Nguyên nhân bất ngờ khiến đội tàu biển Việt Nam “tuột” thị phần nội địa

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:08, 28/02/2019

(VLR) Khối lượng luân chuyển lớn song với thời gian hành trình dài, vận tải biển không phù hợp với các mặt hàng có thời gian sử dụng ngắn…

Vận tải bằng đường biển có ưu thế về giá cước, khối lượng luân chuyển song việc vận chuyển lại phụ thuộc nhiều ào luồng lạch, thời tiết, ảnh hưởng đến thời gian giao hàng

Vận tải bằng đường biển có ưu thế về giá cước, khối lượng luân chuyển song việc vận chuyển lại phụ thuộc nhiều ào luồng lạch, thời tiết, ảnh hưởng đến thời gian giao hàng

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, năm 2018, tỷ trọng sản lượng hàng hóa vận tải bằng đường bộ vẫn cao hơn rất nhiều các phương thức vận tải khác.

Theo ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng vận tải và dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam), vận tải bằng đường biển thời gian vận chuyển dài hơn so với các phương thức khác nên thường được sử dụng trên tuyến vận tải đường dài (Hải Phòng - TP. HCM, Hải Phòng - Đà Nẵng,...), không phù hợp với mặt hàng có thời gian sử dụng ngắn và hàng công nghệ cao cần thu hồi vốn nhanh.

“Vận tải đường biển cũng không thể chuyển hàng đến tận nơi mà cần có xe luân chuyển, làm tăng chi phí xếp dỡ hai đầu. Vì vậy, tỷ trọng sản lượng hàng hóa vận chuyển của vận tải biển thấp hơn các phương thức vận tải khác và chỉ chiếm 5,2%.

Ngược lại, với phương thức vận tải bằng đường bộ, hàng hóa được vận chuyển tiết kiệm thời gian hơn, chi phí tiết kiệm đối với cự li ngắn và trung bình, đặc biệt là có vận chuyển hàng hóa từ kho người gửi đến kho người nhận mà không qua bất kì trung gian vận tải nào. Vì vậy, tỷ trọng sản lượng hàng hóa vận chuyển cao hơn các phương thức khácnhưng khối lượng luân chuyển chỉ bằng 2/3 khối lượng của đường biển”, ông Cường nói.

“So với vận tải đường bộ, vận tải biển vận chuyển khối lượng hàng lớn, phù hợp với vận chuyển hàng container, hàng quá tải, quá khổ, thích hợp với cự ly đường dài, nhưng nhược điểm là có mùa thấp điểm và mùa cao điểm. Trong đó, mùa thấp điểm thì thiếu hàng để vận chuyển, mùa cao điểm thì gặp khó khăn trong việc đặt chỗ (container), việc vận chuyển phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, luồng lạch dẫn đến thời gian giao hàng không đảm bảo như kế hoạch”, ông Cường cho hay.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến tháng 12/2018, đội tàu biển Việt Nam có 1.593 tàu (tàu vận tải hàng hóa là 1.125 tàu) với tổng dung tích 4,8 triệu GT, tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT. Trong đó, tàu hàng tổng hợp có 819 tàu; tàu chở hàng rời có 99 tàu; tàu chở dầu có 150 tàu; tàu chuyên dụng khí hóa lỏng có 16 tàu và đội tàu container có 41 tàu.

Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như: LPG, xi măng rời… Hàng hóa vận chuyển nội địa chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, lương thực, VLXD, thiết bị máy móc,…

baogiaothong.vn