đô thị gắn kết sân bay. Ngoài ra, Bộ GTVT đang tính đến giải pháp lâu dài, nhấn mạnh là sân bay Chu Lai. Đây là yếu tố tác động rất lớn để chia sẻ với Đà Nẵng.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho biết sẽ làm việc với Đà Nẵng để lựa chọn một vị trí để làm ga đường sắt. Theo kế hoạch năm 2019, Bộ GTVT sẽ trình Quốc hội về đường sắt tốc độ cao. Do đó vị trí của Đà Nẵng và ga Đà Nẵng rất quan trọng.