Thương nhân Trung Quốc ùn ùn tới vựa vải thiều lớn nhất Việt Nam
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:53, 15/06/2019
Hiện có khoảng 390 thương nhân người Trung Quốc sang Bắc Giang, phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân xuất hàng
Chiều 14/6, Sở Công Thương Bắc giang cho biết, số lượng vải thiều đã tiêu thụ toàn tỉnh đã vượt 71.600 tấn, trong đó trà vải chín sớm gần 37.400 tấn (đã bán gần hết) và vải chính vụ 34.200 tấn.
Giá vải đến thời điểm hiện nay vẫn ổn định ở mức cao. Giá vải thiều ngày 14/6 dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Vào lúc cao điểm giá vải sớm loại đẹp tại Lục Ngạn có lúc bán được trên 70.000đ/kg.
Năm 2019, diện tích cả tỉnh hơn 28.000ha, sản lượng dự kiến đạt 150 nghìn tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm là từ ngày 25/5, chính vụ từ ngày 5/6 đến ngày 5/7/2019.
Ở thị trường trong nước, vải tươi được bán rộng rãi, đặc biệt là các tỉnh lân cận Bắc Giang và các thành phố lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP. HCM, các tỉnh phía Nam.
Vải được tiêu thụ thông qua các thương nhân phân phối, các chợ đầu mối như chợ Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn (TP. HCM), Dầu Giây (Đồng Nai) và các trung tâm thương mại, siêu thị Saigon Co.opMart, Big C, Hapro…
Về thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, vải thiếu được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch và một số nước khu vực Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapo, Thái Lan, Úc…
Riêng thị trường Trung Quốc, hiện có khoảng 390 thương nhân người Trung Quốc sang Bắc Giang, phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân xuất hàng sang thị trường này. Tổng số điểm cân trên toàn tỉnh trên 500 điểm, trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lục Ngạn, Lục Nam.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, tỉnh vừa tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, trong đó có vấn đề tiêu thụ vài thiều ở Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).
Theo ông Tấn, Sở Công Thương Bắc Giang và Sở Công Thương của Quảng Tây đã ký thỏa thuận lâu dài với nhau về vấn đề thương mại, công nghiệp, trong đó, phía Quảng Tây hàng năm tạo điều kiện xúc tiến tiêu thụ vải thiều, giới thiệu các thương nhân của Trung Quốc sang mua vải thiều của Bắc Giang.
Khi vào vụ, hai bên thống nhất bố trí thêm cán bộ, làm thêm giờ để thực hiện giám định nhanh, thông quan các lô hàng kịp thời.
Về phía Bắc Giang, ông Tấn cho biết, bên cạnh việc, đảm bảo các vấn đề về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc… tỉnh sẽ kiện tối đa về kho bãi, vốn, thủ tục xuất nhập cảnh cũng như giám sát thường xuyên hoạt động thu mua của thương nhân Trung Quốc để tạo điều kiện tiêu thụ vải thiều thuận lợi.