Vải thiều Lục Ngạn 2018: Chuỗi logistics bất cân xứng theo mùa

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 13:33, 23/08/2018

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Logistics là loại dịch vụ có tính kết nối rất cao theo chuỗi để phục vụ dòng hàng hóa vận hành thuận lợi. Mỗi khâu có khả năng tạo giá trị theo quy luật thị trường. Các chủ thể trong chuỗi vừa hợp tác và vừa cạnh tranh để thu lợi nhuận. Nếu mỗi chủ thể vận hành theo một phân khúc thị trường độc lập tương đối thì cung - cầu và giá cả dịch vụ từng phân khúc có thể do các chủ thể quyết định. Do đó, tính bất cân xứng của chuỗi logistics xuất hiện. Bài viết nghiên cứu tính bất cân xứng xuất hiện trong chuỗi cung ứng của quả vải thiều Lục Ngạn.

Chuỗi logistics vải thiều Lục Ngạn năm 2018

Mùa vải thiều chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5 âm lịch hàng năm, ngoại trừ vải thiều trái mùa có vào nhiều thời gian khác. Vào thời điểm chính của mùa vải thiều, sản lượng tăng tối đa, khả năng giá giảm lớn và thường xuất hiện phong trào giải cứu. Có trường hợp địa phương yêu cầu mỗi cán bộ mua ít nhất 20kg vải để “giải cứu” người trồng vải.

Với quả vải thiều huyện Lục Ngạn, chuỗi logistics thu gom từ các hộ gia đình trồng vải riêng lẻ, và chỉ để tiêu thụ chủ yếu trong nước nên nhiều khâu trong chuỗi được rút gọn (Hình 1).

Thu gom sản phẩm

Quả vải được thương nhân trong vùng thu gom từ các hộ gia đình hoặc trang trại, rồi chở đến địa điểm thu mua tập kết. Các điểm thu mua này thường là nhà ở của thương nhân có diện tích khá rộng, có sức chứa đồng thời hàng chục tấn vải và hàng chục cây đá, hàng trăm thùng xốp trong một ngày để đảm bảo chất lượng cho quả vải. Đồng thời, địa điểm này thường nằm ngay sát đường giao thông, có đủ diện tích để xe container 40 feet bốc vải thuận tiện thậm chí có thể chấp nhận tắc đường cục bộ vì thiếu các kho bãi chuyên dụng nhằm giải phóng mặt hàng nhanh nhất có thể. Nguyên tắc thu gom vải là chỉ khi phương tiện chuyên chở đến thì mới tiến hành thu hoạch để tránh thu hoạch trước làm quả vải bị hư hỏng do thiếu kho tàng và thiết bị bảo quản chuyên dụng. Ước tính mỗi gốc vải trung bình cho 50kg quả đạt chất lượng. Việc hái vải và thu gom có thể do từng hộ gia đình thực hiện hoặc sử dụng nhân công thuê mướn.

Phân loại sản phẩm

Quả vải được phân loại, chọn lọc, loại bỏ các quả bị sâu bệnh, quả không đạt tiêu chuẩn, được bó thành chùm với khối lượng trung bình mỗi chùm khoảng 3kg, cắt tỉa cành và ngâm qua đá lạnh để đảm bảo chất lượng. Vải được đóng vào thùng xốp khoảng 5 - 6 chùm trong 1 thùng, đậy nắp kín và chặt, dán băng dinh keo chặt để không bị rung lắc, bật nắp trong quá trình vận chuyển.

Vận chuyển sản phẩm Việc bốc dỡ quả vải lên container và vận chuyển được thực hiện bởi lực lượng lao động tại chỗ. Nếu tiêu thụ quả vải ở các thị trường lân cận hoặc bán lẻ, đã có mạng lưới thương nhân bán lẻ với quy mô tiêu thụ trung bình mỗi ngày 20-30kg/ xe đạp, 1,5 - 2 tạ vải/ xe máy hoặc 3 - 4 tấn vải/ô tô tải. Quá trình chuyên chở này được thực hiện trong thời gian ngắn để tránh bị hư hỏng do thời tiết và mất cơ hội thị trường.

Tính bất cân xứng trong chuỗi logistics

Đối với khâu thu gom, chưa có các loại thiết bị hỗ trợ thu gom có tính chuyên nghiệp, tình trạng thu gom vẫn chủ yếu theo phương thức thủ công, khai thác nhân công tại chỗ. Đây là điểm bất cân xứng giữa sản lượng năm 2018 là 72 ngàn tấn và vẫn có khả năng tăng lên trong thời gian tới nhờ tăng năng suất và mở rộng quy mô với năng lực thu hoạch hạn chế tối đa tỷ lệ hỏng.

