Hải quan tham gia hoàn thiện nhiều chính sách pháp luật chuyên ngành

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:27, 14/01/2020

(VLR) Bên cạnh công tác chủ trì tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về thủ tục hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng là đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối tham gia xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của các Bộ, ngành.

Hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý chuyên ngành có ý nghĩa quan trọng trong xuất nhập khẩu hàng hóa

Hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý chuyên ngành có ý nghĩa quan trọng trong xuất nhập khẩu hàng hóa

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Trần Đức Hùng cho biết, quá trình tham gia xây dựng văn bản có nhiều đề án lớn, có phạm vi điều chỉnh rộng và trực tiếp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư nhiều thời gian, nhân lực để đảm bảo tính pháp lý, đồng thời phù hợp thực tiễn, hiệu quả khi đưa vào thi hành.

Kết quả, trong năm 2019, Cục Giám sát quản lý về hải quan đã đầu mối tham gia ý kiến xây dựng 53 văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành khác chủ trì; trong đó có 2 đề án Luật; 16 đề án cấp Chính phủ; 6 đề án cấp Thủ tướng Chính phủ; 29 đề án cấp Bộ.

Bên cạnh việc tham gia ý kiến hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, thời gian qua, với vai trò là đơn vị đầu mối, phối hợp với các bộ liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong rà soát và đề xuất cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.

Kết quả đến nay, 84/87 văn bản quy phạm pháp luật (chiếm 97%) theo yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và 18/29 văn bản (chiếm 62%) theo yêu cầu tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đã được các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung theo hướng: Áp dụng phương thức quản lý rủi ro trong kiểm tra, ban hành Danh mục hàng hóa phải kiểm tra kèm mã số HS; chuyển nhiều hàng hóa có nguy cơ rủi ro thấp sang kiểm tra sau thông quan; cắt giảm 12.600 mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa thuộc diện phải quản lý và KTCN; đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra; tăng đối tượng được miễn kiểm tra…

44/53 danh mục hàng hóa đã có mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC theo yêu cầu tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg.

Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho 18/22 nhóm hàng theo yêu cầu tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg. Đồng thời, có phương án cụ thể đối với từng nhóm hàng còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành cho từng bộ, ngành liên quan.

Báo Hải quan