22 ngân hàng phối hợp với Hải quan thu thuế điện tử 24/7
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:44, 12/07/2019
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT giúp thông quan nhanh hàng hóa cho cộng đồng doanh nghiệp, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và công chức hải quan
6 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai quyết liệt công tác ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp theo chủ trương chung của Chính phủ.
Đáng chú ý một nội dung quan trọng liên quan mật thiết và nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp là việc Tổng cục Hải quan tiếp tục mở rộng thực hiện thanh toán điện tử.
6 tháng qua, có 39 ngân hàng phối hợp thu với Tổng cục Hải quan, trong đó có 22 ngân hàng tham gia thu, nộp thuế điện tử và thông quan 24/7.
Tổng số thuế thu được từ phương thức điện tử 162.944 tỷ đồng, chiếm 92,72% số thu ngân sách. Trong đó số thuế thu qua phương thức thu thuế điện tử và thông quan 24/7 là 13.550 tỷ đồng, chiếm 8,3% số thu từ phương thức điện tử.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng triển khai mạnh mẽ về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).
Hiện có 171/181 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được cung cấp qua DVCTT mức độ 3 và 4 (chiếm trên 94,4%). Trong đó, có 162 thủ tục hành chính được cung cấp ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ xấp xỉ 90%).
Dự kiến tháng 7/2019, Tổng cục Hải quan sẽ cung cấp thêm 2 thủ tục lên mức độ 3,4, qua đó nâng tổng số thủ tục được cung cấp DVCTT mức độ 3,4 là 173/181 (đạt 96%).
6 tháng đầu năm, tổng số hồ sơ thực hiện trên Hệ thống DVCTT là 69.178 bộ, với 12.323 doanh nghiệp và 85 cá nhân thực hiện.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan tiếp tục tập trung xây dựng Đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan, tạo ra một sự thay đổi về chất, mang tính bước ngoặt về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan.
Đồng thời đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Mặt khác, Tổng cục Hải quan khẩn trương triển khai Đề án đầu tư hệ thống seal định vị điện tử phục vụ công tác giám sát đối với hàng hóa chịu sự giám sát hải quan vận chuyển bằng container của Tổng cục Hải quan.
Song song với đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện các hệ thống CNTT phục vụ quản lý nhà nước về hải quan; triển khai Hệ thống quản lý hàng hóa tự động (VASSCM); đảm bảo vận hành các hệ thống CNTT hoạt động ổn định, an ninh, an toàn đáp ứng yêu cầu xử lý nghiệp vụ hải quan…
Tổng cục Hải quan đánh giá, 6 tháng qua toàn Ngành đã hoàn thành những nội dung ứng dụng CNTT lớn, phức tạp.
Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề cho phát triển ứng dụng CNTT của ngành Hải quan trong 5, 10 năm tới như: Rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống CNTT để xây dựng Đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT ngành Hải quan; thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước về hệ thống CNTT phục vụ công tác quản lý thu ngân sách…