Cân nhắc biện pháp quản lý nhập khẩu sản phẩm CNTT trong danh mục cấm
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:31, 04/07/2019
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để nghiên cứu khoa học, kiểm thử trong sản xuất là nhu cầu thiết yếu đối với tất cả lĩnh vực, vì CNTT đã trở thành một trong những hạ tầng quan trọng của nền kinh tế. Hiện nay, theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP việc nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu (bao gồm sản phẩm CNTT đã qua sử dụng) để nghiên cứu khoa học do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Nhưng đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, hồ sơ cho hoạt động này. Điều này làm các doanh nghiệp lúng túng, khó khăn trong áp dụng, thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực.
Do đó, việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết trường hợp nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để nghiên cứu khoa học và thực hiện hoạt động gia công cho thương nhân nước ngoài thực sự cần thiết và cấp bách trong thời điểm hiện nay.
Theo đó, dự thảo Quyết định quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục xem xét, cho phép NK hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm NK nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học và thực hiện hoạt động gia công sửa chữa cho thương nhân nước ngoài.
Việc NK hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm NK phải đáp ứng nguyên tắc như: Hàng hóa NK phải bảo đảm các quy định liên quan về an toàn, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Không xem xét, cho phép NK hàng hóa đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ vì lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường. Chỉ cho phép NK hàng hóa để phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Đồng thời, dự thảo quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép NK hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm NK để nghiên cứu khoa học; Điều kiện, quy định đối với hoạt động gia công sửa chữa hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm NK cho thương nhân nước ngoài; Hồ sơ, trình tự, thủ tục cho phép thực hiện hoạt động gia công sửa chữa hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm NK cho thương nhân nước ngoài.
Xung quanh các quy định tại dự thảo, Bộ Tài chính cho rằng đối với nội dung về NK nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, cần quy định rõ biên pháp xử lý đối với hàng hóa NK sau khi hoàn thành việc nghiên cứu khoa học. Cụ thể, trường hợp hàng hóa tạm nhập để nghiên cứu khoa học thì phải thực hiện tái xuất toàn bộ hàng hóa ra nước ngoài hoặc thực hiện tiêu hủy hàng hóa. Thủ tục tái xuất hoặc tiêu hủy hàng hóa thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong việc theo dõi tái xuất, tiêu hủy hàng hóa sau khi hoàn thành việc nghiên cứu hoa học.
Mặc khác, để đảm bảo việc quản lý đối với hoạt động NK sản phẩm CNTT đã qua sử dụng đúng mục đích, thời gian phù hợp, cần quy định rõ tại dự thảo Quyết định thời hạn tái xuất, cơ quan có thẩm quyền xác định hàng hóa tái xuất đúng là hàng tạm nhập. “Vì nhiều trường hợp máy móc, thiết bị phải tháo dời để phục vụ nghiên cứu khoa học nên không còn nguyên trạng như hàng hóa tạm nhập ban đầu, nhiều trường hợp tạm nhập là máy móc, thiết bị hoàn chỉnh nhưng khi tái xuất lại là kinh kiện, bộ phận và cơ quan Hải quan không có căn cứ để xác định hàng hóa tái xuất phù hợp với hàng hóa tạm nhập ban đầu”-tài liệu góp ý của Bộ Tài chính nêu.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị bổ sung quy định về xử lý vi phạm đối với trường hợp tự ý chuyển tiêu thụ nội địa, không tái xuất hàng hóa đã NK.
Đối với vấn đề về NK để thực hiện hoạt động gia công, Bộ Tài chính cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc về một số giấy tờ như: Văn bản của cơ quan quản lý môi trường phê duyệt dự án thực hiện hoạt động gia công theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong hồ sơ đề nghị cho phép thực hiện hoạt động gia công sửa chữa.
Ban soạn thảo cần cân nhắc làm rõ yêu cầu cung cấp văn bản của cơ quan quản lý môi trường phê duyệt dự án thực hiện hoạt động gia công vì thực tế nhiều DN thực hiện hoạt động gia công không trực tiếp xử lý phế liệu, phế thải mà ký hợp đồng với các công ty đủ năng lực để xử lý phế liệu, phế thải của hoạt động gia công.