EVFTA cơ hội & thách thức với hàng nông sản xuất khẩu

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:14, 22/08/2019

(VLR) Với những thuận lợi lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp (DN) nông sản đang tăng tốc cho việc đầu tư chất lượng, nâng cao vị thế sản phẩm để chinh phục người tiêu dùng EU.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kim ngạch xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm đạt 19,8 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó rất nhiều sản phẩm đang được xuất khẩu vào thị trường EU. Do đó, việc EVFTA ký kết mới đây được đánh giá là động lực để Việt Nam (VN) tăng xuất khẩu nông sản sang EU.

Thời cơ

Khi EVFTA có hiệu lực, sẽ giúp nông sản VN có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa; tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới của DN...

Để tiếp cận thị trường EU, DN phải có sự chuẩn bị kỹ. DN và người nông dân rất cần được phổ cập kiến thức cơ bản về quy trình trồng trọt, hướng dẫn đạt tiêu chí cơ bản về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, dư lượng thuốc kháng sinh, bảo vệ thực vật...

Khác với các FTA khác, EVFTA yêu cầu mở cửa thị trường với gần như 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm thuế quan trong vòng 7 năm. Và ngay sau năm 2020, hơn 85% dòng thuế sẽ về 0%, chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU. Với EVFTA, toàn bộ sản phẩm xuất khẩu chính, mũi nhọn của VN là nông sản như: gạo, cà phê, mật ong, chăn nuôi, hoa quả, thủy sản... đều hưởng ưu đãi từ năm đầu. Cụ thể, EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu cá tra sang EU với 2 sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê tươi, ướp lạnh (HS 030432) thuế sẽ giảm từ 9% xuống 0% sau 3 năm; cá tra phi lê đông lạnh (HS 030462) sẽ giảm từ 5,5% xuống còn 0% sau 3 năm EVFTA có hiệu lực. Sản phẩm cá tra đông lạnh (HS 030324) được xóa bỏ thuế trong vòng 3 năm từ mức 8% như hiện nay.

Đặc biệt, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới còn giúp ngành nông nghiệp VN tiếp cận với nguồn nguyên liệu ổn định. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý... Cụ thể là dòng vốn đầu tư có chất lượng cao từ EU với khả năng tạo những chuỗi cung ứng mới cho khu vực, đầu tư vào ngành có giá trị, có công nghệ sạch.

Đối với mặt hàng nông sản, VN hiện có nhiều công ty đa quốc gia đang đầu tư phát triển nông sản chất lượng cao. Chẳng hạn như Bayer là một tập đoàn toàn cầu bắt nguồn từ Cộng hòa Liên bang Đức, hiện diện trên 90 quốc gia trên toàn thế giới. Hoạt động kinh doanh của Bayer phụ thuộc vào chuỗi giá trị đa dạng với các hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại nhiều nơi, sản xuất phân bổ rộng về mặt địa lý và các môi trường pháp lý phần lớn được quốc hữu hóa. Nhiều năm qua, Bayer đã ứng dụng các phát minh và biện pháp kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng lực sản xuất cho người nông dân, góp phần vào phát triển kinh tế bền vững.

Thách thức

Cơ hội rõ ràng là rất lớn, song VN cũng gặp không ít thách thức khi xuất khẩu nông sản sang thị trường EU. Bởi, EU là thị trường yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, không dễ để đáp ứng. Trong khi đó, tính liên kết giữa nông dân và DN VN từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Hầu hết, các vùng nguyên liệu nông sản nằm xa nhà máy chế biến, nên gây khó khăn cho việc chế biến xuất khẩu.

Điều đáng nói là sản xuất nông nghiệp của VN vẫn nhỏ lẻ, tự phát, trong khi ở một số nơi, nông dân chưa được hướng dẫn về sản xuất sạch, an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu cho nông sản... Ông Phùng Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Toàn cầu trái cây tươi (Bến Tre), cho biết: “DN muốn duy trì và phát triển thị trường này phải xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định. Tuy nhiên, vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tìm kiếm quỹ đất để mở rộng quy mô còn rất khó khăn, dù thị trường rất rộng mở. Lúc mới xuất khẩu, tôi đã mất 700 triệu đồng vì lô hàng bị dính thuốc bảo vệ thực vật do vườn hàng xóm phun xịt nhiễm sang. Rút kinh nghiệm, sau này, tôi làm vùng đệm rộng hơn để không còn ảnh hưởng”.

