Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:35, 10/10/2019
Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ sẽ là xu thế tất yếu
Trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có quy định về việc tự chứng nhận xuất xứ vào Liên minh châu Âu - EU (hậu kiểm).Theo đó, bên cạnh cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống, hai bên thống nhất cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ.
Thay vì bên thứ ba cấp chứng nhận xuất xứ (Bộ Công Thương, VCCI hoặc các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền), doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).Đây là yêu cầu bắt buộc của EU đối với một số nước, trong đó có Việt Nam.
Hậu kiểm là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Hậu kiểm rút ngắn thời gian thông quan, còn việc kiểm tra sau thông quan có thể lên tới từ 5 đến 10 năm...
Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 2.700 doanh nghiệp đang xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi GSP.
Thực tế hiện nay, phần lớn các DN tự chứng nhận xuất xứ là những DN lớn, còn lại những DN nhỏ do không đủ thông tin và nhân lực để tự thực hiện chứng nhận xuất xứ nên cần nhờ bên thứ ba. Với việc 95% DN nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc bỏ hoàn toàn cơ chế cấp C/O vẫn cần khoảng thời gian không ngắn để thực hiện, cho đến khi các DN có đủ khả năng tự thực hiện chứng nhận xuất xứ.
Bản thân các DN Việt Nam cần cập nhật thông tin liên tục thông qua các khóa đào tạo về các quy định của FTA, cần tham vấn với các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có thể thực hiện tự chứng nhận xuất xứ, từ đó chủ động hơn, tiết kiệm được thời gian, nhân lực và chi phí logistics.