Thu hút FDI tiếp tục lập kỷ lục, vừa mừng vừa lo
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:16, 05/06/2019
Hiệp định CPTPP bắt đầu thực hiện từ năm 2019 mở ra cơ hội lớn về tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như XK, điều này sẽ thu hút và hấp dẫn đối với các DN FDI
Vốn FDI Trung Quốc tăng vọt
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, thu hút FDI đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây. Tính đến ngày 20/5/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, giải ngân vốn FDI ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư tăng ở cả 3 hợp phần gồm vốn đăng ký cấp mới, dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay cả khi không tính lượt góp vốn 3,85 tỷ USD của nhà đầu tư Hồng Kông thì tổng giá trị vốn góp vẫn tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, xuất khẩu của khu vực FDI trong 5 tháng qua (kể cả dầu thô) đạt 70,4 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 69,9% kim ngạch xuất khẩu và tính chung trong 5 tháng đầu năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 12,73 tỷ USD kể cả dầu thô.
Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, nếu nói thu hút FDI tăng đột biến cũng không đúng, vì dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng cao từ năm 2017, 2018 trung bình ở mức khoảng 33- 34 tỷ USD/năm. Trong 5 tháng 2019, dòng vốn này tăng trưởng cao và hứa hẹn có thể 2019 sẽ lập kỷ lục mới về thu hút FDI. Nguyên nhân chính, theo ông Thắng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chỉ là một trong những lý do đem đến kết quả thu hút FDI tăng cao trong 5 tháng qua. Bên cạnh cuộc chiến này thì Hiệp định CPTPP bắt đầu thực hiện từ năm 2019 mở ra cơ hội lớn về tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như XK, điều này sẽ thu hút và hấp dẫn đối với các DN FDI. Thứ hai, tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong 5 năm trở lại đây cũng là điểm sáng để thu hút FDI tăng cao. Nếu để nói lý do nào là nguyên nhân chính và quan trọng nhất dẫn tới thu hút FDI tăng mạnh, ông Thắng cho rằng xuất phát từ lý do trong nước, theo đó, nếu so với các quốc gia trong khu vực thì chúng ta có nhiều nét tương đồng nhưng tiềm năng, triển vọng về XK, hội nhập của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước, đặc biệt là vấn đề ổn định kinh tế trong nước, ví dụ như tỷ giá.
Trong kết quả thu hút FDI, một điều đáng lưu ý là vốn FDI từ Trung Quốc đã tăng cao so với thời gian trước đây. Cụ thể, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 5 tháng qua, vốn FDI từ Trung Quốc là 2 tỷ USD, chiếm 12% và xếp thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore. Nhưng nếu tính riêng vốn đăng ký cấp mới thì Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu, với tổng vốn đăng ký cấp mới lên tới 1,56 tỷ USD, con số này gấp 5,5 lần so với đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam cùng kỳ năm 2018.
Theo các chuyên gia, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đưa đến cho Việt Nam cơ hội thu hút dòng vốn FDI từ Trung Quốc do Việt Nam có môi trường kinh doanh thông thoáng, an ninh, chính trị ổn định và các nước đang sắp xếp lại chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Các công ty lớn trên thế giới đang hoạt động đầu tư ở Trung Quốc sẽ tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hoá các hoạt động đầu tư và sẽ chuyển một số các cơ sở sản xuất hay thương mại sang các nước khác; trong đó có Việt Nam.
Điểm đến nhằm phân tán rủi ro chiến tranh thương mại?
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, Tổng cục Thống kê luôn theo dõi sát nội dung và tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Từ cuối năm 2018 đến nay, dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) sang Việt Nam đã tăng đột biến. Tổng vốn đầu tư đăng ký từ Hong Kong và Trung Quốc ước đạt 7,1 tỷ USD, trong đó Hong Kong đăng ký đầu tư đạt 5,1 tỷ USD, Trung Quốc đạt 2 tỷ USD, chiếm tới 42,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2019.
Bình luận về điều này, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, đây là tác động trực tiếp của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, trong đó làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam là hiện hữu. Với những nước có công nghệ phát triển như Nhật, Mỹ..., họ không hoàn toàn cho rằng Việt Nam là điểm đến số 1, Việt Nam chỉ là một trong những ứng cử viên mà thôi. Trong khi đó Trung Quốc lại thấy Việt Nam có sự gần gũi về văn hóa, địa lý, chính trị do đó đầu tư Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam, tỷ trọng đầu tư từ Trung Quốc vì thế tăng vọt, chiếm thế thượng phong so với các nước truyền thống.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng là một thách thức không nhỏ khi làn sóng này sẽ tạo ra cạnh tranh với DN trong nước để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nếu các DN Việt Nam cạnh tranh không tốt, lợi ích mang lại từ Hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam vất vả đàm phán sẽ lại dành cho DN Trung Quốc. "Những dự án đầu tư nhỏ, công nghệ thấp, gây ô nhiễm có thể tràn sang Việt Nam trong khi tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam tương đối thấp so với các nước trên thế giới khiến dòng vốn từ Trung Quốc có thể gây ra vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho nước ta do các DN Trung Quốc thường đầu tư vào các lĩnh vực da giày, dệt may, sản xuất gang thép. Bên cạnh đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô cũng đứng trước thách thức khi Trung Quốc và các nước trong khu vực, trên thế giới phá giá đồng nội tệ để bảo vệ xuất khẩu hàng hóa sẽ gây áp lực lên tỷ giá của đồng Việt Nam với các ngoại tệ. Điều này gây áp lực không nhỏ đến kiểm soát lạm phát, thị trường chứng khoán, dự trữ ngoại hối và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam", ông Nguyễn Bích Lâm lưu ý.
Về vấn đề này, dưới góc độ khác, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang có những cái lợi cho các nước xung quanh trong đó có Việt Nam. “Cũng đã có xu hướng những nhà đầu tư đang lựa chọn Trung Quốc thì sẽ có thể xoay sang lựa chọn Việt Nam hoặc các nước xung quanh. Nhưng điều này cũng không đơn giản. Theo đó, việc các dự án FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam là có nhưng thực tế thì không dễ dàng, vì DN FDI họ đã đầu tư vào đó lâu năm, các dự án đã chôn chân ở đó nên dịch chuyển là khó khăn. Thứ hai là, phía Trung Quốc cũng không muốn để trường hợp đó xảy ra. Họ sẽ có những giải pháp để ngăn chặn điều này, không phải là giải pháp về mặt hành chính mà là giải pháp về tài chính, kinh tế để DN cảm nhận được và có sự đấu tranh, đánh đổi để không xảy ra việc chuyển dịch đầu tư”, ông Nguyễn Văn Toàn nói.
Về định hướng thu hút FDI thời gian tới, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng: Thu hút nguồn vốn FDI của các địa phương cần theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao và công nghệ hiện đại, tiên tiến, không để nhà đầu tư tìm đến Việt Nam với mục tiêu tận dụng thị trường lao động giá rẻ, chi phí dịch vụ tiện ích thấp. Đặc biệt, không để Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm phân tán rủi ro trong chiến tranh thương mại. Đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế, việc thu hút thu hút đầu tư nước ngoài cần được xem xét chặt chẽ, đặt vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia lên hàng đầu.