E-learning: Xu hướng mới trong đào tạo nhân lực ngành logistics

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:37, 07/12/2018

(VLR) Sáng ngày 16.11, Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tổ chức Diễn đàn Đào tạo nhân lực Logistics Việt Nam - Lần thứ II. Với chủ đề Xu hướng đào tạo nhân lực logistics trong thời kỳ CMCN 4.0, diễn đàn lần này sẽ là điểm hẹn kết nối quy mô và chất lượng trong lĩnh vực đào tạo nhân lực và nghiên cứu logistics Việt Nam.

Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch VLA phát biểu tại diễn đàn

Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch VLA phát biểu tại diễn đàn

VLI định kỳ tổ chức Diễn đàn “Đào tạo nhân lực Logistics Việt - Vietnam Logistics Human Resource Education & Training Forum – VLET”. VLET đã được VLI đăng ký bản quyền thương hiệu, sẽ được tổ chức thường niên, là điểm hẹn kết nối quy mô và chất lượng trong lĩnh vực đào tạo nhân lực và nghiên cứu logistics Việt Nam. Từ VLET, VLI cũng đã tích cực phát triển chất lượng giảng viên logistics trong các trường ký MOU với VLI, tổ chức các chuyến tham quan thực tế cho giảng viên đến các doanh nghiệp logistics hàng đầu. Qua đó, góp phần đưa đào tạo lý thuyết gắn kết với thực tế trong hoạt động giảng dạy.

Với sứ mệnh cung cấp cho cộng đồng những sản phẩm đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng gắn với định hướng phát triển của ngành, VLI tiếp tục tổ chức Diễn đàn “Đào tạo nhân lực Logistics Việt Nam” Lần II - 2018 - Vietnam Logistics Human Resource Education & Training Forum - VLET 2018, với mong muốn sẽ nhận nhiều đóng góp của các chuyên gia, giảng viên, doanh nghiệp đầu ngành, để cùng nhau đóng góp hơn nữa vào sự phát triển ngành logistics trong tương lai.

PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện VLI trao tặng phiếu ưu đãi các khóa học cho doanh nghiệp

PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện VLI trao tặng phiếu ưu đãi các khóa học cho doanh nghiệp

Diễn đàn lần này đưa ra một số vấn đề thảo luận: Kết nối các tổ chức đào tạo và doanh nghiệp logistics trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu; Đào tạo nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp; Đào tạo tích hợp chương trình quốc tế kết hợp sử dụng e-learning (khóa đào tạo trực tuyến).

PGS.TS. Nguyễn Văn Thư - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM chia sẻ, thông qua cuộc thi Vietnam Young Logistics Talents 2018 và những kết quả mà sinh viên đã đạt được ông tin tưởng tương lai sẽ có được một thế hệ sinh viên ra trường có chất lượng cao, đáp ứng được các yêu cầu từ phía doanh nghiệp. Hiện tại nhà trường được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ xây dựng khung chương trình đào tạo về logistics, sau đó tiến hành thống nhất và liên kết giữa các trường đại học về khung chương trình đào tạo. Phía nhà trường cũng mong muốn được phối hợp và nhận được sự đóng góp ý kiến từ các doanh nghiệp, vì ngành logistics tại Việt Nam đang ngày một phát triển và biến đổi một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, nhà trường hiện đang chủ trì đề án phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng khóa đào tạo ngắn hạn cho viên chức Chính phủ về kiến thức logistics. Chương trình đào tạo nhằm mục đích tăng sự hiểu biết cho các cán bộ, công chức, để từ đó xây dựng các chính sách về ngành logistics một cách hợp lý và chuẩn xác.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Quốc tế Delta, tại TP. HCM cũng chia sẻ một số khó khăn trong vấn đề tuyển dụng. Dưới góc độ là nhà tuyển dụng, Công ty mất rất nhiều thời gian để đào tạo và cụ thể là tại vị trí Customer Service (Dịch vụ khách hàng), ngoại ngữ là một trong những yếu tố được các doanh nghiệp yêu cầu ở sinh viên, bên cạnh đó sinh viên khi mới ra trường còn yếu về mặt kỹ năng mềm, thiếu kinh nghiệm thực tế. Do đó, để rút ngắn quá trình đào tạo tại doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Delta hy vọng các trường đại học có thể thiết kế chương trình cho sinh viên thực tập và học việc tại công ty ngay từ những năm 2, năm 3, để sinh viên sớm tiếp xúc với môi trường làm việc thực tiễn, qua đó có thể rút ngắn quá trình đào tạo việc làm cho doanh nghiệp và việc tuyển dụng cũng trở nên dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký VLA cho rằng sàng lọc là yếu tố cần thiết trong đào tạo

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký VLA cho rằng sàng lọc là yếu tố cần thiết trong đào tạo

Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội VLA, Giám đốc Công ty InterLog chia sẻ thêm, nhà trường cần có sự sàng lọc ngay từ đầu để sinh viên dễ dàng có được định hướng, phát triển năng lực trong từng lĩnh vực mà bản thân thấy phù hợp, ngành dịch vụ logistics được chia ra làm rất nhiều mảng như hải quan, kho hàng, vận tải đường bộ, hàng không,... Như vậy, sàng lọc là một yếu tố cần thiết vừa giúp sinh viên định hướng năng lực vừa giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng.

PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp chia sẻ các kế hoạch tuyển dụng, cũng như các yêu cầu về khóa học đào tạo cho nhân viên, qua đó Viện VLI có thể lựa chọn các khóa học hợp lý để không gây lãng phí thời gian của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến tiến độ công việc của cá nhân nhân viên. CMCN 4.0 đang ngày một phát triển, việc mở các lớp e-learning (khóa đào tạo trực tuyến) nhằm chia sẻ các chương trình đạo tạo không chỉ tới các tỉnh thành lớn trong cả nước, mà đẩy mạnh phát triển cả ở trên các tỉnh thành nhỏ lẻ trải rộng khắp lãnh thổ Việt Nam.

Quang Anh