Đối với khâu phân loại, với việc bó chùm, ngâm đá lạnh, đóng thùng và dán băng keo, điểm bất cân xứng là nhu cầu tăng cao về đá cây, thùng xốp, băng keo, túi ni-lon so với năng lực cung ứng chúng đúng thời điểm để duy trì chất lượng quả vải. Giá cả các loại phụ kiện này tăng lên trung bình 20% - 40% so với mức giá ngày thường. Đây là cơ hội mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp cung ứng các loại phụ kiện này. Nếu giá cả quả vải tiêu thụ cuối cùng không thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể, các loại bao bì và dụng cụ bảo quản này tăng giá sẽ làm giảm lợi nhuận của đầu mối cung ứng và phần lợi nhuận giảm đó được chuyển sang hay phân phối lại cho nhà cung ứng thùng xốp, đá cây và băng keo theo nguyên tắc kinh tế thị trường. Giá cả của quả vải không bị sụt giảm đến mức phải “giải cứu” khẩn cấp và với quy mô lớn như từng áp dụng đối với dưa hấu hoặc chuối.

Đối với khâu vận chuyển, tính bất cân xứng thể hiện ở việc thiếu các bãi đỗ phương tiện vận tải phù hợp và quy mô lớn. Các phương tiện chuyên chở này còn dừng, đỗ dọc đường một cách tạm bợ, gây ách tắc và mất an toàn giao thông, thời gian người đi đường. Đồng thời, phương tiện chuyên chở thích hợp với quy mô hộ gia đình trồng vải thiếu tính chuyên nghiệp.

Ngoài ra, còn có sự bất cân xứng giữa sản lượng vải thu hoạch rất lớn, lợi nhuận cao với việc thiếu quan tâm thỏa đáng đến công tác bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Còn thiếu kênh thông tin phản hồi ý kiến khách hàng về chất lượng vải và chất lượng dịch vụ logistics.

Các giải pháp

Cần khai thác cơ hội phát triển các loại thiết bị thu gom đặc biệt cơ giới hóa các loại thiết bị thu gom để tăng năng suất, bảo đảm chất lượng, giảm bớt hao hụt và hư hỏng. Đây là cơ hội để khoa học thiết kết và chế tạo thiết bị thu hoạch vải phát triển đặc biệt là thiết bị thông minh. Điều này đòi hỏi sự tham gia chủ động, tích cực của cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ, trường đại học và nhà khoa học.

Cần phát triển cơ sở sản xuất các loại phụ kiện như thùng xốp, đá cây, băng keo và túi ni-lon theo tiêu chuẩn quả vải Lục Ngạn. Các thùng vải này cần dán nhãn hiệu Lục Ngạn đăng ký đúng thủ tục pháp lý, hấp dẫn, bắt mắt và được bảo hộ để quảng bá sản phẩm đặc thù địa phương rất xứng đáng để phát triển trong chiến lược quốc gia “mỗi làng một sản phầm”. Đồng thời, cần phát triển các cơ sở chế biến quả vải không đạt tiêu chuẩn thành sinh tố vải, các loại vitamin cần cho sức khỏe con người, các loại sản phẩm phụ có ích khác hoặc làm nguyên liệu cho các thí nghiệm liên quan đến quả vải… Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học thực phẩm và y tế tham gia vào chuỗi hợp lý và thuyết phục.

Chú trọng đầu tư phát triển bãi đỗ phương tiện vận tải, khu vực phục vụ đội ngũ công nhân bốc xếp thậm chí trang bị thêm xe nâng hàng để tăng năng suất và bảo đảm chất lượng, tính an toàn và vệ sinh của khâu bốc dở là cần thiết. Các thiệt bị vận chuyển vải chuyên dụng với quy mô vừa và nhỏ của hộ gia đình cần được thiết kế, chế tạo phục vụ nhu cầu thị trường. Điều này đòi hỏi liên kết giữa thương nhân, thương lái, hỗ trợ của chính quyền, hiệp hội, sự tham gia của cơ quan chức năng trong quy hoạch kho thuận lợi và hiệu quả để khai thác triệt để cơ hội phát triển mặt hàng trong nước và xuất khẩu ra nhiều thị trưởng khác.

Ngoài ra, cần đầu tư lớn vào khâu xử lý vệ sinh khu thu mua vải như kho tàng bảo quản cần cao ráo, sạch sẽ, tránh để quả vải chất thành đống trong nền nhà, ngoài sân hay để chung với các loại vật dụng cá nhân sinh hoạt gia đình gây “phản cảm” với người mua. Coi trọng công tác bảo vệ môi trường ở các đầu mối giao dịch mặt hàng vải và tích cực tiếp nhận ý kiến phản hồi khách hàng dựa vào công nghệ thông tin và mạng xã hội để hoàn thiện các khâu trong chuỗi. Đây là cơ hội phát triển văn hóa khai thác chuỗi logistics quả vải thiều Lục Ngạn.

Thường Lạng