Hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam biến động thế nào trong quý I?
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:31, 16/04/2019
Sự thay đổi "chóng mặt" về sản lượng và kim ngạch nhập khẩu dầu thô tính hết quý I của năm 2019 và 2018
Xăng dầu giảm, dầu thô tăng mạnh
Theo Tổng cục Hải quan, các mặt hàng tăng chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,36 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 991 triệu USD; dầu thô tăng 860 triệu USD; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 765 triệu USD; than các loại tăng 428 triệu USD…
Trong số nhóm hàng nhập khẩu có biến động lớn, đáng chú ý là việc nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh trong khi dầu thô tăng cao để phục vụ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Cụ thể, xăng dầu các loại đạt 2,08 triệu tấn, trị giá 1,23 tỷ USD, giảm 40,4% về lượng và giảm 45% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xăng dầu các loại được nhập khẩu về Việt Nam trong quý I chủ yếu có xuất xứ từ Malaysia với 625 nghìn tấn, giảm 39,7%; Singapore với 488 nghìn tấn, giảm 30,6%; Hàn Quốc với 396 nghìn tấn, giảm 58,4%...
Trong khi đó, mặt hàng dầu thô nhập khẩu đạt gần 2,1 triệu tấn, trị giá 901,9 triệu USD, tăng hơn 23 lần về lượng và hơn 20 lần về trị giá so với cùng kỳ 2018. Thị trường nhập khẩu dầu thô chủ yếu là Cô-oét.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, quý I, cả nước chi gần 2,79 tỷ USD nhập điện thoại và linh kiện giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện trong quý I với thị phần chiếm 92,8% trị giá nhập khẩu mặt hàng này của cả nước.
Chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo đạt 3,62 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ các thị trường: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…
Sắt thép các loại đạt 3,37 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng 8,3% về lượng và tăng 3,1% về trị giá.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 1,38 triệu tấn, trị giá đạt 867 triệu USD, tăng 23% về lượng, tăng 4,6% về trị giá. Các thị trường nhập khẩu lớn khác là Hàn Quốc, Nhật Bản…
Hóa chất và sản phẩm từ hóa chất đạt 2,43 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hóa chất và sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam cũng có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc. Ngoài ra nước ta còn nhập nhiều mặt hàng này từ thị trường Đài Loan, Hàn Quốc…
Máy vi tính từ Trung Quốc tăng đột biến
Hết quý I, 3 nhóm hàng nhập khẩu có quy mô kim ngạch lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nhóm nguyên phụ liệu dệt may, da, giày.
Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt 11,79 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ thời gian năm trước.
Đây là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất và đạt kim ngạch “chục tỷ USD” đầu tiên của cả nước tính hết quý I.
Các thị trường cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, thị trường Đài Loan.
Đáng chú ý, thị trường lớn nhất là Hàn Quốc bị sụt giảm kim ngạch 2% (chỉ đạt 4,57 tỷ USD), trong khi 2 thị trường tiếp theo lại có mức tăng cao, trong đó Trung Quốc tăng mạnh nhất lên đến 71,1%; thị trường Đài Loan tăng 38,3%...
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là nhóm hàng nhập khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch đạt 8,57 tỷ USD tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường nhập chủ yếu từ Trung Quốc đạt 3,21 tỷ USD, tăng 27%; từ Hàn Quốc đạt 1,56 tỷ USD, tăng 7,6% và từ Nhật Bản đạt 1,13 tỷ USD, tăng 2,4%...
Nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) đạt 5,48 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam nhập nhóm hàng này chủ yếu từ Trung Quốc với trị giá 2,43 tỷ USD, tăng 15,9%; ngoài ra, các thị trường lớn có thể kể đến như Hàn Quốc, thị trường Đài Loan…