Ông Hiền còn cho biết, không chỉ coi trọng chất lượng sản phẩm mà vấn đề người lao động cũng được khách hàng EU quan tâm. Người lao động phải được đóng bảo hiểm các loại, phải có môi trường lao động an toàn... Mặt khác, vấn đề mới của EU là chính sách cấm nhựa dùng một lần. DN hiện vẫn loay hoay tìm giải pháp thay thế như dùng ống hút tre, ống hút cỏ thay ống hút nhựa trong sản phẩm dừa tươi; tìm nhà cung cấp màng bọc PE sinh học để bọc trái cây... nhưng vẫn chưa có giải pháp tối ưu.

Bên cạnh đó, cá tra và các sản phẩm thủy sản khác của VN cũng sẽ đứng trước nhiều thách thức và đòi hỏi cao hơn từ phía khách hàng như: Cam kết về chất lượng, mẫu mã, giá cả, tính chuyên nghiệp... hoặc việc tăng chi phí. Mặt khác, DN cũng cần phải lưu ý về khả năng tăng hàng rào phi thuế quan đối với sản phẩm nhập khẩu, trong đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sẽ có thể ngặt nghèo hơn nữa.

Thực tế hiện nay, sự hiểu biết của DN VN về EVFTA còn hạn chế. Hiện có tới 77% DN không biết, hoặc lần đầu nghe nói tới, trong đó, các DN xuất khẩu nông sản không phải là ngoại lệ.

Song song những cơ hội vàng để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, VN vẫn phải đối mặt với không ít thách thức khi hội nhập. Đó là việc gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu do hàng rào thuế dần được cắt giảm. Các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế...

Việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ cũng như các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật là vấn đề đáng quan ngại đối với các DN trong ngành hàng này. Ngoài ra, các DN còn phải đối diện với những thách thức nội tại như năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển mạnh về thương hiệu.

Ví dụ như yêu cầu vệ sinh dịch tễ cho nông sản vào thị trường EU rất chặt chẽ. Theo đó, còn có những yêu cầu tuân thủ an toàn lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tất cả những điều này đòi hỏi các DN Việt phải có một sự đầu tư thỏa đáng nhằm cải thiện công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, nếu xét về đầu tư ngắn hạn, thì đây là một thách thức lớn đối với DN. Tuy nhiên, trong dài hạn điều này sẽ giúp các DN có thể “nâng cấp” và đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Bộ sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất sạch như VietGAP, GlobalGAP. Muốn đáp ứng các tiêu chuẩn này, nông dân cần thông qua các hợp tác xã, DN liên kết trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường

Vậy đâu là giải pháp cho hướng đi của nông sản vào thị trường EU một cách bền vững? Để tiếp cận thị trường EU, DN phải có sự chuẩn bị kỹ. DN và người nông dân rất cần được phổ cập kiến thức cơ bản về quy trình trồng trọt, hướng dẫn đạt tiêu chí cơ bản về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, dư lượng thuốc kháng sinh, bảo vệ thực vật...

Theo đó, ngoài sự tích cực chủ động nâng cao chất lượng cho sản phẩm, để xuất khẩu thành công vào EU trong giai đoạn tới rất cần thêm kênh cung cấp thông tin thị trường và hoạt động hỗ trợ xúc tiến thiết thực cho DN. Mặt khác, cần tạo ra sự khác biệt sản phẩm nông sản, thực phẩm của VN so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.

Về phần quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất sạch như VietGAP, GlobalGAP. Muốn đáp ứng các tiêu chuẩn này, nông dân cần thông qua các hợp tác xã, DN liên kết trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng...

Thay vì chỉ hướng đến sản phẩm cuối cùng, các DN, hợp tác xã nên lưu ý trên toàn bộ chuỗi giá trị, các khâu sản xuất phải được phòng vệ rủi ro; truy xuất nguồn gốc, tem nhãn của sản phẩm... phải công khai, minh bạch, tạo đà cho xuất khẩu nông sản sang EU tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, DN cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Theo đó, cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào VN, nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

TS. Nguyễn Văn Khanh