VLI với nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng nhân lực ngành logistics

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 13:49, 14/03/2019

(VLR) Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực ngành logistics được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics Việt Nam. Nhân dịp đầu năm mới 2019, Tạp chí Vietnam Logistics Review (VLR) đã có dịp trò chuyện cùng PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI) về nhiệm vụ này.

Là người trực tiếp quản lý công tác đào tạo nhân lực cho ngành logistics, bà đánh giá như thế nào về hiện trạng cũng như nhu cầu về nhân lực của ngành logistics Việt Nam hiện nay, thưa PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa?

Năm 2018, Viện VLI phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã thực hiện khảo sát trên 150 doanh nghiệp (DN) logistics. Kết quả cho thấy, về trình độ chuyên môn chỉ có khoảng 45% nhân viên được đánh giá tốt; về trình độ IT và khả năng ngoại ngữ chỉ có khoảng 29% số nhân viên được đánh giá tốt và trên 41% được đánh giá khá; có đến 60% DN cho rằng nhân lực là 1 trong 3 vấn đề khó khăn nhất mà họ đang gặp phải.

Theo VLA, đến 2030, sẽ cần đào tạo mới và bài bản khoảng 250.000 nhân sự cho ngành logistics. Bộ Công Thương cũng ước tính trong giai đoạn (2018 - 2030), tổng nhu cầu nhân lực logistics của các DN Việt Nam (bao gồm DN kinh doanh dịch vụ và DN sản xuất kinh doanh) có thể lên tới trên 2,2 triệu.

Với đặc điểm công việc xuyên quốc gia trong môi trường cạnh tranh gay gắt và trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao và sáng tạo cả về kỹ năng làm việc thực tế, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh chuyên ngành logistics cũng như thái độ tích cực với công việc.

Yêu cầu về việc nâng cao chất lượng cũng như số lượng nguồn nhân lực hiện nay là một thách thức lớn của ngành logistics. Để đáp ứng nhu cầu này, ngoài sự đổi mới các chương trình đào tạo thì chúng tôi rất cần sự liên kết từ các doanh nghiệp để học viên có thể “học đi đôi với hành”.

Được biết, những năm gần đây, Viện VLI đã và đang triển khai nhiều chương trình liên kết đào tạo trong nước và quốc tế nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Hiện nay, VLI được VLA giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng chuẩn đầu ra cho ngành logistics ở các cấp độ từ vận hành, quản lý bậc trung và cao, chiến lược (tạm gọi là VOS 1, 2, 3, 4 – Vietnam Occupational Skills Standard).

Tại Việt Nam, VLA là đơn vị chính thức được FIATA ủy quyền đào tạo các chương trình chuẩn quốc tế do FIATA cấp chứng nhận và VLI trực tiếp triển khai các chương trình đào tạo này, bao gồm các chứng chỉ FIATA về Quản trị giao nhận vận tải quốc tế; Chứng chỉ FIATA về Quản trị chuỗi cung ứng. Hiện tại, bên cạnh việc tổ chức các khóa học FIATA, VLI còn hợp tác với các trường đại học để tích hợp chương trình FIATA vào chương trình đào tạo của các trường đại học. Đặc biệt, VLI còn thực hiện các lớp đào tạo cấp chứng chỉ FIATA dành riêng cho đối tượng là giảng viên từ các trường đại học, cao đẳng nhằm xây dựng mạng lưới giảng viên trình độ cao và kiến thức thực tế chuyên sâu để có thể tham gia giảng dạy các khóa học ngắn hạn và khóa học theo nhu cầu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Giao nhận logistics ASEAN (AFFA) cũng đang tiến hành cập nhật chương trình đào tạo nghề logistics cho các nước trong ASEAN. Viện VLI cũng được giao nhiệm vụ cập nhật và xây dựng chương trình đào tạo về Quản trị kho hàng và Vận tải đường bộ. Chương trình đào tạo này sau khi được hoàn thiện sẽ được AFFA áp dụng cho toàn bộ các nước ASEAN.

Ngoài việc đào tạo tại VLI, hiện nay VLI còn đang và sẽ thực hiện các chương trình đào tạo tích hợp với các trường đại học trong cả nước. VLI kỳ vọng với những chương trình đào tạo chuyên ngành theo chuẩn quốc tế như vậy góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu nguồn nhân lực chất lượng cao ra các nước trong khu vực để nắm bắt cơ hội di chuyển lao động tự do trong AEC.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tham gia các khóa học, Viện VLI đã triển khai chương trình đào tạo tích hợp các chương trình quốc tế kết hợp sử dụng e-learning. Bà đánh giá thế nào về hiệu quả và mức độ quan tâm của học viên qua hình thức đào tạo này?

Hiện nay, nhu cầu nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của sinh viên, nhân viên trong ngành logistics là rất lớn. Tuy nhiên, các hạn chế về thời gian, không gian, địa điểm tổ chức các lớp học trực tiếp... đã không thu hút được số lượng lớn người có nhu cầu. Từ thực tế đó, e-learning (học trực tuyến) là giải pháp cơ bản mà VLI đang hướng đến để tạo ra những cơ hội học tập tốt hơn, đây cũng là cách để chia sẻ kiến thức đến cộng đồng. Tuy chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm và xây dựng, nhưng dự án e-learning đã nhận được sự quan tâm lớn từ học viên, nhất là từ các doanh nghiệp.

Trong đào tạo nhân lực ngành logistics, có nhắc đến khái niệm Mô hình mạng lưới logistics quốc gia (Vietnam Logistics Network). Xin bà cho biết rõ hơn về quá trình triển khai và lợi ích thiết thực từ mô hình này?

Mô hình mạng lưới logistics quốc gia (Vietnam Logistics Network) là mô hình quy tụ các trường đại học, các viện, cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp logistics, các nhà nghiên cứu... lập nên các cổng thông tin, các thư viện kiến thức ngành logistics làm nguồn tài nguyên kiến thức cho số đông tiếp cận một cách dễ dàng. Hiện nay, VLI đang có sự hợp tác với trên 12 trường đại học, cao đẳng và 17 DN logistics qua một thỏa thuận chung hướng tới thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, thực tập tuyển dụng nhân sự, hướng đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam trong tương lai. Thỏa thuận còn hướng đến vai trò kết nối nguồn nhân lực giữa các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp, với mong muốn, nguồn sinh viên có thành tích học tập tốt sẽ là nguồn tuyển dụng có giá trị và hiệu quả cho các DN Hội viên VLA. Bên cạnh đó, VLI cũng mời gọi các giáo viên từ các trường tham gia vào các nghiên cứu của VLA/VLI qua đó tăng cường sự kết nối, giao lưu giữa các trường và doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa.

Hồng Út