Nghiên cứu sửa đổi các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:18, 07/03/2019
Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 kiểm tra hàng hóa NK
Việc xây dựng dự thảo Thông tư này nằm trong chương trình công tác trọng tâm của Tổng cục năm 2019. Theo đó, những nội dung quan trọng dự kiến đưa vào dự thảo sẽ quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan Hải quan.
Dự thảo cũng quy định cụ thể về việc tiếp nhận, xử lý đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa XK, NK có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (gồm: Quy định về nộp đơn đề nghị kiểm tra, giám sát; kiểm tra, xử lý hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát; thời hạn áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát; các trường hợp từ chối tiếp nhận hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát…).
Đồng thời quy định việc tiếp nhận, xử lý đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan và thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa XK, NK xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng giả; kiểm soát hải quan đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Thời gian qua, một số đơn vị hải quan đã phản ánh những vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 13/2015/TT-BTC.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Thông tư 13/2015/TT-BTC quy định thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là 10 ngày kể từ ngày cơ quan Hải quan ra quyết định tạm dừng và gia hạn thêm không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định gia hạn. Trong trường hợp phát sinh việc trưng cầu giám định hoặc tham khảo ý kiến chuyên môn từ các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, cơ quan Hải quan tiếp tục tạm dừng làm thủ tục hải quan cho đến khi nhận được kết quả giám định hoặc ý kiến chuyên môn.
Như vậy, khi chưa có kết quả giám định hoặc ý kiến chuyên môn thì có cần gia hạn quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan hay không? Nếu gia hạn tạm dừng thì cơ quan Hải quan được phép gia hạn bao nhiêu lần? hay người yêu cầu tạm dừng được xin gia hạn bao nhiêu lần?
Bên cạnh đó, hải quan địa phương cũng phản ánh cần có quy định cụ thể đối với trường hợp nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký bảo hộ nhưng đang trong tình trạng giải quyết tranh chấp, phân chia tài sản sở hữu trí tuệ…
Liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới, năm 2018, vấn đề này đã được chỉ đạo sát sao nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, NK hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa XK, NK. Do vậy, hiệu quả công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới của cơ quan Hải quan được nâng cao rõ rệt.
Qua theo dõi, số lượng đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tăng nhanh về số lượng (trong năm 2018 số lượng Đơn và hồ sơ đề nghị bảo bệ quyền sở hữu trí tuệ được chấp nhận là 188 hồ sơ), qua đó khẳng định công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới đã được cơ quan Hải quan triển khai minh bạch, thuận lợi, có hiệu quả.